HLV Mai Đức Chung dừng cuộc chơi bóng đá

(PLO)- Trưa 4-11, thầy trò HLV Mai Đức Chung mới đáp chuyến bay từ Uzbekistan về đến Hà Nội, sau vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024 và đây cũng là cuộc chơi cuối của ông thầy lão luyện 74 tuổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vòng chung kết World Cup nữ 2023 diễn ra hồi tháng 7, FIFA đưa ông Mai Đức Chung vào danh sách lập kỷ lục là HLV lớn tuổi nhất, 72 tuổi ở cúp thế giới cả nam lẫn nữ. Mới đây, ông Chung vui vẻ đính chính lại: “Giấy tờ ghi năm sinh của mình là 1951 nhưng không phải đâu, mình sinh đúng là năm 1949. Đã 74 tuổi rồi sức khỏe có hạn, thôi nghỉ ngơi để lớp trẻ làm”.

1_15_MaiDucChung_tuyennu.jpg
HLV Mai Đức Chung chia tay các học trò sau trận đấu cuối vòng loại Olympic Paris 2024.
Ảnh: CTV

Ông Chung “xe ca” và mối duyên với bóng đá nữ

Ông Mai Đức Chung thời trai trẻ đá bóng cho đội Xe ca Hà Nội nên có biệt danh Chung “xe ca” đến năm 1975, ông khoác áo Tổng cục Đường sắt cho đến khi treo giày và hành nghề HLV từ năm 1984.

Ông Chung kể lại kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông là vào ngày 7-11-1976, đội bóng Tổng cục Đường sắt do HLV Trần Duy Long cầm quân đá trận bóng đầu tiên với Cảng Sài Gòn trên sân Thống Nhất, đánh dấu sự sum họp của hai miền bóng đá Nam - Bắc một nhà. Khi ấy, cố tiền vệ Lê Thụy Hải ghi bàn mở điểm. Bàn thắng thứ hai, tiền vệ Thụy Hải chuyền thật đẹp cho Mai Đức Chung bật cao hơn hàng thủ do trung vệ Tam Lang chỉ huy, đánh đầu tung lưới thủ môn Lưu Kim Hoàng.

Năm 2008, cặp bài trùng của Tổng cục Đường sắt ghi hai bàn thắng trên sân Thống Nhất ngày nào, với HLV trưởng Mai Đức Chung và trợ lý Lê Thụy Hải xuất sắc vô địch cúp Merdeka, một giải đấu truyền thống danh giá của Malaysia, để lần thứ hai đăng quang sau khi tuyển miền Nam lên ngôi từ năm 1966.

Ông Chung từng có nhiều thời gian làm trợ lý cho các đời thầy ngoại của bóng đá nam, huấn luyện các CLB B. Bình Dương lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết AFC Cup 2009, nắm đội Navibank Sài Gòn, Thanh Hóa… nhưng ông lại ghi dấu ấn đậm nét nhất với đội tuyển nữ Việt Nam (VN).

2_15_MaiDucChung_tuyennu.jpg
Lần cuối ông thầy 74 tuổi nâng niu chiếc băng đội trưởng đội tuyển nữ Việt Nam mang cho cô học trò sau nhiều năm tháng gắn bó với bóng đá Việt Nam. Ảnh: CTV
3_15_MaiDucChung_tuyennu.jpg
HLV Mai Đức Chung từng nhận danh hiệu Vinh danh Fair Play, thành tựu trọn đời.
Ảnh: HOÀNG GIANG

Các cô gái trẻ hay gọi ông Chung là thầy, là bác xưng con. Ông xem tuyển nữ VN như một đại gia đình của mình. Ông hiểu rõ từng cầu thủ, không chỉ từ những nỗi niềm khó nói của phụ nữ, cuộc sống riêng gia đình, mà còn luôn quan tâm, săn sóc họ với tình thương của một người cha.

Ông Chung có đến sáu lần giúp các học trò nữ đăng quang SEA Games, vô địch AFF Cup, vào bán kết ASIAD 2014 và đặc biệt là chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2023 lịch sử.

“Kể từ ngày được biết ông, tôi luôn dành sự tôn trọng cao nhất về những hy sinh mà ông đã dành cho bóng đá Việt Nam. Hãy nghỉ hưu vui vẻ, hãy đi du lịch và tận hưởng cuộc sống thật nhiều nhé. Hẹn gặp lại ông vào một ngày gần nhất.”

HLV Park Hang-seo

Chiến binh tận tụy

Cuối tháng 1-2022, tuyển nữ VN từ điểm tập huấn Tây Ban Nha đáp chuyến bay sang Ấn Độ tham dự vòng chung kết Asian Cup, cũng là vòng loại World Cup chỉ với sáu cầu thủ, do hầu hết đều nhiễm COVID-19 phải ở lại. Còn năm ngày nữa đá trận ra quân gặp đối thủ lớn Hàn Quốc, ông Chung có vỏn vẹn ba học trò Tuyết Dung, Huỳnh Như, Thùy Trang lành lặn. Ông thầy kỳ cựu đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất là bỏ giải vì không còn người ra sân.

Ông Chung cùng các cộng sự mất ăn mất ngủ, ngày đêm nối điện thoại từ Ấn Độ sang Tây Ban Nha thăm hỏi tình hình và động viên các nữ tuyển thủ. May mắn sao đúng một ngày trước khi đá trận khai mạc vào ngày 21-1-2022, ông Chung thở phào khi có 16 cầu thủ âm tính với COVID-19, đủ điều kiện chơi bóng.

Các học trò của ông Chung đã lăn xả xuất thần ở vòng đấu play off thắng Thái Lan và Đài Loan để lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá VN giành suất chơi vòng chung kết World Cup. Từ Ấn Độ, ông Chung gào lạc giọng trong điện thoại về cho vợ: “Bà ơi, tôi đi World Cup rồi!”.

Không chỉ tận tụy cùng bóng đá nữ, HLV Mai Đức Chung còn như vị cứu tinh của bóng đá nam với tư tưởng không bao giờ bỏ cuộc và màn đóng thế không giống ai. Hồi tháng 9-2017, không lâu sau khi giúp tuyển nữ quốc gia vô địch SEA Games 29, ông Chung nhảy sang đội nam khi HLV Hữu Thắng từ chức sau thất bại ở SEA Games này.

Ông Chung kể lại gia đình, bạn bè, người thân ai cũng khuyên ông đừng nhảy vào lửa vì đội bóng vốn đã yếu, lại thiếu sự ủng hộ của giới hâm mộ, tinh thần thì xuống số âm. Đắn đo mãi người đảng viên dũng cảm nhận lời VFF giúp tuyển nam đá vòng loại Asian Cup 2019 với suy nghĩ đơn giản: “Ai cũng lảng tránh. Mình không làm thì ai làm?”.

Ông Chung sau đó giúp học trò hai lần đánh bại đội tuyển Campuchia, tạo nền tảng vững chắc khi giao lại đội cho HLV Park Hang-seo lập kỳ tích vào tứ kết Asian Cup sau đó.

HLV Mai Đức Chung tiến cử người thay thế

Trước khi sang Uzbekistan chơi vòng loại thứ hai Olympic Paris 2024, ông Chung tiết lộ mình sẽ nghỉ sau giải này, cũng bởi từ nay đến cuối năm cạn hợp đồng, tuyển nữ không còn đá giải quốc tế nào nữa.

Trước khi chính thức chia tay bóng đá, HLV Mai Đức Chung không quên tiến cử người kế nhiệm là một chuyên gia người Nhật. Ông Akira Ijiri đang dẫn dắt các đội tuyển nữ trẻ U-16, U-19 quốc gia chơi nhiều giải quốc tế trong bốn năm qua. Một số tuyển thủ cũng bật mí họ cần một thầy ngoại cầm quân, sau thời kỳ rực rỡ của HLV Mai Đức Chung mà gần như không thể có thầy nội khác thay thế một cách hoàn chỉnh. TT

HLV Park Hang-seo và học trò tri ân thầy Chung

Sau trận cuối vòng loại thứ hai Olympic 2024 ngày 1-11, các nữ tuyển thủ VN bất ngờ tặng thầy Mai Đức Chung chiếc áo thi đấu của đội trưởng Huỳnh Như với những dòng lưu bút dạt dào tình cảm như không muốn rời xa.

Cảm động trước tấm chân tình của học trò, ông Chung tâm sự: “Cảm ơn các thế hệ học trò của tôi, chúc cho các con của hiện tại và tương lai thành công hơn nữa để bóng đá VN ngày càng phát triển vượt bậc”.

Cựu HLV tuyển nam Park Hang-seo viết về đồng nghiệp: “Ông Mai Đức Chung, một huyền thoại của bóng đá VN. Kể từ ngày được biết ông, tôi luôn dành sự tôn trọng cao nhất khi được lắng nghe những thành tựu, hy sinh mà ông đã dành cho bóng đá VN. Hãy nghỉ hưu vui vẻ, hãy đi du lịch và tận hưởng cuộc sống thật nhiều nhé. Ông xứng đáng được như vậy. Hẹn gặp lại ông vào một ngày gần nhất”.

Đội trưởng Huỳnh Như bùi ngùi kể lại: “Nhớ ngày đầu được tập cùng bác thì năm đó bị bác trả về CLB. Bác còn dặn phải cố gắng nhiều hơn. Từ đó, con đã cố gắng rất nhiều để trở lại đội tuyển. Nhờ vậy mới có Huỳnh Như của ngày hôm nay.

Thời gian làm việc cùng bác, con học được rất nhiều, là sự yêu thương và khiêm nhường từ một người vĩ đại. Một người thầy luôn có một trái tim ấm áp. Con chúc bác thật nhiều sức khỏe và hạnh phúc cùng gia đình của mình. Với bóng đá nữ VN thì bác là mãi mãi”.

Thủ môn Kim Thanh không bao giờ quên người thầy lớn: “Với những gì bác đã mang lại cho con và những thành tích đáng được trân trọng, đặc biệt là đưa bóng đá nữ VN lần đầu tiên đến với World Cup là trên cả tuyệt vời. Xin cảm ơn người thầy vĩ đại, người cha đáng kính”.

Tiền vệ Bích Thùy xao xuyến: “Muốn viết rất nhiều cho bác nhưng mãi không biết bắt đầu từ đâu và thế nào. Con chỉ biết là muốn gửi cho bác thật nhiều lời cảm ơn! Ngày bắt đầu chập chững ở trên tuyển cũng là ngày bác dìu con vượt qua mọi thử thách và khó khăn. Bác dạy con sự khôn khéo và tự tin khi chơi bóng.

Để có một Bích Thùy như ngày hôm nay cũng nhờ sự chỉ bảo, uốn nắn thật nhiều của bác. Thật hạnh phúc và tự hào vì chúng ta đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp với nhau. Con chúc cho bác có thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc!”.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm