Hòa Bình cũng là tỉnh đầu tiên trong ba tỉnh xảy ra gian lận điểm thi mà người nhận hối lộ bị khởi tố.
Hơn một năm kể từ thời điểm phát hiện việc nâng điểm trong kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 (ở ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình), đến nay vụ việc vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.
Với việc bị can Đỗ Mạnh Tuấn ở Hòa Bình bị khởi tố tội nhận hối lộ, đây được xem là sự quyết tâm thực thi công lý của cơ quan chức năng trong vụ tiêu cực điểm thi chấn động nền giáo dục. Để khắc phục hậu quả rất cần đến quyết tâm của các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật (công an, VKS, tòa án…) trong việc điều tra, xét xử những người đã nhúng chàm.
Việc khởi tố bổ sung các tội danh đưa hối lộ, nhận hối lộ cạnh tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đối với một số bị can ở Hòa Bình cho thấy tính đúng đắn và sự công minh. Nó cũng phần nào trả lại công bằng cho xã hội, đặc biệt là cho các thí sinh chịu thiệt thòi từ hành vi gian lận điểm thi.
Tám trong số 15 bị can vụ gian lận điểm thi tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: TP
Thế còn ở hai tỉnh Sơn La và Hà Giang thì sao?
Báo cáo với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong phiên họp ngày 12-9, ông Lê Minh Trí (Viện trưởng VKSND Tối cao) đã nói khá mạnh mẽ về vụ gian lận thi cử ở Sơn La. Ông Trí nói: “Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung bảy bị can nữa”. Ông nói thêm: “Mới sáng nay, đồng chí Nguyễn Hòa Bình (Chánh án TAND Tối cao) cũng trăn trở nói với tôi tội đó phải là đưa, nhận hối lộ. Tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ không chính xác vì có yếu tố nhận tiền”.
ý kiến trên của Viện trưởng là tín hiệu thấy rằng pháp luật sẽ được thực thi đúng. Quá trình điều tra của Bộ Công an đã phát hiện có việc giao nhận tiền để thực hiện việc sửa điểm, nâng điểm tại Hòa Bình. Điều này khẳng định không thể có việc chỉ một bên đưa tiền mà không có người nhận. Ai lại đưa tiền cho “người vô hình”? Vì vậy buộc CQĐT phải làm đến nơi đến chốn, không chỉ xử kẻ đưa mà còn lôi ra ánh sáng kẻ nhận hối lộ.
Thực tế cho thấy việc điều tra tội đưa và nhận hối lộ không quá khó nếu quyết tâm điều tra đến tận cùng. Vì chỉ cần dựa vào việc truy xuất nguồn gốc thu nhập, tài sản của đối tượng có nghi ngờ cũng có thể phát hiện ra được đâu là thu nhập hợp pháp và đâu là thu nhập bất hợp pháp từ việc nhận hối lộ. Thậm chí hiện nay việc đưa và nhận hối lộ không chỉ thể hiện là tiền mà các hình thái đã biến tướng tinh vi như hối lộ tình dục và vật chất khác như xe, nhà cửa, đất đai và cả việc hứa hẹn một công việc, vị trí cao hơn trong sự nghiệp.
Trong vụ gian lận thi cử này ở ba tỉnh trên thì con em được nâng điểm đều là con em của các vị quan chức, thậm chí là quan chức đứng đầu tỉnh. CQĐT còn có thể xem xét đến trường hợp có hay không từ những người nắm giữ quyền lực địa phương hứa hẹn với các cá nhân trực tiếp sửa và nâng điểm. Tức là sau khi hoàn thành xong việc sửa điểm thì họ sẽ được ngồi vào vị trí cao hơn so với chức vụ hiện có. Nếu có điều này xảy ra thì đó cũng là một dạng việc đưa và nhận hối lộ.
Với quyết tâm đi đến tận cùng vụ việc này của cả hệ thống cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có ý nghĩa lớn đối với nền giáo dục và lấy lại niềm tin của xã hội, nó còn góp phần quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Dư luận có thể tin tưởng rằng từ điểm sáng Hòa Bình, hành vi nhận hối lộ sẽ sớm được CQĐT làm rõ ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang.