Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông và những 'chứng nhân' thời đạn bom khói lửa

(PLO)-  Những lá thư, bức ảnh, tranh ký họa … của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông được lưu giữ và ra mắt trong sách "Bí danh Huỳnh Phương Đông" là những "nhân chứng" thời kỳ đạn bom của dân tộc. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn, sinh năm 1925 tại Bình Hoà, Gia Định. Nguyên quán Kế An, Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.

Câu chuyện đằng sau một bí danh

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2015). Ảnh: Gia đình cung cấp.

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông (1925-2015). Ảnh: Gia đình cung cấp.

Có năng khiếu mỹ thuật từ bé, năm 1940, ông thi vào Trường Mỹ nghệ Thực hành Gia Định (École des Arts Appliqués de Gia-dinh) khi chỉ mới 16 tuổi.

Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Trong khoảng thời gian này, trường tạm ngưng hoạt động, giống như nhiều học sinh, ông gia nhập Hội Thanh niên Tiền phong, là đoàn viên tuyên truyền ở tỉnh Sóc Trăng.

Năm 1946, ông quay lại Sài Gòn, hoạt động bí mật với nhiệm vụ vẽ biểu ngữ, viết truyền đơn cổ động phong trào cách mạng của nhân dân tại nội thành.

Trải qua nhiều nhiệm vụ tại các đơn vị, năm 1954, Huỳnh Công Nhãn tập kết ra Bắc, công tác tại Phòng Tuyên huấn trực thuộc Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, tại Hà Nội.

Năm 1957, ông kết hôn với bà Lê Thị Thu. Dù không có điều kiện sống cùng nhau nhưng cả hai cũng đã có với nhau ba người con. Con gái đầu lòng Phương Mai sinh năm 1959. Người con thứ hai chào đời vào năm 1963, được đặt tên là Huỳnh Phương Đông, theo tên gọi tàu vũ trụ Phương Đông 3. Người con thứ ba là cô út Phương Lan.

Năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Đông Nam bộ, công tác tại Phòng Hội họa Giải phóng (B11), họa sĩ Huỳnh Công Nhãn quyết định lấy tên con trai làm bí danh.

Trong thư gửi về gia đình ở Phú Thọ, có đoạn ghi: “... báo tin cho em, anh đã lấy tên con H.P.Đông làm tên anh một thời gian hoạt động, em sẽ viết thư cho anh bằng tên mới. (ký tên) Nhãn/ Huỳnh Phương Đông”.

Ông Huỳnh Phương Đông- con trai của cố hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông (Huỳnh Công Nhãn) bên cạnh những bức ảnh của ba. Ảnh: FBNV.

Ông Huỳnh Phương Đông- con trai của cố hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông (Huỳnh Công Nhãn) bên cạnh những bức ảnh của ba. Ảnh: FBNV.

“Những người miền Nam ra Bắc sau đó trở lại hoạt động trong Sài Gòn đều phải đổi tên và có một bí danh khác với tên cũ vì nó có thể liên quan đến gia đình, bà con cũng như những những người đang sống tại đây. Ai cũng phải đổi chỉ, giữ lại họ hoặc đổi thành một tên mới hoàn toàn.

Trong hoàn cảnh đó, tôi cũng đã sinh ra nên tên của tôi là một ý tưởng tốt. Một cái tên mới hoàn toàn lại có ý nghĩa vì đó là tên của con ông"- con trai họa sĩ Huỳnh Phương Đông chia sẻ.

Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975) đến 2015, ông vẫn dùng bí danh Huỳnh Phương Đông làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật. Ông đã đi thực tế qua nhiều chiến trường, ghi lại hình ảnh sự kiện lịch sử, chân dung đồng chí - đồng nghiệp - chiến sĩ cách mạng trung dũng kiên cường bằng những bức vẽ sinh động.

"Khi ba lấy tên tôi làm bí danh tôi chỉ mới 6 tháng tuổi phải đến sau giải phóng tôi mới biết được điều này. Lúc đó nó mang một tính chất giống như một sự khám phá, rất mới mẻ bởi khi đó cha tôi đã trở thành một họa sĩ nổi tiếng với bút danh là cái tên mà tôi mang theo mình và cảm thấy tự hào về điều đó dù nó chỉ là một cái tên"- con trai hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông bày tỏ.

Những “nhân chứng” lịch sử được gìn giữ

Đối với hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông, bên cạnh những bức ký hoạ đề tài chiến tranh thì những lá thư tay hay những bức ảnh chưa từng được ông công bố cũng nhận được sự quan tâm của những người yêu mến ông.

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông và vợ ở chiến trường. Ảnh: Gia đình cung cấp

Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông và vợ ở chiến trường. Ảnh: Gia đình cung cấp

Theo bà Lê Thị Thu- vợ cố hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông, những lá thư tay được hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông viết từ lúc ông chưa rời miền Bắc cho đến khi đã vào Nam công tác.

Đó là những tình cảm sắp chia tay để vào miền Nam công tác hay nỗi nhớ nhung, tình yêu thương, niềm vui chiến thắng đều được hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông viết thư để gửi cho người bạn đời. Những là thư tay là những lời động viên nhau giữa tiền tuyến lớn và hậu phương lớn.

Nhớ về quãng thời gian này, bà Thu bộc bạch: “Nói về thư tôi có rất nhiều, tính ra cũng phải trên 100 bức thư. Như bạn biết, thư ngày đó không phải đi bằng con đường bình thường mà phải đi qua Trường Sơn và nhờ vào giao liên.

Với quãng đường dài từ Bắc vào Nam, để nhận thư phải mất từ 6 tháng cho đến một năm. Những tháng không có thư thì lo vì cả hai miền đều có chiến tranh nhưng khi nhận được thư thì cũng chỉ mừng ngày viết thư của người kia vì cũng có nhiều trường hợp thư được gửi đi thì sau đó người viết cũng đã hi sinh”.

Lá thư tay của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông gửi cho vợ và thông báo về việc mình dùng bí danh mới. Ảnh: Chụp từ sách Bí danh Huỳnh Phương Đông.
Lá thư tay của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông gửi cho vợ và thông báo về việc mình dùng bí danh mới. Ảnh: Chụp từ sách Bí danh Huỳnh Phương Đông.

Lá thư tay của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông gửi cho vợ và thông báo về việc mình dùng bí danh mới. Ảnh: Chụp từ sách Bí danh Huỳnh Phương Đông.

Tuy nhiên, theo bà Thu trong quãng thời gian ấy cũng có những lá thư bị lạc mất. “Tôi cũng không nhớ bao nhiêu. Những đoạn thư không tới được tay thì nghĩ là thư đã thất lạc”- bà Thu chia sẻ.

Những lá thứ, bức ảnh quý hiếm của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông được tiết lộ trong sách. Ảnh: Chụp từ sách Bí danh Huỳnh Phương Đông.

Những lá thứ, bức ảnh quý hiếm của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông được tiết lộ trong sách. Ảnh: Chụp từ sách Bí danh Huỳnh Phương Đông.

Đến ngày hôm nay, những lá thư đã đến được tay, hầu hết đều được bà Thu gìn giữ dù trong quá trình lưu giữ ấy đã trải qua không ít khó khăn do chiến tranh gây ra.

"Sau khi ông đi được 10 năm thì tôi tiếp tục vào Nam. Khi đó con trai Phương Đông đã được 10 tuổi con gái Phương Mai 13 tuổi… Lúc đó thư từ, hình ảnh đều giao cho hai chị em bảo quản. Trao những món đồ kỷ niệm cho con tôi cũng lo lắng, không biết hai con có giữ được không vì thời điểm đó ngoài Hà Nội cũng đang chiến tranh. May mắn, hai con giữ cho tới giải phóng rồi đem về giao lại cho tôi rồi tiếp tục giữ cho đến bây giờ"- bà Thu cho biết.

Bà Lê Thị Thu và con trai tại buổi Triển lãm bên chiến hào. Ảnh: FB Huỳnh Phương Đông.

Bà Lê Thị Thu và con trai tại buổi Triển lãm bên chiến hào. Ảnh: FB Huỳnh Phương Đông.

Và những lá thư tay, những tấm ảnh, tranh ký hoạ được lưu giữ của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông đã đến được với công chúng thông qua buổi triển lãm bên chiến hào và cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông do hai bạn trẻ Phạm Hồng Việt và Nguyễn Hùng Cường thực hiện vào ngày 10-4 vừa qua.

Một số tranh ký hoạ của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông. Ảnh: VĂN HÀ.

Một số tranh ký hoạ của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông. Ảnh: VĂN HÀ.

Có thể nói, những lá thư, những tấm ảnh, tranh ký hoạ… của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông là những "nhân chứng" một thời đạn bom khói lửa của dân tộc Việt Nam.

Sách "Bí danh Huỳnh Phương Đông" do NXB Mỹ Thuật liên kết cùng Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn. Ảnh: NVCC.

Sách "Bí danh Huỳnh Phương Đông" do NXB Mỹ Thuật liên kết cùng Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn. Ảnh: NVCC.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng mỗi khi nhìn lại, kể lại bằng những kỷ vật, thế hệ trẻ càng thêm hiểu sự kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam cũng như sự tự hào, tin yêu về một thế hệ cha ông đã ngã xuống vì hoà bình dân tộc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm