Hòa Vang từ huyện lên thị xã, Đà Nẵng quy hoạch thế nào?

Hòa Vang từ huyện lên thị xã, Đà Nẵng quy hoạch thế nào?

(PLO)- Quy mô dân số đến năm 2030 của huyện Hòa Vang khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người.

Theo dự thảo Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 thể hiện, huyện Hòa Vang bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính huyện với tổng diện tích tự nhiên khoảng 73.317 ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người.

Đến năm 2025, toàn huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng. Trung tâm hành chính thị xã Hòa Vang dự kiến đặt tại xã Hòa Phong.

Đến năm 2025, toàn huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

Đến năm 2025, toàn huyện Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, đủ điều kiện trở thành thị xã trực thuộc TP Đà Nẵng. Ảnh: TẤN VIỆT

2 tiểu vùng dân cư, 1 tiểu vùng sinh thái

Cụ thể, Đà Nẵng phân vùng không gian cho Hòa Vang gồm hai tiểu vùng dân cư nông thôn và một tiểu vùng sinh thái.

Tiểu vùng Đông Bắc gắn với tiểu vùng dân cư phía Bắc Hòa Vang, gồm bốn xã: Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn. Khu vực phát triển trọng tâm nằm tại phía Đông khu công nghệ cao (CNC) và dưới chân núi Bà Nà. Trung tâm tiểu vùng tại xã Hòa Liên gắn với tổ hợp đô thị - công nghiệp CNC.

Tiểu vùng Đông Nam gắn với tiểu vùng dân cư phía Nam Hòa Vang, gồm bảy xã: Hòa Nhơn, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Châu, Hòa Phước. Trung tâm tiểu vùng đồng thời là huyện lỵ huyện Hòa Vang đặt tại xã Hòa Phong.

Tiểu vùng sinh thái phía Tây gồm khu vực rừng, núi và đồi phía Tây thuộc các xã: Hoà Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Phú, Hoà Khương.

Đà Nẵng tổ chức lại không gian, cơ cấu chức năng các khu vực tại Hòa Vang đang trong quá trình đô thị hóa tiệm cận theo các tiêu chuẩn khu đô thị gắn với gìn giữ bản sắc kiến trúc truyền thống. Tạo lập các khu vực dự trữ phát triển cho các giai đoạn sau năm 2030, sau năm 2045.

Tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương nối Quốc lộ 1 lên trung tâm huyện Hòa Vang. Ảnh: TẤN VIỆT

Tuyến đường Hòa Phước - Hòa Khương nối Quốc lộ 1 lên trung tâm huyện Hòa Vang. Ảnh: TẤN VIỆT

Khu vực nông thôn tập trung tại huyện Hòa Vang. Trong đó có khu dân cư nông thôn, các làng nghề truyền thống được cải tạo, chỉnh trang. Các khu nhà vườn gắn kết với các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC kết hợp du lịch sinh thái, cộng đồng, bảo tồn thiên nhiên. Các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp hiện có.

Hòa Vang sẽ chú trọng bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, địa hình, không gian xanh tự nhiên, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của TP.

Bốn vùng chức năng tạo dư địa phát triển

Đà Nẵng tổ chức bốn phân vùng chức năng cho Hòa Vang trong tương lai. Vùng phát triển dân cư: Hình thành cụm dân cư tập trung với hệ thống hạ tầng cơ sở đồng bộ tại các tiểu vùng Đông Bắc, Đông Nam, đáp ứng nhu cầu ở của lực lượng lao động trong vùng.

Vùng công nghiệp CNC: Định hướng phát triển công nghiệp CNC, công nghệ thông tin tập trung, công nghiệp hỗ trợ thông qua việc khai thác lợi thế các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin, khu CNC có sẵn.

Đồng thời hình thành các khu công nghiệp mới, mở rộng Khu CNC Đà Nẵng, hình thành các trọng điểm, đầu mối giao thương về công nghiệp, logistics cho toàn vùng.

Huyện Hòa Vang được Đà Nẵng cho phép thí điểm 15 mô hình kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp. Ảnh: TẤN VIỆT

Huyện Hòa Vang được Đà Nẵng cho phép thí điểm 15 mô hình kinh doanh du lịch trên đất nông nghiệp. Ảnh: TẤN VIỆT

Vùng du lịch sinh thái: Phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và cộng đồng với trọng điểm là khu vực Tây Nam (xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Khương) và khu vực Tây Bắc (xã Hòa Bắc).

Vùng nông nghiệp ứng dụng CNC: Khai thác vùng sản xuất phía Nam thuộc các xã Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Nhơn phát triển mô hình nông nghiệp hữu có, sinh thái, ứng dụng CNC kết hợp với loại hình du lịch nông nghiệp.

UBND TP Đà Nẵng cho hay, định hướng phát triển mô hình khu, điểm dân cư nông thôn Hòa Vang theo tuyến liên kết các cụm, điểm dân cư.

“Trên cơ sở dân cư phân tán theo tuyến hiện trạng, dân cư mới hình thành tập trung tại hai khu vực trọng điểm ở xã Hòa Liên và xã Hòa Phong để đảm bảo hiệu quả về sử dụng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo dư địa phát triển trong tương lai. Các trung tâm xã bố trí tại các khu vực nút dân cư tập trung cao có liên kết giao thông thuận lợi, tạo thành các vệ tinh quanh khu vực trọng điểm vùng”, dự thảo quy hoạch nêu.

Đà Nẵng xác định xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) là khu vực khó khăn của TP. Phấn đấu hàng năm giảm 30-40% tổng số hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều từng giai đoạn.

Đến năm 2025, xã Hòa Bắc được xây dựng trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch. Đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới có bản sắc riêng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị xã hội.

Đến năm 2030, Hòa Bắc trở thành xã có cơ sở hạ tầng đồng bộ, đạt chuẩn đô thị loại V. Đây là điểm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng chất lượng cao của Hòa Vang.

Đọc thêm