Ngày 15 – 12, Văn phòng UBDN TP.HCM cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý về nguyên tắc việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đối với các dự án cầu thay thế phà Cát Lái, cầu thay thế phà Bình Khánh và đường song song với Quốc lộ 50.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp UBND TP.HCM và các cơ quan có liên quan hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 – 12.
Theo đó, cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 ở quận 2 và điểm cuối kết nối vào tỉnh lộ 25B, cách bến phà Cát Lái hiện tại khoảng 1km. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 4,5km, trong đó đoạn vượt sông khoảng 750m.
Trong tương lai, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng
Dự án xây cầu Cát Lái có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng. Hiện tại, mỗi ngày có hơn 45.000 phương tiện và hành khách qua lại trên phà Cát Lái.
Việc xây dựng cầu thay phà Bình Khánh sẽ hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực phía Nam TP.HCM để phát lợi thế của địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả.
Cầu Bình Khánh có điểm đầu tại ngã 4 Huỳnh Tấn Phát – đường kho C và điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 5,8km.
Đường song song với Quốc lộ 50 có điểm đầu tại đường Phạm Hùng với cầu kênh Cây Khô ở huyện Nhà Bè và điểm cuối kết nối với Quốc lộ 50 của huyện Cần Giuộc. Tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6km.
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết thêm, việc xây dựng đường song song với Quốc lộ 50 sẽ hình thành tuyến kết nối liên vùng nhằm tăng cường năng lực giao thông giữa các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 xác định, ngành vận tải sẽ đáp ứng nhu cầu với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý đảm bảo an toàn.
Đồng thời, giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường trên cơ sở tổ chức vận tải hợp lý và phát huy lợi thế của TP.HCM. Từng bước phát triển vận tải công cộng khối lượng lớn, vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics.
Sau năm 2020, giao thông vận tải TP.HCM sẽ thỏa mãn được nhu cầu vận tải và dịch vụ vận tải của xã hội với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, giá thành hợp lý và nhanh chóng. Kết nối thuận tiện giữa các phương thức vận tải, giữa TP.HCM với các đô thị vệ tinh, với cả nước và quốc tế.