Chiều 10-7, TAND TP Hải Phòng đã hoãn phiên sơ thẩm vụ án hành chính mà ông Ngô Văn Hiển, nguyên giảng viên Trường Đại học Dân lập (ĐHDL) Hải Phòng (nay là Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng) khởi kiện Bộ GD&ĐT.
Theo đơn khởi kiện, ông Hiển, nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Xây dựng và ông Nguyễn Tế Đồng, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp ĐHDL Hải Phòng khởi kiện Bộ GD&ĐT liên quan tới việc ban hành quyết định thành lập Hội đồng quản trị (HĐQT) lâm thời của trường này.
Cụ thể, ngày 27-10-2006, Bộ GD&ĐT ra Quyết định số 6093 về việc thành lập HĐQT lâm thời ĐHDL Hải Phòng. Theo Điều 23 của Quy chế trường ĐHDL ban hành kèm theo Quyết định 86/2000 của Thủ tướng Chính phủ, HĐQT lâm thời trong 1 năm phải tổ chức bầu HĐQT chính thức và không quá 1 năm phải trình Bộ GD&ĐT HĐQT chính thức.
Phiên tòa hành chính vụ giảng viên đại học kiện Bộ GD&ĐT phải tạm hoãn theo đề nghị của người khởi kiện
Tuy nhiên, HĐQT lâm thời Trường Đại học Dân lập Hải Phòng vẫn tồn tại suốt nhiều năm sau đó mà không bị chấm dứt.
Người khởi kiện cho rằng Chủ tịch HĐQT lâm thời và Hiệu trưởng nhà trường đã không tổ chức thanh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất về việc sử dụng kinh phí của trường. HĐQT lâm thời cho Hiệu trưởng thuê đất, tài sản của trường để thành lập trường phổ thông nhiều cấp, trường mầm non.
Theo ông Hiển, do HĐQT lâm thời không bị chấm dứt hoạt động nên trường xảy ra nhiều vấn đề về quản lý. Trong nhiều năm qua, nhiều thành viên Hội đồng sáng lập và thành viên HĐQT lâm thời của trường đã kiến nghị với Bộ GD&ĐT nhưng HĐQT lâm thời này vẫn không bị chấm dứt hoạt động.
Người khởi kiện yêu cầu TAND TP Hải Phòng tuyên buộc Bộ GD&ĐT ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực của Quyết định 6093 của Bộ GD&ĐT ngày 27-10-2006 về việc thành lập HĐQT lâm thời ĐHDL Hải Phòng. Đồng thời, tòa không công nhận HĐQT lâm thời, Chủ tịch HĐQT lâm thời và Hiệu trưởng Trường ĐHDL Hải Phòng vì đã kéo dài quá thời hạn theo quy chế đại học dân lập.
Tại tòa, chỉ có người khởi kiện là ông Hiển có mặt, người đại diện Bộ GD&ĐT không có mặt. Tòa công bố người đại diện Bộ GD&ĐT có đơn xin xử vắng mặt.
Người khởi kiện đề nghị được hoãn phiên toà vì các luật sư bảo vệ quyền lợi của mình không có mặt.
Sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên toà để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện.