Học Bác về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

(PLO)- Không chỉ răn dạy về đạo đức của người cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập tới tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Điều ấy được thể hiện ngay trong Thư gửi đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An), Bác nhấn mạnh: “Tư tưởng bảo thủ là như những sợi dây cột chân cột tay người ta, phải vất nó đi. Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Bức thư khích lệ ấy được Bác gửi trong thời điểm cả nước đẩy mạnh thực hiện kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1961-1965) - khi cả đất nước đặt trong tình thế vô cùng cam go, vừa đánh giặc vừa sản xuất. Rọi tư tưởng ấy vào đội ngũ cán bộ và những đòi hỏi cấp bách về phát triển ngày nay, chúng ta thấy nó vẫn còn nguyên giá trị.

Có một thực tế là ở nhiều địa phương, sau các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra thì tinh thần làm việc của cán bộ đã có biểu hiện của việc trì trệ, né tránh, đùn đẩy, không dám làm. Tình trạng này đã và đang diễn ra ở một bộ phận cán bộ vì sợ sai, sợ trách nhiệm, chưa dám đột phá, “xé rào”.

Ở đây, ai cũng hiểu đột phá, “xé rào” chính là hành động vì mục tiêu, lợi ích chung nhưng vấn đề đó trong thực tiễn đang vượt quy định hiện hành hoặc là những việc chưa từng có tiền lệ.

Trong một lần trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, chia sẻ: Thời kỳ áp dụng chính sách “kế hoạch tập trung bao cấp”, đối diện với cảnh kinh tế khủng hoảng trầm trọng, lạm phát cao, sản xuất bị đình trệ, lưu thông hàng hóa bị “ngăn sông cấm chợ”, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những hành động đột phá. Khi đó ông cùng Thành ủy TP.HCM “xé rào”, “bung ra”, kết hợp với các nhà máy, xí nghiệp tổ chức sản xuất theo kế hoạch B mà vẫn đảm bảo thực hiện kế hoạch A của trung ương. Nhờ đó, sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hoạt động trở lại, kinh tế TP khởi sắc.

Từ thực tiễn đó, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng chấp nhận cách làm của TP.HCM là đúng. Sau đó, Bộ Chính trị đã có tiền đề để xây dựng đường lối đổi mới, báo cáo Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua.

Xét cho cùng, chúng ta không thiếu những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung của đất nước, xã hội. Vấn đề quan trọng nhất chính là cái tâm thực sự trong sáng vì nước, vì dân nhưng ở chiều ngược lại cần có hành lang pháp lý để bảo vệ những người dám làm, bước ra đột phá.

Bởi trước quan tòa và các cơ quan tố tụng, họ không thể chỉ bảo vệ mình bằng cái tâm trong sáng, khi mọi sai lầm của họ đều phải trả giá bằng sinh mạng chính trị, thậm chí tù tội mà không có cơ hội sửa sai, xem xét toàn diện.

Trên diễn đàn Quốc hội gần đây, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đã kiến nghị cần tập trung rà soát và kịp thời ban hành văn bản pháp lý cần thiết đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và đầy đủ hơn trong hệ thống pháp luật để đảm bảo hai yêu cầu: Kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro để tạo động lực phát triển.

Thiết nghĩ để cán bộ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, cần sớm có hành lang pháp lý đủ vững chắc để bảo vệ họ và đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao cần được sớm nghiên cứu, hiện thực hóa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm