Học sinh cho vay nặng lãi, bán chất cấm trong trường không phải hiếm gặp

(PLO)- Học sinh cho vay nặng lãi, bán chất cấm trong trường học còn lôi kéo các bạn khác thực hiện hành vi; Việc xây dựng đội ngũ tư vấn tâm lý trong nhà trường hiện rất cần thiết. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy, Phòng cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM nhận xét tại buổi tập huấn về "Công tác phòng, chống bạo lực học đường trên cơ sở giới và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh": Xu hướng bạo lực trong học đường ngày càng tăng cao một phần do cách kiểm soát, quản lý không còn phù hợp và hiệu quả trong thời buổi hiện nay, đặc biệt khi mạng xã hội phát triển mạnh. Buổi tập huấn do Sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức, ngày 10-11,

Chưa kể, tình trạng học sinh cho vay nặng lãi, bán chất cấm ở trong trường không phải hiếm gặp. Không chỉ vậy, các em còn lôi kéo những học sinh khác tham gia và gây áp lực tiền bạc, kiểm soát các bạn khác phải lệ thuộc vào mình.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy nhận xét xu hướng bạo lực học đường ngày càng tăng cao.

Trung tá Nguyễn Đào Minh Huy nhận xét xu hướng bạo lực học đường ngày càng tăng cao.

Theo trung tá Minh Huy, việc tuyên truyền chỉ cho có, hình thức, không sâu sát thì chỉ mất thời gian mà không đạt hiệu quả vì bạo lực thường xảy ra ở những nhóm nhỏ.

Hiện việc tiếp cận chưa phù hợp, chưa xoáy vào tâm lý của các học sinh có thể dẫn đến việc các em không quay đầu mà còn tái phạm nghiêm trọng hơn. Do đó, việc xây dựng đội ngũ tư vấn tâm lý trong nhà trường để phối hợp cùng công an địa phương nhằm giúp các em sớm nhận ra sai lầm và sửa chữa là việc làm cấp thiết trong nhà trường hiện nay.

Chia sẻ về tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, TS tâm lý Đào Lê Hoài An cho biết đây là những hành động gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại đối với các học sinh về thân thể, tinh thần hay tình dục xuất phát từ những định kiến giới, phân biệt đối xử về giới hoặc những lý do không liên quan đến giới tính của các em.

Có 4 hình thức bạo lực trên cơ sở giới. Cụ thể, thường thấy là bạo lực thể chất như quấy rối, đánh, tát, ném đồ vào người.

Thứ hai là bạo lực tinh thần/tâm thần biểu hiện như cô lập, lan tin đồn tiêu cực, đặt biệt danh mang tính xúc phạm.

Thứ ba là bạo lực tình dục điển hình như hôn hoặc động chạm, ép buộc xem phim người lớn, đổi tình lấy điểm.

Cuối cùng là bạo lực kinh tế như trấn lột tiền tiêu vặt, bắt ép đi trấn lột người khác…

TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ nhiều học sinh thiếu kiến thức về giới tính.

TS tâm lý Đào Lê Hòa An chia sẻ nhiều học sinh thiếu kiến thức về giới tính.

Theo TS Hòa An, những hình thức bạo lực trên có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến việc học tập tinh thần và sức khỏe thể chất của các học sinh bị bạo lực và xâm hại như mất tự tin, sợ hãi, đạt điểm thấp, xung đột trong gia đình thậm chí là tự tử. Các học sinh chứng kiến bạo lực mặc dù không phải là nạn nhân trực tiếp cũng có thể bị ảnh hưởng tương tự và lo lắng chuyện đó xảy ra với mình trong tương lai.

TS Hòa An chia sẻ câu chuyện một học sinh lớp 11 do không được trang bị kiến thức về giới kỹ lưỡng mà suýt tự tử. Em học sinh này gọi điện thoại cho biết muốn tự tử sau khi mua que thử thai về thử và mặc định que thử thai hiện lên một vạch là có một con, hai vạch là hai con.

TS Hòa An gợi ý nhà trường một vài giải pháp cụ thể để thực hiện tốt việc truyền thông nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính và bạo lực học đường trên cơ sở giới cho học sinh như triển khai những buổi trò chuyện, xem phim, hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, chú trọng đến công tác giao tiếp sư phạm, đối thoại với học sinh về chủ đề giới cho giáo viên (chủ nhiệm), xây dựng phương thức liên lạc khẩn cấp, hòm thư góp ý…

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: “Bạo lực học đường nói chung và bạo lực trên cơ sở giới làm cho quá trình học tập và rèn luyện của các em học sinh có nhiều khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần không ổn định thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của các em”.

Bên cạnh đó, ông Trọng nhấn mạnh sự cấp thiết lập kế hoạch xây dựng tổ tư vấn tâm lý ở mỗi trường và nâng cao, phát huy vai trò của tổ tư vấn thông qua các hoạt động hỗ trợ tư vấn học sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm nâng cao kiến thức chủ động phát hiện có nguy cơ vấn đề trong học tập và rèn luyện để can thiệp giúp đỡ kịp thời.

Ông Trọng hy vọng, sau buổi tập huấn này, đại diện các trường sẽ sớm triển khai tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường, phối hợp với công an địa phương để tuyên truyền phòng chống bạo lực, xây dựng mối liên hệ kết nối với các trung tâm tư vấn tâm lý để hỗ trợ học sinh kịp thời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm