Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020

Sáng 24-12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2020 với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ; Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến (phải) và Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM

Trong năm 2019, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 18 dự án luật và nhiều nghị quyết; cho ý kiến đối với 10 dự án luật khác.

Cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 881 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giảm 108 văn bản so với năm 2018; các địa phương ban hành 3.556 văn bản cấp tỉnh (tăng 6,3%), 1.074 văn bản cấp huyện (giảm gần 34%) và 3.524 văn bản cấp xã (giảm 57%).

Như vậy số lượng VBQPPL được ban hành tiếp tục giảm mạnh so với những năm trước, nhất là ở cấp huyện và cấp xã, phù hợp với quy định của Luật Ban hành VPQPPL. Chất lượng VBQPPL do các cơ quan ở trung ương và địa phương ban hành được đảm bảo hơn.

Các công tác tư pháp khác như hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, con nuôi, lý lịch tư pháp; bổ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; hòa giải ở cơ sở… tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, đóng góp tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, mang lại nhiều lợi ích cho người dân hơn.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu TP.HCM. Ảnh: MINH TÂM

Một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp trong năm 2020 cũng được xác định. Thứ nhất, nâng cao hiệu quả tham mưu của Bộ Tư pháp để giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn liền tổ chức thi hành pháp luật.

Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp. Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, chú trọng xây dựng các phòng công chứng, trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành các đơn vị tự chủ làm đầu tàu về chuyên môn, nghiệp vụ…

Thi hành án xong hơn 52.000 tỉ

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành tư pháp là công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính. Theo đó, trong năm 2019, về việc, các cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý 972.376 việc (tăng 4,99% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là 737.061 việc, đã thi hành xong 579.256 việc (tăng 1,42% so với năm 2018), đạt tỉ lệ 78,59%.

Về tiền, tổng số thụ lý là hơn 273.748 tỉ đồng (tăng 39,81% so với năm 2018), trong đó số có điều kiện thi hành là hơn 148.791 tỉ đồng, đã thi hành xong hơn 52.715 tỉ đồng (tăng 52,77% so với năm 2018), đạt tỉ lệ 35,43%. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm