Hôm nay, HĐND TP.HCM xem xét dời thời gian thu phí cảng biển

Chiều 24-6, tại kỳ họp thứ nhất HĐND TP.HCM khóa X, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP, đã trình bày tờ trình của UBND TP về việc sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 10/2020 của HĐND TP về ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.

Cụ thể, UBND TP trình HĐND TP xem xét, chấp thuận chủ trương điều chỉnh thời gian thu phí từ 0 giờ ngày 1-7 thành 0 giờ ngày 1-10.

Sở GTVT đã trình UBND TP quy trình thu phí cảng biển, xây dựng quy chế phối hợp thu phí. Đồng thời tổ chức đấu thầu, lựa chọn các nhà cung cấp máy móc, trang thiết bị, phần cứng, phần mềm…

Ngày 19-5, Cảng vụ đường thủy nội địa TP.HCM đã làm việc với 26 DN để thực hiện việc khảo sát, lắp đặt hệ thống đường truyền cáp viễn thông đến các cảng phục vụ cho hệ thống thu phí, hiện công tác này đã được triển khai. Bên cạnh đó, ngày 10-6, UBND TP đã thành lập tổ kỹ thuật hỗ trợ công tác thu phí cảng biển.  

Lùi thời gian thu phí đến ngày 1-10

Lý giải về việc này, UBND TP cho rằng hiện nay tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm ngừng, đời sống người lao động và người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. TP.HCM cũng đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch…

UBND TP nhấn mạnh từ ngày 1-10 là thời điểm mà TP có thể đã kiểm soát được dịch COVID-19. Lúc này, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được triển khai rộng rãi trong cộng đồng và các doanh nghiệp (DN) đã có thời gian phục hồi kinh tế. Việc điều chỉnh thời gian thu phí sẽ tạo được sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các DN trên địa bàn TP.

Theo tính toán của TP.HCM, nếu thực hiện thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-7 thì số thu dự kiến trong ba tháng (từ ngày 1-7 đến 30-9) là 723 tỉ đồng. Trường hợp TP.HCM chưa thu phí trong ba tháng này thì khoản thu dự kiến này xem như một khoản hỗ trợ các DN sản xuất, kinh doanh; DN xuất nhập khẩu để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu “kép” vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Dòng xe container xếp hàng trên đường Đồng Văn Cống hướng vào cảng
Cát Lái. Ảnh: HOÀNG GIANG

Doanh nghiệp đồng tình

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Bình Tây, cho biết trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở GTVT TP và UBND TP đã có kiến nghị lùi thời gian thu phí cảng biển là rất chính xác. Việc này phần nào chia sẻ khó khăn với DN. Hơn nữa, tại thời điểm này, hạ tầng giao thông chưa đầu tư quá lớn nên TP.HCM cần xem xét lùi thời gian thu phí cảng biển cho đến khi kiểm soát được dịch COVID-19.

Theo bà Giàu, đối với các DN xuất nhập khẩu, năm 2021 là một năm vô cùng khó khăn. Dịch COVID-19 bùng phát khiến việc đi lại khó khăn, tình trạng thiếu container cũng đẩy giá cước tăng cao... Theo đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển cần được xây dựng kế hoạch cụ thể. Bà Giàu cũng đề xuất nên dời thời gian thu phí ít nhất là hai năm.

Đồng tình với đề xuất dời thời gian thu phí cảng biển, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết hiện nay cước tàu vận chuyển đang tăng rất cao, các DN gần như chịu không nổi.

Theo ông Quản, các chi phí đều tăng cao, nếu phải gánh thêm chi phí cảng biển sẽ là gánh nặng cho DN. Do đó, TP cần điều tiết giá cước tàu để sau khi thu phí không làm ảnh hưởng đến giá thành sản xuất. Nếu tiếp tục tính giá cước tàu để tính mức thu phí như hiện nay thì DN TP không cạnh tranh được với các DN trong khu vực.

Đánh giá về đề án thu phí cảng biển, ông Quản cho rằng việc thu phí để đầu tư hạ tầng cảng biển là rất tốt, tránh kẹt xe, tránh gây tăng chi phí vận tải, tạo điều kiện cho DN phát triển. Có đường rộng mở thì tàu bè cũng cập cảng và DN cũng sẽ tập trung về các khu cảng biển này.

Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), việc thu phí cảng biển ở Hải Phòng đã được thực hiện từ lâu và Hải Phòng cũng đã đầu tư rất nhiều cho hạ tầng kết nối với cảng biển, sau đó mới tiến hành thu phí và DN đồng thuận.

Đối với TP.HCM, ông Hiệp cho rằng thu phí vào thời điểm dịch COVID-19 bùng phát là không phù hợp bởi DN hiện đã rất khốn khó. Đồng thời, số tiền hiện nay dự kiến thu sẽ rất ít (3.000 tỉ đồng/năm), cũng không “thấm” so với hạ tầng cần đầu tư.

Ông Hiệp cho biết VLA cũng đã có kiến nghị hoãn thu phí và thời gian hoãn kéo dài hơn nữa, chứ không phải ba tháng như kiến nghị của UBND TP, bởi DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19 không thể phục hồi nhanh trong thời điểm khó khăn này.

Ông Hiệp đề xuất nên lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến tháng 7-2022. “Chúng tôi đánh giá cao lãnh đạo TP khi đã hoãn thu phí theo đề nghị của DN. Tuy nhiên, khi tiến hành thu phí thì TP và các sở, ngành cần nghiên cứu quy trình thực hiện vì chưa có tiền lệ thực hiện, tránh xảy ra tình trạng ách tắc, chậm trễ thời gian giao hàng, gây khó khăn cho DN…” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Dự kiến thu hơn 3.000 tỉ đồng/năm

Theo kế hoạch trước đó, TP.HCM dự định sẽ triển khai thu phí hạ tầng cảng biển từ 0 giờ ngày 1-7. Mức phí thấp nhất là 15.000 đồng/tấn và cao nhất là 4,4 triệu đồng với container 40 feet. Với lượng hàng hóa năm 2019 là hơn 170 triệu tấn, dự kiến TP thu hơn 3.000 tỉ đồng/năm.

Toàn bộ số tiền thu được sẽ nộp vào ngân sách, số tiền trích lại cho đơn vị tổ chức thu phí tối đa không quá 1,5%. Việc thu phí nhằm tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế TP.

Đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập - tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển TP (bao gồm tổ chức, cá nhân mở tờ khai hải quan tại TP và ngoài TP).

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm