Hơn 4 năm chưa được cấp đổi sổ hồng vì lá đơn của chồng cũ

(PLO)- Chồng cũ chỉ gửi đơn ngăn chặn mà không khởi kiện, hiện không biết ở đâu nhưng lại khiến khổ chủ 4 năm qua không thể cấp đổi được sổ hồng cho căn nhà của mình.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bà Dương Xuân Cẩm phản ánh, năm 2019, bà nộp hồ sơ đề nghị cấp đổi sổ hồng đối với căn nhà của bà tại đường Minh Phụng, phường 2, quận 11, TP.HCM. Tuy nhiên đến nay, việc cấp sổ vẫn chưa được thực hiện vì chồng cũ làm đơn ngăn chặn.

Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 11 đã yêu cầu bà bổ túc hồ sơ với lý do cần làm rõ nội dung đơn xin ngăn chặn việc cấp sổ hồng của ông S (chồng cũ của bà Cẩm).

Ủy ban yêu cầu làm rõ đơn ngăn chặn của chồng cũ

đổi sổ hồng
Căn nhà và đất mà bà Cẩm đang xin cấp giấy chứng nhận. Ảnh: YC

Theo bà Cẩm, bà và ông S có đăng ký kết hôn vào năm 1989 và đã ly hôn năm 2012. Tài sản là căn nhà và quyền sử dụng đất nêu trên là tài sản riêng được mẹ bà tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Việc ông S làm đơn xin ngăn chặn sau khi 2 người đã ly hôn là hoàn toàn không có cơ sở, gây khó khăn và ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của bà Cẩm.

Cũng theo bà Cẩm, ông S không khởi kiện ra tòa mà chỉ làm đơn ngăn chặn nhưng cơ quan cấp đổi giấy chứng nhận lại thay mặt tòa án xác định đất có tranh chấp để không cấp sổ cho bà là không đúng quy định. Cho đến nay đã hơn 4 năm nhưng hồ sơ của bà vẫn chưa được giải quyết dù bà đã nhiều lần liên hệ và gửi đơn khiếu nại, kiến nghị.

Chưa đủ căn cứ cấp sổ hồng?

Ngày 30-7-2024, UBND quận 11 có văn bản trả lời cho bà Cẩm, sau khi PV liên hệ tìm hiểu sự việc.

Cụ thể, UBND quận 11 cho biết ngày 28-9-2018, UBND phường 2 có nhận được yêu cầu ngăn chặn của ông S.

Theo UBND quận 11 nhà, đất trên có nguồn gốc do bà Cẩm được tặng cho. Tuy nhiên trong quá trình quản lý, sử dụng thực tế có phát sinh thêm diện tích đất và và diện tích sàn sử dụng ngoài giấy phép công nhận quyền sở hữu nhà.

Do chưa xác định được phần diện tích phát sinh ngoài giấy phép công nhận quyền sở hữu nhà là tài sản riêng hay tài sản chung nên UBND quận 11 cho rằng chưa đủ cơ sở pháp lý cấp giấy chứng nhận cho bà Cẩm sở hữu riêng đối với toàn bộ khuôn viên nhà, đất theo thành phần hồ sơ hiện nay.

Quyết định này được căn cứ vào Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình; khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai; căn cứ điểm c khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT- BTNMT. Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau: “Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan”.

UBND quận 11 đề nghị bà Cẩm trong trường hợp đăng ký cấp giấy chứng nhận đối với toàn bộ khuôn viên nhà, đất là tài sản riêng thì liên hệ ông S lập văn bản thỏa thuận để xác định toàn bộ nhà, đất hiện nay là tài sản riêng của bà.

Trường hợp không cung cấp được chứng từ để xác định toàn bộ khuôn viên nhà, đất nêu trên là tài sản riêng thì lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho bà Cẩm và ông S là đồng sở hữu, sử dụng.

Tuy nhiên, bà Cẩm không đồng tình với những yêu cầu mà UBND quận 11 đưa ra. Theo bà Cẩm, hiện nay ông S đã ra nước ngoài và không biết đang cư trú ở đâu. Trong khi đó, đây là tài sản riêng của bà, nếu ông S cho rằng đây là tài sản chung thì phải khởi kiện bà tại tòa án và yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn. Việc ủy ban yêu cầu bà liên hệ ông S lập văn bản thỏa thuận để xác định toàn bộ nhà, đất hiện nay là tài sản riêng của bà là vô lý và đẩy cái khó cho người dân...

Bà Cẩm nên làm gì?

UBND chỉ được tạm dừng việc cấp giấy khi có tranh chấp thể hiện bằng việc tòa án đã thụ lý vụ án và ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo khoản 7 Điều 114 BLTTDS 2015 hoặc đã có bản án có hiệu lực pháp luật.

Việc làm đơn ngăn chặn của người dân (ông S) không là căn cứ để tạm dừng việc cấp giấy chứng nhận. Nếu ông S muốn ngăn chặn việc cấp giấy thì phải khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung sau ly hôn và đề nghị tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Nhà và đất bà Cẩm được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân nên đây là tài sản riêng của bà Cẩm. Tuy nhiên, tài sản này có sự thay đổi nên nếu bà Cẩm cho rằng đây là tài sản riêng của bà thì phải chứng minh về công sức đóng góp của riêng bà đối với phần “phát triển thêm” theo khoản 3 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Ủy ban không thể thay mặt tòa án để xác định tài sản chung hay riêng để cấp giấy được.

Để bảo vệ quyền lợi cho mình, bà Cẩm có thể khiếu nại về việc UBND quận 11 không cấp giấy cho bà. Nếu không đồng tình với kết quả giải quyết khiếu nại, bước tiếp theo bà Cẩm có thể khởi kiện UBND quận 11 về hành vi không cấp giấy chứng nhận. Lúc này, ông S sẽ được tòa án triệu tập tham gia với tư cách người liên quan. Về việc bà Cẩm không rõ hiện nay ông S đang ở đâu thì bà có thể cung cấp địa chỉ gần nhất mà bà biết hoặc địa chỉ theo bản án ly hôn của 2 người để tòa án tiến hành xác minh.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó trưởng khoa Luật Dân sự,

Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm