Hơn 9.850 tỉ đồng làm khép kín vành đai 2 TP.HCM

(PLO)- Theo Sở GTVT TP, đường vành đai 2 là tuyến đường quan trọng của TP để kết nối các khu công nghiệp, đô thị và các tuyến đường trục xuyên tâm, giảm tải cho nội đô...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa giao Sở KH&ĐT TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xem xét đề nghị của Sở GTVT TP về báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức.

Dự án dùng ngân sách TP

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP, cho biết Sở GTVT TP vừa có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường vành đai 2 TP đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức gửi UBND TP.

Theo báo cáo của Sở GTVT TP, điểm đầu tuyến sẽ tiếp giáp với cầu Phú Hữu, điểm cuối tiếp giáp dự án xây dựng đường vành đai 2 TP (đoạn từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng). Chiều dài tuyến hơn 3,57 km (bao gồm nút giao Bình Thái). Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 sẽ giải phóng mặt bằng một lần theo lộ giới quy hoạch và toàn bộ nút giao Bình Thái.

Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ đầu tư xây dựng phần đường song hành hai bên với quy mô 34 m, sáu làn xe (mỗi đường rộng 17 m với ba làn xe); xây dựng hoàn chỉnh vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hệ thống thoát nước mưa, thoát nước sinh hoạt dọc tuyến và trong nút giao Bình Thái; xây dựng hai nhánh cầu Đường Xuồng trên hai đường song hành.

Đoạn 3 tuyến đường vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức đang tạm dừng thi công do vướng mắc liên quan đến phụ lục hợp đồng BT. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Đoạn 3 tuyến đường vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức đang tạm dừng thi công do vướng mắc liên quan đến phụ lục hợp đồng BT. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Tại nút giao Bình Thái sẽ được thiết kế theo hình nút giao hoa thị hoàn chỉnh đường vành đai 2 vượt trên đường Võ Nguyên Giáp. Các nhánh hoa thị kết nối với tuyến chính đường Võ Nguyên Giáp, đường song hành đi dưới các nhánh hoa thị bằng các hầm chui. Đồng thời xây dựng cầu vượt trên đường Võ Nguyên Giáp, các cầu vượt bảo vệ đường ống nước hiện hữu dọc hai bên đường tại các vị trí giao cắt với các nhánh rẽ. Bên cạnh đó, dự án cũng nâng cấp, cải tạo mặt đường phạm vi đường Đặng Văn Bi, Đỗ Xuân Hợp và các đường nhánh kết nối vào tuyến chính…

Theo báo cáo, giai đoạn hoàn chỉnh sẽ xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công đến đường Võ Nguyên Giáp (bao gồm nút giao Bình Thái). Mặt cắt ngang theo lộ giới quy hoạch 67 m với 14 làn xe (8 làn xe/tuyến chính, 6 làn xe ở hai đường song hành) và xây dựng cầu Đường Xuồng tại nút giao Bình Thái với dạng thức nút giao hoa thị hoàn chỉnh.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) của dự án hơn 9.850 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật gần 7.200 tỉ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được tính toán, xác định phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư.

Lý do cần đầu tư đoạn đường vành đai 2

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP, đường vành đai 2 được xây dựng và hình thành sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho TP.HCM. Đồng thời kết nối với đường vành đai 3, kết nối về kinh tế vùng, giúp chia sẻ và giải quyết nhu cầu giao thông, đặc biệt là nhu cầu vận tải hàng hóa giữa các tỉnh trong vùng và các cụm cảng lớn trong khu vực như Hiệp Phước, Tân Cảng, Cát Lái, Long An, Thị Vải - Cái Mép...

Ngoài ra, dự án cũng sẽ kết nối và phát huy hiệu quả hơn nữa các tuyến đường hướng tâm, hình thành các quỹ đất lớn để khai thác phát triển, giảm chi phí logistics, giúp giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của hành khách cũng như hàng hóa trong và xung quanh TP.HCM. Khi đó sẽ thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống cho người dân trong vùng...

“Việc đầu tư xây dựng khép kín tuyến đường vành đai 2 sẽ giải quyết vận chuyển hàng hóa các cảng phía đông, đông bắc, phía nam TP (các cảng Cát Lái, Phú Hữu...) với khu vực, giảm áp lực giao thông trên các đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ..., giảm ùn tắc cửa ngõ phía đông TP, thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương...” - Sở GTVT TP nhận định.

Vì vậy, Sở GTVT TP cho rằng việc đầu tư xây dựng đường vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp theo quy hoạch là rất cần thiết và cần sớm triển khai thực hiện ngay trong giai đoạn 2021-2025. Dự kiến theo báo cáo, đoạn đường vành đai 2 này được đề xuất triển khai trong thời gian từ năm 2023 đến 2027.•

Đường vành đai 2 có tổng chiều dài 64,l km

Theo Quyết định 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, đường vành đai 2 có tổng chiều dài 64,l km,

Thời gian qua, TP đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác các đoạn đường vành đai 2 có chiều dài 50,2 km. Cụ thể đoạn tuyến Quốc lộ 1A (từ Gò Dưa đến An Sương dài 13,5 km), đoạn tuyến Quốc lộ 1A (từ An Sương đến An Lạc dài 13,5 km), đoạn tuyến theo đường Nguyễn Văn Linh trên đường vành đai 2 dài 12,4 km và đoạn tuyến từ nút giao khu A đến cầu Phú Hữu trên đường Võ Chí Công dài 11 km.

Hiện TP triển khai xây dựng đoạn tuyến từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức (đoạn 3) với chiều dài 2,75 km và vẫn còn ba đoạn tuyến với chiều dài 11 km chưa được đầu tư xây dựng để khép kín tuyến đường vành đai 2 theo quy hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm