Họp báo quốc tế vụ giàn khoan trái phép HD-981: “Mọi sự chịu đựng đều có giới hạn!“

Bấm F5 để liên tục cập nhật 

Tại buổi họp báo, dưới sự điều hành của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu, và Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN Đỗ Văn Hậu đã trả lời các câu hỏi của phóng viên trong và ngoài nước.

VietNamNet:

Trong những ngày qua, Việt Nam đã có những tiếp cận ngoại giao các cấp để giải quyết vấn đề. Tại sao đến nay hai nước chưa sử dụng điện đàm đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai nước? Việt Nam đã tiếp xúc với các nước để trao đổi vấn đề này chưa? Những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam những ngày qua cho thấy Việt Nam muốn giải quyết vấn đề theo con đường ngoại giao, kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán để xử lý bất đồng. Nếu trong trường hợp các yêu cầu chính đáng của Việt Nam tiếp tục bị Trung Quốc phớt lờ, Việt Nam tính tới các kịch bản phản ứng thế nào? Liệu trong tình huống xấu nhất, Việt Nam có tính tới kịch bản cắt đứt quan hệ ngoại giao hay sử dụng các hành động tương tự để đáp trả thái độ bất hợp tác của Trung Quốc?  

+ Ông Trần Duy Hải: Chúng ta đã sử dụng các đường dây nóng , đó là đường dây nóng giữa  ở Bộ Ngoại giao 2 nước cũng như ở cấp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và ủy viên Quốc vụ. Chúng ta cũng đã nêu với phía Trung Quốc là sẵn sàng điện đàm ở lãnh đạo cấp cao và chúng ta đang chờ đợi ở phía Trung Quốc.

Thứ hai là thông báo cho các nước, do tính chất nghiêm trọng của vấn đề và thấy rằng là nó sẽ đe dọa hòa bình ổn định và an ninh toàn hàng hải ở Biển Đông. Cho nên là chúng tôi đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước liên quan khác quan tâm và có lợi ích ở khu vực này.

Hầu hết các nước đều bày tỏ lo ngại trước cái hành vi của Trung Quốc.

Tôi cũng xin khẳng định là cái vấn đề chủ quyền rất thiêng liêng đối với đất nước chúng ta, cho nên chúng ta sẽ sử dụng tất cả những biện pháp cần thiết để mà bảo vệ các quyền và lợi ích của  chúng ta. Chính sách nhất quán của Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình để mà giải quyết các tranh chấp liên quan thì chúng ta kiên trì thực hiện theo gọi các biện pháp hòa bình, giải quyết các tranh chấp.

. AP: Các ông có thể khẳng định hiện tại vẫn chưa có người chết trong các hoạt động vừa rồi? Các clip chiếu cho thấy tàu Trung Quốc chủ động đâm vào tàu Việt Nam. Liệu tàu Việt Nam có đâm vào tàu Trung Quốc để bảo vệ tàu thuyền của mình hay các hoạt động này chỉ có tàu Trung Quốc tiến hành? 

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Mặc dù tình hình thực địa những ngày qua căng thẳng, TQ chủ động tiến hành đâm va, sử dụng trang bị trên tàu để phun nước vào tàu VN nhưng đến giờ phút này tôi khẳng định chưa có người nào bị chết trên biển. Có 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị mảnh kính văng vào gây thương tích phần mềm.

Các clip chiếu cho thấy các tàu hải cảng, tàu bảo vệ của TQ chủ động đâm va vào các tàu VN, gây hư hỏng, ảnh hưởng đến trang thiết bị tàu của VN. Lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư hết sức kiên trì kiềm chế. Chúng tôi tiếp tục bám trụ và giải quyết mọi việc trên biển. Nhưng mọi sự chịu đựng có giới hạn. Nếu tiếp tục đâm vào chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ có tự vệ tương tự để đáp lại.

. NHK: Hiện nay phía Trung Quốc đã thực sự khoan thăm dò dưới đáy biển của Việt Nam hay chưa? Nếu như Trung Quốc không chịu rút giàn khoan ra khỏi Việt Nam thì Việt Nam sẽ có hành động gì tiếp theo?


+ Ông Ngô Ngọc Thu: Cho đến thời điểm này, giàn khoan 981 đã được định vị ở các vị trí đã xác định trên bản đồ. Hiện nay sau định vị, giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp làm chuẩn bị để tiến tới khoan thăm dò.


+ Ông Trần Duy Hải: Việt Nam chủ trương thông qua các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Đông. Hiện nay và sắp tới chúng ta sẽ tiếp tục duy trì, trao đổi với Trung Quốc để xử lý những vấn đề Biển Đông. Một lần nữa khẳng định vì các quyền và lợi ích chính đáng của chúng ta ở Biển Đông, chúng ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình mà được quy định bởi luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ để mà bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam.

. Tuổi Trẻ: Đây có phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa toàn bộ giàn khoan vào hoạt động tại thềm lục địa Việt Nam? Phía Việt Nam sẽ có những biện pháp gì để ngăn chặn Trung Quốc lặp lại các hoạt động trong tương lai? Các hoạt động của Trung Quốc có hệ quả gì khi tuyên bố ứng xử ở các bên về Biển Đông và việc đàm phán tiến tới bộ quy tắc ứng xử COC?

+ Ông Trần Duy Hải: Trước đây Trung Quốc cũng đã nhiều lần tiến hành thăm dò ở khu vực này và chúng ta cũng đã kiên quyết đấu tranh và Trung Quốc cũng đã rút khỏi. TQ cũng từng thuê giàn khoan của các nhà thầu nước ngoài để dự tính khoan thăm dò trên thềm lục địa của VN, nhưng chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, kể cả với nhà thầu, cho nên TQ chưa khoan được.

Còn lần này là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng tàu của chính Trung Quốc để khoan thăm dò trên các thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 

Như tôi đã khẳng định nhiều lần là chúng ta sẽ phải tiếp tục đấu tranh bằng mọi biện pháp để mà bảo vệ các quyền và lợi ích của chúng ta ở Biển Đông với chủ trương nhất quán của chúng ta.

Chúng ta sẽ sử dụng biện pháp hòa bình, trong đó trước hết ưu tiên là đàm phán thương lượng với các nước liên quan.

+ Ông Lê Hải Bình: Rõ ràng những cái phức tạp vừa qua ở biển Đông đã đặt ra những thách thức đối với vai trò của tuyên bố của các bên về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC trong việc xử lý các tranh chấp ở biển Đông. Do vậy Việt Nam kêu gọi tất cả các bên cần triệt để tuân thủ các quy định trong tuyên bố DOC vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Đối với COC, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước ASEAN về việc cần sớm có một quy tắc về ứng xử ở biển Đông COC, có tính ràng buộc pháp lý và điều chỉnh toàn diện các khía cạnh liên quan đến tranh chấp ở biển Đông vì mục đích hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, trên cơ sở quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển theo quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Việt Nam hoan nghênh là sẽ tích cực tham gia vào nỗ lực chung của các nước để thúc đẩy, sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử của biển Đông COC.

Vnexpress: Khi mà Trung Quốc đưa giàn khoan này vào ta có bất ngờ không? Ta đang kiên trì đàm phán hòa bình, nhưng nếu TQ không rút giàn khoan thì hải quân, kiểm ngư sẽ hành động thế nào?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Trước hết tôi xin khẳng định là đến nay, lực lượng hải quân VN chưa tham gia, chưa có mặt tại khu vực có giàn khoan 981. 

Còn việc di chuyển của giàn khoan 981 thì chúng tôi đã theo dõi và nắm bắt rất là chặt. Nhưng theo UNCLOS 1982 thì các tàu thuyền, phương tiện nổi được quyền di chuyển bình thường trên các vùng đặc quyền kinh tế. Chỉ khi nào những cái giàn khoan hạ đặt, tiến hành khoan thăm dò thì lúc đó mới vi phạm pháp luật của nước có chủ quyền và quyền chủ quyền.

Việc TQ hạ đặt giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN của chúng ta, kiên quyết đấu tranh qua tinh thần, chúng ta sử dụng mọi biện pháp trên cơ sở đảm bảo hòa bình ổn định ở khu vực, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông, đảm bảo cho mục tiêu của chúng ta và các nước mong muốn.

Lao Động: Động thái Trung Quốc cho đến nay đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gọi đây là hành động "khiêu khích" và "gây hấn". Vậy tơi Hội nghị cấp cao ASEAN tới đây, chúng ta có thúc đẩy, đưa vụ việc nghiêm trọng này ra thảo luận?

+ Ông Trần Duy Hải: Tôi xin thông báo VN là đất nước yêu chuộng hòa bình, chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên chúng ta mong muốn hòa bình và chúng ta kiên trì dùng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp. 

Tất nhiên tôi đã nói nhiều, vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng với các dân tộc, cũng như VN. Nên VN sẽ sử dụng tất cả các biện pháp được quy định bởi Hiến chương LHQ để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình. 

Chúng tôi đã nói vấn đề này rất nhạy cảm, rất nguy hiểm, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải tại biển Đông. Tại các Diễn đàn ASEAN luôn trao đổi về vấn đề biển Đông. Nên chắc chắn vấn đề này sẽ được trao đổi tại các hội nghị của Diễn đàn sắp tới.

 AFP: Trung Quốc cho rằng, sáng nay các lực lượng vũ trang VN có khống chế một số ngư dân TQ trong khu vực đó. Xin cho biết chi tiết có hay không?

+ Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi xin khẳng định hiện nay các lực lượng thực thi pháp luật của VN không hề bắt giữ, khống chế các đối tượng của TQ trên biển.

. Hãng thông tấn Đức: Việt Nam có thể theo gương Philippines tiến hành các thủ tục kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế không?

+ Ông Trần Duy Hải: Việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại các cơ quan tài phán quốc tế là một biện pháp hòa bình được quy định trong Hiến chương LHQ cũng như luật pháp quốc tế. Tất cả biện pháp hòa bình đều có thể được sử dụng để bảo vệ quyền và lợi ích của VN. Quan điểm nhất quán của Việt Nam thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó ưu tiên đàm phán thương lượng giải quyết các vấn đề tranh chấp với các nước láng giềng. Tuy nhiên chúng ta không thể loại trừ một biện pháp nào cả.

Một thế giới: Cơ quan ngoại giao VN ở các nước có dự kiến tổ chức các cuộc họp báo như thế này để công luận quốc tế hiểu rõ bản chất, sự việc sai phạm của TQ ở biển Đông không?

+ Ông Trần Duy Hải: VN sẽ thực hiện tất cả các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, để đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đất nước. Vì vậy, trong thời gian sắp tới, tùy diễn biến thực tế của tình hình, chúng tôi sẽ có biện pháp tiếp theo.

.Pháp Luật TP.HCM:Đề nghị thông tin thêm về khu vực biển, thềm lục địa mà TQ đặt giàn khoan. Tiềm năng dầu khí ở đây như thế nào? Nếu có giá trị thương mại thì khả năng khai thác được như thế nào?

+ Ông Đỗ Văn Hậu: Khu vực này cách phía Nam đảo Tri Tôn (quần đảo Hoàng Sa) 17 hải lý – tức khoảng 30km, cách phía Đông đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 120 hải lý. 

Vùng biển này nước sâu khoảng 1.000m, trong đó chỗ TQ đặt giàn khoan khoảng 1.100m. Chính vì vậy, TQ phải dùng giàn khoan đặc biệt, dạng nửa nổi nửa chìm. Giàn này có hai cách định vị, dùng neo xuống đáy biển hoặc các chân vịt để tự cố định.

Về tiềm năng dầu khí, chính quyền VN Cộng hòa trước đây đã hợp tác với một hãng dầu khí của Mỹ nghiên cứu, và đến năm 1972 đã khảo sát địa chấn. Chúng ta đã tiếp quản tài liệu này và về sau Tập đoàn dầu khí VN tiếp tục thực hiện một số cuộc khảo sát ở khu vực này.

Nhiều nghiên cứu của chúng tôi về vùng biển này đã được công bố. Tổng quan mà nói thì tiềm năng dầu khi khu vực này chưa được đánh giá kỹ, bởi ta chưa đủ tài liệu và cũng chưa khoan. Vì sao? Đây là vùng nước sâu, ta chưa đủ khả năng thiết bị để khoan thăm dò. Phần lớn hoạt động thăm dò, khai thác của ta hiện tập trung ở những vùng biển nước nông. Nhưng chúng tôi có kế hoạch, chiến lược tiếp tục triển khai hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở các vùng biển xa hơn, kể cả khu vực thuộc lô 142, 143 mà TQ đang xâm phạm trái phép.

Bạn hỏi nếu mỏ ở đây có giá trị thương mại thì có khai thác được không? Chúng tôi tin rằng, thăm dò là một chuyện còn khai thác mang lại giá trị kinh tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi vì để khai thác được dầu khí ở một khu vực, sẽ phải xây dựng rất nhiều công trình cố định, triển khai rất nhiều công việc khác như phải thăm dò thêm, xác định trữ lượng... 

Những việc ấy, ở vùng biển nước sâu thì đòi hỏi một chương trình dầu khí rất lớn, đầu tư rất tốn kém, và đặc biệt khó khăn. Cho nên, chúng tôi không tin rằng trong tương lai gần có thể khai thác dầu khí ở khu vực này.

Giàn khoan HD-981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều 7-5, Phó tư lệnh –Tham mưu trưởng Cảnh sát biển VN, ông Ngô Ngọc Thu đã cập nhật thông tin về tình hình đấu tranh trên biển, xua đuổi giàn khoan HD-981 và các tàu TQ đang xâm phạm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Theo đó, đã xác định được lực lượng TQ tham gia bảo vệ giàn khoan trái phép trong ngày 2 và 3-5 khoảng 40 tàu các loại.

Đến 12h ngày 7-5, số tàu TQ được huy động lên tới 80 chiếc các loại, trong đó có 7 tàu quân sự gồm: tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính; cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực.

Trong quá trình hoạt động, một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự đã xâm nhập vào vùng biển cách đảo Lý Sơn từ 50 – 60 hải lý, xâm phạm thô bạo chủ quyền quốc gia của ta.

Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu, dùng vòi rồng có công suất lớn phun nước vào các tàu của Việt Nam nhằm làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị trên tàu, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu.

Diễn biến những ngày qua tại khu vực xung quanh giàn khoan

Lúc 08 giờ 10 phút này 03/5, tại tọa độ 15031’N– 111002’E tàu Hải Cảnh 44044  chủ động đâm thẳng vào mạn phải tàu CSB4033, hậu quả làm cho tàu 4033 bị rách mạn phải chiều dài 3 mét, rộng 01 mét, làm hư hỏng máy phải và các trang thiết bị khác.

Việc tấn công mang tính bạo lực này được tàu TQ thực hiện cách vị trí giàn khoan 10 hải lý, nằm hoàn toàn ngoài vùng 1,5 hải lý (sau đó là 3 hải lý) mà họ thông báo cấm các phương tiện khác hoạt động.


 Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Ảnh V.THỊNH

Lúc 08 giờ 30 phút ngày 04/5: Tàu Hải Cảnh 44103 chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB2012; do tàu 2012 đã tăng tốc vòng tránh, nên vết đâm chỉ bị ở chính góc đuôi tàu mạn phải diện tích khoảng 1m2, làm hư hỏng một số trang thiết bị khác trên tàu.

Ngoài các tàu Cảnh sát biển thì các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm va, phun nước vào hàng chục tàu Kiểm ngư và các tàu thực thi pháp luật khác của Việt nam. Hậu quả làm hư hỏng các trang thiết bị trên tàu và làm bị thương cho một số thủy thủ Việt Nam.

Mới nhất, lúc 12h00 trưa nay, tàu hải cảnh 3411 tiếp tục có hành động đâm vào tàu CSB8003 của ta. TQ sử dụng đồng thời máy bay số hiệu 8321 bay trên không phận tàu CSB8003, nhằm uy hiếp tàu VN.

Đáng chú ý, những tàu TQ có trang bị vũ khí thì bạt che phủ súng đều được tháo bỏ, thể hiện sự sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào. Hành động này gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa.

Về phía các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của ta, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Ngô Ngọc Thu cho biết ngay từ đầu đã trinh sát, theo dõi sát sao sự di chuyển của giàn khoan HD-981, cũng như đội tàu hộ tống. Khi các phương tiện này có dấu hiệu vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của VN, các lực lượng của ta đã kịp thời có mặt, thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm của họ.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Huy Hải thông tin về quá trình đấu tranh ngoại giao của VN với hành động xâm phạm của TQ.

Theo đó, từ 5h22’ ngày 1-5, cơ quan chức năng VN đã phát hiện giàn khoan HD-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí của TQ di chuyển từ phía Tây Bắc đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của VN, xuống phía Nam. Khi phát hiện các phương tiện này có dấu hiệu xâm phạm vùng biển của ta, ngoài việc cảnh báo, kêu gọi trên thực địa, phía VN đã nhiều lần trao đổi qua đường ngoại giao với TQ.

Đến nay, Bộ Ngoại giao VN đã có 08 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía TQ tại Hà Nội và Bắc Kinh. Trong số này có hai cuộc điện đàm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, và của Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán cấp Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của VN Hồ Xuân Sơn với Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới, lãnh thổ của Trung Quốc, Lưu Chấn Dân. 

Tất cả các cuộc giao tiếp này, phia VN đều phản đối hoạt động bất hợp pháp của giàn khoan HD 981. Đại diện Bộ Ngoại giao ta cũng đã triệu Đại biện Đại sứ quán TQ tại Hà Nội để trao công hàm phản đối. 

Ông Trần Duy Hải, phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia trình bày hiện trạng khu vực giàn khoan TRung Quốc hạ đặt trái phép. Ảnh V.THỊNH 

Ngoài kênh ngoại giao, ta cũng tiến hành tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng VN với tùy viên quân sự Đại sứ quán TQ tại Hà Nội. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN cũng đã gửi thư cho Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) – đơn vị quản lý và vận hành giàn khoan HD981.

Qua các giao thiệp ngoại giao, các kênh tiếp xúc nói trên, phía VN đề nghị TQ giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại biển Đông thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Tuy nhiên, cho đến nay phía TQ vẫn tiếp tục hành vi vi phạm, cho rằng “hoạt động của giàn khoan HD-981 là hoạt động dầu khí bình thường của Trung Quốc ở khu vực phía Nam đảo Trung Kiến, thuộc quần đảo Tây Sa (tức đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa của VN), không liên quan gì đến thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN. 
TQ cũng cho rằng đây là “khu vực thuộc vùng biển của quần đảo Tây Sa” và hoạt động lần này là hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng biển do TQ quản lý, “không có tranh chấp”.  Phía VN đã hoàn toàn bác bỏ và kiên quyết không chấp nhận quan điểm sai trái này của phía TQ.

Đại diện Cảnh sát biển VN đã trình chiếu các đoạn phim về hoạt động bảo vệ chủ quyền của các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của ta. Các đoạn phim cũng ghi lại hình ảnh có giá trị chứng cứ, tố giác các tàu hải cảnh TQ, trang bị vũ khí, chủ động đâm va tàu ta. Đoạn phim cũng cho thấy những thiệt hại mà phía tàu chức năng VN gánh chịu, và cảnh một số cán bộ kiểm ngư bị thương tích do va chạm vào các mảnh kính vỡ trên tàu.


Quang cảnh buổi họp báo, góc trái màn hình là hình ảnh tàu Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm va, gây hư hại. Ảnh V.THỊNH

Trong một diễn biến khác, hôm nay, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel tới Hà Nội trong chuyến thăm hai ngày. Ông sẽ có cuộc tiếp xúc với các quan chức cao cấp Việt Nam, dẫn đầu đoàn đại biểu Hoa Kỳ tham dự Đối thoại Mỹ - Việt về vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Trước khi tới Hà Nội, trả lời báo giới trong chuyến thăm Hồng Kông, ông Daniel Russel cho biết Mỹ đang điều tra động thái di chuyển giàn khoan dầu HD-981 của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên thận trọng. 
"Chúng tôi cho rằng việc mỗi nước có tuyên bố chủ quyền thể hiện sự thận trọng và kiềm chế là điều hết sức quan trọng", hãng tin Reuters dẫn lời ông Russel.

 Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam. Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp

HD-981 là giàn khoan nước sâu quy mô lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất và thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC). Đây là giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, rộng 89 m và cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 12.000 m.

Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới cho biết đã thông tin về hành động đe dọa an ninh hàng hải biển Đông của Trung Quốc đến khối Asean và các nước có liên quan quyền lợi trong khu vực. Hầu hết các nước đều rất lo ngại. Phía Việt Nam sẽ kiên trì các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Hiện Việt Nam đã sử dụng đường dây nóng giữa Bộ ngoại giao hai nước, cấp Phó thủ tướng và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc và đề nghị sử dụng điện đàm cấp cao. Ông khẳng định: “Chủ quyền lãnh thổ rất thiêng liêng, chúng ta sẽ sử dụng các biện pháp được quy định của Hiến chương Liên hợp quốc”.

Trong cuộc điện đàm với Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Trung Quốc vẫn khẳng định khu vực giàn khoan 981 đang hoạt động thuộc quyền tài phán của Trung Quốc. Phó thủ tướng đã bác bỏ quan điểm này và cho biết sẽ kiên quyết phản đối hành động vi phạm vùng biển này của Trung Quốc.

Theo thông tin từ ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, khu vực giàn khoan  981 Trung Quốc đang thăm dò hiện chưa có phát hiện thương mại nào có thể khai thác dầu khí. PVN đã nhiều lần thăm dò nhưng chưa thực hiện khoan.

Việt Nam kiềm chế trong khi Trung Quốc “căng thẳng”

Tàu Việt Nam nhiều lần phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và các tàu của Trung Quốc rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Trước thái độ xâm phạm trắng trợn của Trung Quốc, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì kiềm chế và tiếp tục đấu tranh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.


 Tàu kiểm ngư 756 của Việt Nam bị đâm rách thành tàu. Ảnh: Cảnh sát biển VN cung cấp

Ông Ngô Ngọc Thu đưa ra nhận định, đánh giá việc giàn khoan HD 981 và các hành động của tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng pháp luật  Việt Nam và luật pháp quốc tế, vi phạm thoả thuận giải quyết các vấn đề trên biển Đông giữa các nước ASEAN và Trung Quốc (DOC).

Việc làm sai trái trên của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến mối quan hệ và thoả thuận cấp cao giữa Việt Nam - Trung Quốc gây mất lòng tin của hai nước và quốc tế.

Trước vấn đề này, chính phủ Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Trung Quốc, đánh giá đó là một động thái khiêu khích và hoàn toàn không có lợi cho việc giải quyết những tranh chấp trong khu vực biển Đông một cách hòa bình”.

Nhóm PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới