Và bạn cũng được biết Hà Nội, Sài Gòn và nhiều nơi khác nữa đang sốt lên vì món ăn dân dã nhưng ngon miệng và bổ, khỏe này.
Đác đã được các thông tin về sức khỏe giới thiệu là món ăn-dược liệu giúp giữ dáng, ngăn ngừa loãng xương, điều hòa huyết áp, tốt cho tim mạch, hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp năng lượng… Những thông tin trên Internet làm cho cái ngon và bổ của đác có sức lan tỏa nhanh hơn nữa.
Cây đác có tên khoa học là Arenga pinnata, còn được biết đến với những cái tên khác như cây báng, co pảng, quang lang, bụng báng, búng báng, báng búng, tà vạt, rượu trời…, là giống cây lâu năm thuộc họ cau, có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới châu Á, từ Đông Ấn Độ tới Malaysia, Indonesia, Philippines… Ở Việt Nam, cây đác mọc nhiều ở chân núi ẩm, chân núi đá vôi, trong rừng thứ sinh.
Đác thuộc họ cau nên ra trái thành buồng. Người "ăn" đác hái từng buồng xuống, đốt cháy vỏ rồi tách gom hạt mang về. Ảnh: TL
Thuộc họ cau nên đác ra trái thành buồng, mỗi buồng nhiều nhánh dài, mỗi nhánh nhiều trái. Mỗi trái bằng cỡ nắm tay nho nhỏ, trong mỗi trái thường có ba hột. Người đi rừng thu hoạch đác bằng cách chặt cả buồng. Trên ngọn đác thường có rắn, rết nên người “ăn” đác có kinh nghiệm đã biết tạo những cây rựa quéo dài để giật buồng xuống. Ngày trước, thu buồng xong, người ta thường gom lại gần bờ suối, chất củi đốt cháy vỏ, rồi đem hột xuống suối “giặt” sạch chất nhớt, xong đem về. Nhưng gần đây, người “ăn” đác chở những nồi thật to vô rừng, hái được đác xong, bỏ vô nồi luộc cho mềm vỏ rồi tách, gom hạt vô bao chở về nhà ngâm, rửa sạch.
Quả tình, đác rất đặc biệt. Đác có màu trắng đục như sữa. Đác cũng có mùi chứ không như một số người lầm tưởng nó không mùi, một mùi thanh thanh thấp thoáng. Đác lại ẩn hiện vị ngọt mỏng mảnh như có như không. Cũng giống như bạn nhai một miếng cơm trắng, càng nhai kỹ càng cảm nhận vị ngọt. Đác cũng thế!
Ngày còn nhỏ xíu, mỗi lần Má đi chợ về, cùng với mấy chị thường ngồi sà xuống bên cái giỏ, nhìn Má lấy từng thứ ra, mong chờ nhất là những thức ăn chơi. Mùa hè thể nào cũng có bịch hột đác. Nhưng mà chưa được ăn ngay đâu! Má tỉ mỉ đem rửa lại nhiều lần vì sợ nhớt, ngứa ngáy. Rồi đổ nước ngâm. Và sau khi nấu cơm trưa xong, Má sẽ thắng một nồi mạch nha, đậy cái rổ quẩu nửa kín nửa hở cho nước đường nguội. Đứa nào ngủ trưa thì xế mới được ăn đác. Nói là ngủ nhưng thiệt ra nhắm có nửa con mắt, mơ màng đến cái giây phút nhón cái hột đác trắng trong, quệt vô chén đường mạch nha óng ả, đưa vào miệng cảm thấu cái ngòn ngọt, man mát, thơm thơm, mềm mại như mấy chút tơ vương. Tuổi thơ thần tiên giản dị và dịu dàng thế thôi đó!
Mấy khi cao hứng, Má còn cho thưởng thức chè bông cỏ - một thức chè hương rừng gió núi của những người gốc gác nhà quê ra phố. Thấp thoáng mấy hột đác trắng ngần bên những con cờ sương sáo đen nhưng nhức, những hột é nửa trắng nửa đen như một sự dung hòa màu sắc của đất trời, những hột bột hồng hồng như hạt lựu (vì thế chè này còn có cái tên khác là chè sương sa hạt lựu), những cọng bột xanh thơm mùi lá dứa… Tất cả chìm nổi trong làn nước cốt dừa nồng thơm, béo ngậy lấp lánh mấy viên nước đá, ăn tới đâu biết tới đó.
Đác rim thơm gừng, giờ đã thành thức ăn không thể thiếu của chị em ba miền. Ảnh: TL
Ngày nay, người ta chế biến đác thành những món ăn phong phú hơn nữa. Đác có mặt trong chè trái cây, đác rim để quyện với sữa chua ăn không bao giờ biết ngán. Người ta rim đác bỏ tí sirô thành đủ màu rất bắt mắt, thành những viên trân châu lấp lánh trong món trà sữa hiện đại… Mỗi nhà nên có hũ đác rim trong tủ lạnh, dành ăn quanh năm. Có thể rim đác với gừng, gừng vị cay, nóng cân bằng âm dương với đác có tính hàn; người thích ăn chua thì rim đác với trái thơm (dứa). Ngọt ngọt, cay cay, chua chua quyện với sữa chua thơm tho, mềm mại thì chỉ có mê man…
Cũng giống như bao thời trân khác mà thiên nhiên ban tặng cho con người, đác cũng là đặc sản theo mùa. Mùa hè nóng bức thì trời đất ban cho đác ăn cho mát người. Nhưng đôi khi rừng núi cũng hào phóng rót cho thêm mùa đác giữa lúc đông sắp sang xuân. Lại rục rịch rim đác chuẩn bị ăn Tết.
Có nhiều người hám lợi, gom đác về ngâm và tẩy với hóa chất cho thật trắng và trương to rồi đem bán.
Lùa tay vào thau đác, bạn hãy còn cảm thấy chút nhơn nhớt thật tự nhiên, màu trắng không đồng đều, to/nhỏ, mềm/cứng tùy vào từng hạt… đó mới thiệt là đác an toàn.
Đừng bao giờ bỏ qua cơ hội thưởng thức đặc sản hương rừng gió núi trên cả tuyệt vời này bạn nhé!