Hủy án vì tòa sơ thẩm 'quên' quyền lợi bị hại

TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm, tuyên y án sơ thẩm 2 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Trần Trọng Hiếu (40 tuổi, ngụ Đồng Tháp) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Sau phiên tòa sơ thẩm, Hiếu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

 Bị cáo Trương Hoàng Bá Tước tại tòa. Ảnh: CÙ HIỀN.

Cùng trong vụ án nay, bị cáo Trương Hoàng Bá Tước (38 tuổi, ngụ Phú Yên) bị tòa sơ thẩm tuyên 4 năm sáu tháng tù về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức.

Gia đình bị hại anh Đặng Vệ Minh (43 tuổi, ngụ quận 5, TP.HCM) kháng cáo đề nghị HĐXX tăng án đối với bị cáo, xem xét bồi thường dân sự cho bị hại và hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm.

Tuy nhiên, sau đó gia đình bị hại đã chấp nhận tách riêng phần dân sự trong một vụ án khác.  

Bị cáo Tước có đơn xin xét xử vắng mặt.

HĐXX cấp phúc thẩm nhận định tòa sơ thẩm đã xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với Hiếu. Bị cáo không cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ nào mới tại phiên tòa phúc thẩm. Do đó, tòa phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm.

Đối với phần kháng cáo của gia đình bị hại, HĐXX nhận định, tòa sơ thẩm không triệu tập mẹ ruột nạn nhân với tư cách là người đại diện cho bị hại.

Hơn nữa, bị hại có một con nhưng tòa sơ thẩm đã không xem xét. Thiếu sót này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bị hại. Tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Do đó, cần sửa một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Tước, tuyên hủy một phần nội dung xét xử đối với bị cáo, đưa về cấp sơ thẩm xét xử lại .

Theo bản án sơ thẩm, khoảng 9 giờ ngày 15-4, Tước điều khiển xe ô tô đầu kéo lưu thông trên đường Nguyễn Thị Định, hướng từ cầu Mỹ Thủy về cảng Cát Lái. Đến vòng xoay Mỹ Thủy, Tước đã va chạm vào xe mô tô của anh Minh khiến người này tử vong tại chỗ do đa chấn thương-hít máu vào đường thở.

Theo bản án sơ thẩm, nguyên nhân vụ tai nạn giao thông là do Tước điều khiển xe khi không có giấy phép lái xe, thiếu quan sát. Tước là người có lỗi hoàn toàn.

Tại Cơ quan CSĐT, Tước xuất trình một giấy phép lái xe hạng FC, một CMND mang tên Lê Trung Sinh. Qua kiểm tra xác định Tước không có GPLX mà nhờ một người không rõ lai lịch làm giả một GPLX hạng FC và một giấy CMND tên Sinh (ngụ tỉnh Phú Yên). Trên GPLX và trên CMND là ảnh Tước.

Tước đã sử dụng giấy tờ này xin làm lái xe ô tô đầu kéo tại Công ty Cổ phần Phát Huy Thành.

Công ty nhận thấy hồ sơ xin việc đủ điều kiện nên tuyển Sinh (thực chất là Tước) vào làm việc và giao ô tô cho Tước điều khiển dẫn đến tai nạn giao thông.

Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM cho thấy GPLX mang tên Sinh là giả.

Sau khi gây tai nạn, Tước bỏ xe, một mình rời khỏi hiện trường và gọi điện thoại cho một người bạn để hỏi xem có ai giúp giải quyết vụ tai nạn hay không.

Người này bảo Tước liên hệ với Nguyễn Trần Trọng Hiếu, nhờ Hiếu làm giúp GPLX giả với giá 5 triệu đồng bao Công an kiểm tra. Hiếu đồng ý.

Khoảng 7 giờ ngày 16-4, Tước đưa tiền cho Hiếu. 7 giờ 30 phút sáng cùng ngày, Tước hỏi Hiếu trình diện ở đâu, Hiếu hướng dẫn đến Công an quận 2. Tại đây, Tước biết mình sẽ bị khởi tố và bắt tạm giam nên điện thoại hỏi Hiếu có thể giúp Tước được tại ngoại không?

Hiếu nói được và yêu cầu Tước phải đưa 10 triệu đồng. Tước đồng ý nhưng chưa đưa Hiếu số tiền này.

Trong thời gian CQĐT củng cố hồ sơ, Tước nhắn tin cho vợ, bảo vợ liên hệ với Hiếu xin cho Tước tại ngoại.

Chiều ngày 17-4, vợ Tước liên hệ, Hiếu yêu cầu phải đưa 50 triệu đồng. Vợ Tước nói chỉ có 30 triệu, Hiếu đồng ý.

Sáng ngày 18-4, Hiếu gọi điện hẹn vợ Tước ra quán café ở quận 9 để đưa tiền. Khi Hiếu vừa nhận tiền thì bị Công an quận 2 phối hợp Công an phường Tăng Nhơn Phú B bắt quả tang.

Tại cơ quan CSĐT Công an quận 2 và tại tòa phúc thẩm, Hiếu khai nhận không có quyền hạn và khả năng để giải quyết cho Tước tại ngoại, nhưng vì muốn có tiền nên Hiếu đã nói dối Tước để chiếm đoạt số tiền trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm