Đó là thông tin được ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao, đưa ra tại Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC 2015” diễn ra vào ngày 13-12 ở Hà Nội.
Theo ông Cường, AEC cơ bản là một thị trường duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề, có sức cạnh tranh cao, phát triển đồng đều.
Ông Nguyễn Hồng Cường, Vụ trưởng ASEAN, Bộ Ngoại giao.
Đối với doanh nghiệp, ông Cường cho biết vào AEC, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tham gia vào môi trường kinh doanh rộng lớn hơn và thuận lợi hơn, có thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng lớn hơn, có điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua quy mô, năng suất và giảm chi phí sản xuất; thuận lợi hơn khi đầu tư ra các nước ASEAN khác.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng sẽ phải cạnh tranh quyết liệt, thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam; một số doanh nghiệp với năng lực cạnh tranh thấp sẽ khó có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị cao và lợi nhuận tốt.
Đối với người dân, AEC hình thành thì người dân sẽ được hưởng thụ những lợi ích thiết thực như được sống trong môi trường hòa bình, an ninh, an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau; có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn; có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN.
Hiện ASEAN đã ký Hiệp định về di chuyển lao động và tám thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong tám ngành nghề: Kế toán, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, vận chuyển và du lịch. Công dân các nước ASEAN sẽ được đi lại thuận tiện hơn trong nội khối (miễn thị thực 15-30 ngày);… Tuy nhiên, người dân cũng gặp một vài thách thức, nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề, ngay cả tại Việt Nam.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEIM), cho rằng ASEAN là sân chơi thú vị bởi nó là một phần trong mạng chuỗi giá trị toàn cầu. Tại sân chơi này, DN sẽ có nhiều lợi thế bởi có rất nhiều chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Các chương trình này không chỉ dạy cách làm tiền mà còn hướng dẫn các DN làm tiền một cách xanh hơn, bền vững hơn, trách nhiệm hơn.
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
“Cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, đây là một chân trời vô tận cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất phù hợp với con người Việt Nam. Đây là một cơ hội “trời cho” để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nếu không tận dụng được cơ hội này thì 5-7 năm nữa, Việt Nam sẽ không thể thoát được bẫy thu nhập trung bình. Chúng ta phải chuyển sang cách chơi, thế cờ khác với đối phương thì mới có thể thắng được trên sân chơi hội nhập” - ông Thành đưa ra nhận định.
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức ra đời vào ngày 31-12-2015. Với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến sẽ đạt 4.700 tỉ USD vào năm 2020 và có tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030. Bốn mục tiêu cũng là bốn yếu tố cấu thành AEC: Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: Tự do lưu chuyển hàng hóa; Tự do lưu chuyển dịch vụ; Tự do lưu chuyển đầu tư; Tự do lưu chuyển vốn và Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử. Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO). |