Kết quả bất ngờ vụ 'cướp xuyên không': Bắt giam bị cáo ngay tại tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-3, sau nhiều ngày nghị án, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên án vụ cướp tài sản đối với bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn (34 tuổi, ngụ thị trấn Rạch Gòi, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang).

Bác kháng cáo kêu oan

HĐXX đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo, tuyên y án sơ thẩm, phạt Nhơn bốn năm tù về tội cướp tài sản.

Trước đó, đại diện VKS đề nghị tòa tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại do có nhiều mâu thuẫn. Đặc biệt, cơ quan điều tra (CQĐT) cấp sơ thẩm không điều tra đầy đủ các nội dung mà cấp phúc thẩm lần hai đã yêu cầu, đây là không tuân lệnh của cấp trên. 

Bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn bị bắt giam tại tòa. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đủ chứng cứ chứng minh Nhơn đi cướp tài sản cùng Rồi. Khiếu nại của bị cáo về việc trong quá trình điều tra, điều tra viên đã bức cung, nhục hình là không có cơ sở. Bởi vì trong mỗi lời khai, bị cáo đều ký tên xác nhận lời khai là tự nguyện, không bị bức cung, nhục hình.

Trước khi bắt Nhơn thì bị hại đã trình lời khai xác định đặc điểm nhận dạng của bị cáo. Thời gian đó, CQĐT không thể biết được đặc điểm nhận dạng của Nhơn mà hướng dẫn bị hại.

Việc lập biên bản hiện trường có vi phạm nhưng những vi phạm này đã được tòa cấp phúc thẩm hủy án và quá trình điều tra bổ sung, CQĐT đã tiến hành khắc phục, đồng thời vi phạm này cũng không làm thay đổi bản chất vụ án.

Về nội dung vụ án, theo lời khai của Nguyễn Văn Đặng (người cho bị cáo mượn xe), có căn cứ xác định Đặng đã gặp Nhơn trong ba ngày. Đối chiếu với ngày cân mía của Đặng (ngày 19-4), tính lùi lại thì thấy ngày Đặng gặp Nhơn lần đầu tiên ở Vị Thanh (Hậu Giang) là ngày 17-4. Ngoài ra, Nhơn có nhắn tin cho Đặng nói bị công an dí và đang trốn dưới ghe. Tòa nhận định lời khai của Đặng là khách quan, có căn cứ, được chứng minh bằng lời khai của hai người khác.

Về đặc điểm nhận dạng của Nhơn, lời khai ban đầu của bị hại cho rằng đối tượng cướp mặc áo xanh, sau đó khai Nhơn đội nón bảo hiểm trắng.

Lời khai của Trần Văn Rồi (người khai đi cướp cùng Nhơn) tại tòa về quần áo của Nhơn có mâu thuẫn với lời khai tại CQĐT. Tuy nhiên, tòa cho rằng Rồi và bị hại đã nhận diện được đặc điểm Nhơn có vết sẹo ở chân mày và hình xăm ở tay, mái tóc để dài và phù hợp với lời khai của các nhân chứng về đặc điểm nhận dạng của bị cáo tại thời điểm gần, trong thời gian xảy ra vụ án.

Đối với chiếc xe máy là phương tiện đi cướp, mặc dù lời khai của Rồi và Đặng có một số mâu thuẫn về màu sắc nhưng lại trùng khớp một số đặc điểm là không có chìa khóa, yên không khóa, từ đó xác minh phương tiện dùng gây án là chiếc xe Nhơn mượn của Đặng…

Tôi sẽ kêu oan đến cùng

Bản án phúc thẩm lần ba đã xử ép tôi, ngày nào còn sống, tôi sẽ tiếp tục kêu oan đến cùng. Tôi mong báo chí tiếp tục theo dõi vụ việc vì thật sự tôi bị oan. Nếu tôi có làm thì tôi sẽ nhận tội và chịu sự trừng trị của pháp luật.

Bị cáo Huỳnh Hữu Nhơn

Tôi sẽ tiếp tục giúp bị cáo Nhơn

Theo quy định thì bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, với tư cách luật sư bào chữa cho Nhơn, tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ bị cáo kêu oan đến cùng lên cấp cao hơn. Bởi vì vụ án có vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng.

luật sư Lâm Văn Khuyển
(người bào chữa miễn phí cho Nhơn)

 Tôi sẵn sàng tiếp tục đứng ra làm chứng

Trước giờ các nhân chứng dưới này rất tin tưởng vào cấp phúc thẩm nhưng lần này chúng tôi lại vô cùng thất vọng. Chúng tôi là những công dân bình thường, đứng ra làm chứng, tai nghe, mắt thấy nhưng lại bị quy kết là gian dối. Như vậy, sau này ai dám đứng ra làm chứng nữa.

Đường xa, đi lại khó khăn, con nhỏ nhưng chưa bao giờ chúng tôi ngại ngần khi tòa mời. Như hôm rồi, đi dự tòa xong, về đến nhà, tài sản ở nhà cũng bị mất cắp đủ thứ. Mặc dù cũng hoang mang, lo lắng nhưng nếu vụ án có được điều tra lại, chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục đứng ra làm chứng.

Nhân chứng Nguyễn Hoàng Nam

Kiến nghị khởi tố tội khai báo gian dối

Nhận định bác bỏ lời khai và chứng cứ của các nhân chứng gỡ tội, HĐXX có lập luận khá giống với bản án sơ thẩm lần hai đã bị hủy.

Cụ thể, tòa dẫn quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, vào ngày 11 và 16-10-2018, những người làm chứng này đều xác định sinh hoạt làm việc theo ngày âm lịch. Tuy nhiên, lời khai của họ thể hiện thời điểm gặp bị cáo là ngày dương lịch là không đủ căn cứ thuyết phục.

Khi được HĐXX hỏi tại sao biết ngày dương lịch thì đều không giải thích được hoặc giải thích không rõ ràng, đồng thời không nói được ngày này có những sự kiện gì khiến họ nhớ.

Lời khai của Phạm Thị Thu Hương (người thuê Nhơn chở mía) cho rằng khoảng 18 giờ ngày 15-4 là mâu thuẫn với lời khai của Nhơn và những người khác. Lời khai về đặc điểm nhận dạng (quần áo của Nhơn) giữa các nhân chứng cũng mâu thuẫn…

Tại phiên tòa sơ thẩm tháng 10-2018, những người làm chứng đều xác định trước khi về đến bãi mía đã có sẵn 5-7 tấn mía. Ông Nguyễn Văn Miền xác định ngày 16-4, có ba ghe lồi mía ra tải trọng khoảng 21 tấn. Như vậy, số mía đã vượt quá trọng tải ghe mà không cần phải đợi tới ngày 17-4.

Đối với tờ trình, hai người làm chứng xác định việc tờ trình này ghi ngày 17-4 bị cáo có mặt tại bãi mía là do vợ chồng Hương và anh Nguyễn Hoài Nam lập sẵn, tự ghi nhận và gợi ý họ ký tên. Hai người khác xác định họ không đọc nội dung mà chỉ nghe Hương đọc rồi ký tên.

Lời khai của Hương tại phiên tòa tháng 10-2018 cũng xác định người ký tên trong tờ trình nói với Hương chỉ nhớ giờ mà không nhớ ngày. Nhưng Hương coi trong sổ có ghi ngày 17-4 nên Hương mới ghi vô. Tuy nhiên, cuốn sổ vợ chồng Hương cung cấp ghi nhận ngày 10-3 âm lịch, tức ngày 16-4 dương lịch.

Từ đó, tòa nhận định việc ký tên xác nhận của những người làm chứng vào tờ tường trình là không có giá trị chứng minh. Mặt khác, Hương và anh Nam là người quen của Nhơn và lời trình bày của một số cho rằng bị cáo có đi đòi nợ giùm Hương nên nhớ ơn.

Ngoài ra, ông Phạm Văn Lương (người ghi sổ nhân công vác mía) khai sở dĩ ông nhớ được ngày là do ông có lập sổ theo dõi nhưng sổ chỉ ghi ngày và số lượng mía chở từ trong rẫy ra chứ không ghi xuống mía cho ai.

Tòa cho rằng hành vi của vợ chồng Hương là cố tình cung cấp chứng cứ sai sự thật, khai báo gian dối làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử vụ án. Do đó, HĐXX kiến nghị VKSND huyện Phụng Hiệp khởi tố và giao CQĐT điều tra làm rõ dấu hiệu phạm tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối.

 

Nhiều nhân chứng khẳng định bị cáo Nhơn ngoại phạm

Trước đó, tại tòa, nhiều người làm chứng ở Kiên Giang đã đứng ra trình bày và đưa ra bằng chứng về việc ngày 17-4-2016, Nhơn đang ở bãi mía ở Kiên Giang chứ không phải đi cướp ở Hậu Giang với Trần Văn Rồi.

Cụ thể, vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Nam, Phạm Thị Thu Hương (thuê Nhơn lái ghe đi chở mía) đưa ra cuốn sổ ghi chép thể hiện thời điểm đó Nhơn đang làm thuê cho họ.

Ông Phạm Văn Lương (người ghi sổ nhân công vác mía) cũng khai có ghi sổ công vác mía và thấy khoảng 15 giờ ngày 11-3, Nhơn chạy ghe đi. Tương tự, ông Dương Hoài Sơn cho rằng khoảng 15 giờ ngày 17-4-2016 (tức ngày 11-3 âm lịch), Nhơn đóng tiền bến cho ông rồi mới chạy ghe đi.

“Sở dĩ tôi nhớ được chính xác ngày tháng vì tôi là chủ bến thu tiền ghe, hỗ trợ các xuồng ghe qua đập và canh độ mặn để báo cáo cho Sở NN&PTNT. Đó cũng là chuyến ghe cuối cùng của mùa mía. Vào cuối mùa, chúng tôi thường tổ chức ăn uống, chia tay nhau nên tôi nhớ rất rõ” - ông Lương nói.

Kết quả bất ngờ vụ 'cướp xuyên không': Bắt giam bị cáo ngay tại tòa ảnh 2
Nhân chứng nộp cuốn sổ ghi chép thể hiện bị cáo ngoại phạm.
Ảnh: HẢI DƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm