Sáng 15-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm vụ cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank), nay là Ngân hàng Quốc Dân (NCB). Trước đó, gần 20 giờ ngày 14-8, 10 bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo Navibank đã nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án sau hai ngày xét xử tranh luận.
Một phần “đại án” Huyền Như
HĐXX phúc thẩm nhận định án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên với các bị cáo là có căn cứ và chính xác. Cụ thể, án sơ thẩm cho rằng vụ tiêu cực tại Navibank này là một phần trong “đại án” Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên trưởng Phòng giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank (thuộc giai đoạn 2).
Theo đó, từ ngày 15-5 đến 27-11-2011, Navibank cho 13 nhân viên đứng tên với số tiền 500 tỉ đồng gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè. Cũng vào thời điểm này, Thông tư số 02/2011/TT-NHNN có hiệu lực về quy định lãi suất không quá 14% nên lãi suất ghi trên các hợp đồng là 14%/năm. Số tiền chênh lệch trên 15 tỉ đồng đã được Huyền Như chuyển trả ngay sau khi các nhân viên Navibank ký hợp đồng tiền gửi với VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.
Tháng 7-2011, Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc VietinBank Chi nhánh Nhà Bè) lấy lý do chuyển công tác về VietinBank Chi nhánh TP.HCM, cần tăng hạn mức huy động cho nơi này, nên toàn bộ số tiền gửi đã chuyển về gửi tại đây. Do đã rút tiền từ trước nên Huyền Như đã che giấu số tiền chiếm đoạt bằng cách dùng nguồn tiền khác chuyển trả vào tài khoản của một số nhân viên Navibank. Sau khi các nhân viên chuyển tiền vào VietinBank Chi nhánh TP.HCM thì Huyền Như tiếp tục lập chứng từ giả để rút ra. Đến ngày 7-9-2011, Huyền Như trả lại cho Navibank 300 tỉ đồng, số tiền 200 tỉ đồng còn lại dù chưa tới hạn tất toán nhưng đã bị Như chiếm đoạt từ khi Navibank gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè.
Từ ngày 19-11-2010 đến 26-7-2011, vì tin Huyền Như nên Navibank đã cho 47 lượt cá nhân đứng tên vay 1.543 tỉ đồng gửi vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP.HCM để hưởng lãi suất cao.
Tổng số tiền lãi Navibank thu được là 75,7 tỉ đồng, trong đó lãi trong hợp đồng là 51,3 tỉ đồng, lãi chênh lệch là 24,3 tỉ đồng. Số tiền lãi ngoài hợp đồng này Navibank đã chuyển cho 47 lượt cá nhân. Huyền Như đã chuyển trả cho Navibank 1.343 tỉ đồng, chiếm đoạt 200 tỉ đồng còn lại.
Tại bản án sơ thẩm, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) 13 năm tù. Chín bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ bảy đến 12 năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: PV
Bác bảy kháng cáo kêu oan
Án sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò, mức độ hành vi của các bị cáo. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm quyết định bác kháng cáo kêu oan của bảy bị cáo, y án sơ thẩm phần hình phạt đối với các bị cáo này.
Ba bị cáo nữ xin giảm nhẹ hình phạt là Đinh Thị Đoan Trang, Nguyễn Ngọc Oanh, Phạm Thị Thu Hiền có lý lịch nhân thân tốt, thành thật hối cải và gia cảnh neo đơn, khó khăn, bệnh tật. Từ đó HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho ba bị cáo này từ bảy năm còn sáu năm tù.
Về người liên quan, HĐXX phúc thẩm bác kháng cáo của NCB, buộc ngân hàng này nộp lại số tiền hơn 24,3 tỉ đồng để sung công quỹ.
Đồng thời HĐXX kiến nghị Bộ Công an điều tra làm rõ một số cá nhân tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - VietinBank có hay không hành vi giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của Navibank. HĐXX nhấn mạnh rằng nếu đủ cơ sở xác định các cá nhân này giúp sức cho Huyền Như chiếm đoạt tiền của Navibank thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, HĐXX còn kiến nghị Cục Thi hành án dân sự TP.HCM xác minh số tiền trong tài khoản một số cá nhân tại VietinBank để làm căn cứ khắc phục hậu quả do Huyền Như gây ra.
Đây là phiên tòa cuối cùng trong “đại án” siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỉ đồng. Bản án vừa tuyên cũng khép lại hoàn toàn “đại án” này sau nhiều năm xét xử với hai giai đoạn và nhiều phiên tòa, cấp tòa.