Theo Hãng tin Russia Today (RT), tàu ngầm "Rostov trên sông Đông", lấy tên theo một thành phố ở phía Nam nước Nga, được đóng từ tháng 11-2011 tại Nhà máy Đóng tàu Admiralty ở Xanh Pê-téc-bua (St. Petersburg) và hoàn thành vào cuối năm 2014. Đây là mẫu đầu tiên thuộc thế hệ tàu ngầm thứ ba, thuộc đề án tàu ngầm lớp Varshavyanka (Đề án 636) của Nga và được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gọi là tàu ngầm "Kilo cải tiến".
Lễ hạ thủy tàu ngầm "Rostov trên sông Đông" tại Nhà máy Đóng tàu Admiralty vào tháng 6-2014. Ảnh: Portnews.ru |
Tàu ngầm chạy bằng điện diesel này được cho là có khả năng hoạt động êm ái nhất trên thế giới nhờ khả năng di chuyển ít gây tiếng ồn nhất. Cũng vì thế mà "Rostov trên sông Đông" được mệnh danh là “Hố đen đại dương”. Tàu có tải trọng 4000 tấn, tốc độ tối đa 37km/giờ, lặn sâu tối đa 300m, thủy thủ đoàn gồm 52 người và có thể tự hành trong 45 ngày.
Còn theo tờ The Moscow Times, các tàu ngầm lớp Varshavyanka nhỏ hơn nhiều so với các tàu ngầm hạt nhân, chẳng hạn như tàu ngầm tấn công mới lớp Yasen đã được biên chế cho Hạm đội phương Bắc của Nga và vai trò chiến đấu cũng hoàn toàn khác. Trong khi các tàu ngầm tấn công hạt nhân được thiết kế để triển khai ở các khu vực nước sâu và xa xôi, các tàu ngầm chạy điện diesel như "Rostov trên sông Đông" chuyên dùng để tấn công các tàu mặt nước và tàu ngầm khác ở những khu vực nước nông.
Trang bị vũ khí bố trí trên tàu ngầm "Rostov trên sông Đông" cũng hiện đại hơn nhiều so với các tàu ngầm lớp trước của Nga nhờ một loạt chức năng nâng cấp như ống phóng ngư lôi 533mm, 8 tên lửa đất đối không và tổ hợp tên lửa hành trình tấn công mặt đất Caliber thế hệ mới.
Cũng như các tàu thuộc Đề án 636, "Rostov trên sông Đông" có thể thực hiện các nhiệm vụ chống hạm và chống ngầm tại những vùng nước nông. Ngoài ra, tàu ngầm này còn có thể tấn công các mục tiêu dưới nước, trên mặt biển cũng như trên đất liền.
Với khả năng "tàng hình" và sức mạnh chiến đấu tiên tiến, các tàu ngầm lớp Varshavyanka sẽ có nhiệm vụ tuần tra biên giới trên biển của Nga và bảo vệ các khu vực xung quanh Biển Đen. Theo Phó đô đốc A-lếch-xan-đơ Phê-đô-ten-cốp (Alexander Fedotenkov), Phó tư lệnh Hải quân Nga, các tàu ngầm như kiểu "Rostov trên sông Đông" là sự lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động và chiến dịch của Nga ở Biển Đen.
Dự kiến, trước khi bắt đầu quá trình thử nghiệm, "Rostov trên sông Đông" sẽ phải di chuyển khoảng 4.630km từ Xanh Pê-téc-bua tới biển Ba-ranh. Ria Novosti dẫn lời ông I-go Đi-ga-lô (Igor Dygalo), một quan chức Bộ Quốc phòng Nga, cho biết: “Thủy thủ trên tàu ngầm điện diesel"Rostov trên sông Đông", do Nhà máy Đóng tàu Admiralty bàn giao cho Hải quân Nga, đã bắt đầu quá trình chuẩn bị để đi tới biển Ba-ranh".
Được biết sau khi vượt qua tất cả các bài thử nghiệm, tàu "Rostov trên sông Đông" sẽ có mặt tại nơi đóng quân, là cảng Novorossiysk ở Biển Đen.
Tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen
“Hố đen đại dương” là chiếc tàu ngầm thứ hai trong số 6 chiếc thuộc lớp Varshavyanka được lên kế hoạch biên chế cho Hạm đội Biển Đen vào cuối năm 2016. Trước đó, tháng 8-2010, Nga đã khởi công đóng tàu ngầm đầu tiên mang tên Novorossiysk. Việc đóng hai tàu ngầm cùng loại là Stary Oskol và Krasnodar cũng lần lượt bắt đầu vào tháng 8-2012 và tháng 2-2014.
Hiện căn cứ hải quân Novorossiysk đang trong quá trình hoàn thiện khâu xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để sẵn sàng đón những “nhân tố mới” này.
Thời gian qua, Mỹ và các quốc gia NATO đã tăng cường hiện diện tại Biển Đen bằng việc tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự tại khu vực này. Thậm chí vào những lúc cao điểm, phương Tây có tới gần 10 chiếc tàu chiến tại Biển Đen.
Bởi vậy, dù đã nằm trong kế hoạch hiện đại hóa và tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen được đề ra từ năm 2009, song việc đưa "Rostov trên sông Đông" tới khu vực Biển Đen vào thời điểm hiện tại được cho là mang theo một thông điệp quan trọng. Đó là lời cảnh báo mạnh mẽ của Nga gửi tới các nước phương Tây, rằng Mát-xcơ-va sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để bảo vệ lãnh thổ trước sự “nhòm ngó” từ bên ngoài.
Ngoài ra, Biển Đen là vị trí có tầm quan trọng chiến lược với Nga, bởi nó được coi là “bàn đạp” để Hải quân Nga mở rộng sự hiện diện tới Địa Trung Hải. Như lời Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu các vấn đề địa-chính trị của Nga, Côn-xtan-tin Xíp-cốp (Konstantin Sivkov), Địa Trung Hải là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng. Đặc biệt, nếu các cuộc xung đột ở Xy-ri và vấn đề liên quan đến I-ran không chấm dứt, dòng người tị nạn, thậm chí là các phần tử khủng bố, có thể tràn tới Biển Đen và tạo nên một cuộc xung đột mới ở khu vực này. Khi ấy, sự xuất hiện của các tàu ngầm sẽ giúp Nga sẵn sàng giải quyết có hiệu quả các nguy cơ tiềm ẩn nói trên.
Theo TRUNG DŨNG (QĐND)