Khán giả 'mê tít' giọng ca người Mỹ hát nhạc Trịnh Công Sơn

Trường Đại học Văn Lang vừa tổ chức đêm đêm nhạc 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn (đêm 9-4), nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của ông.

Buổi diễn cũng diễn ra ngay tại hội trường mang tên Trịnh Công Sơn. Đây là hội trường đầu tiên mang tên cố nhạc sĩ, được khánh thành từ tháng 4-2019 tại cơ sở ba của Trường ĐH Văn Lang (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Với chủ đề “Những sớm mai Việt Nam”, đêm nhạc đã thu hút rất đông khán giả ở mọi lứa tuổi, trong đó đa số là các bạn trẻ đang là sinh viên theo học trong và ngoài trường.

TS Nguyễn Cao Trí (bìa phải) tặng hoa cảm ơn cho đại diện gia đình của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Ngoài các thành viên trong gia đình cố nhạc sĩ, đêm nhạc có sự góp mặt của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi như Đức Tuấn, Lân Nhã, Tấn Sơn, Kyo York, Hoàng Trang, Nguyễn Đông, Hải Yến, Hà Vi, Saxophonist Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần,…

Các nghệ sĩ biểu diễn tại đêm nhạc

Những ca khúc được thể hiện trong đêm diễn đều là những nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ, đã quen thuộc và gắn bó với nhiều khán giả. Như Quỳnh Hương, Ru ta ngậm ngùi, Như cánh vạc bay, Huế Sài Gòn Hà Nội, Ở trọ, Ngẫu nhiên, Dựng lại người - dựng lại nhà, Ta đã thấy gì trong đêm nay…  

Điều đặc biệt tại đêm diễn, khán giả được lắng nghe một giọng ca rất đặc biệt, là ca sĩ Kyo York. Anh là người Mỹ nhưng đam mê nhạc Trịnh Công Sơn. Anh thể hiện hai bài hát của Trịnh Công Sơn là Quỳnh hương, Như cánh vạc bay một cách phiêu du, tình cảm và mượt mà khiến khán giả dõi theo một cách say sưa.

Đặc biệt, anh còn vừa hát tiếng Việt vừa chuyển lời hát bằng tiếng Anh, khiến khán giả thích thú.  

Kyo York chia sẻ, việc dịch những lời hát của ông sang tiếng Anh không phải dễ dàng vì những lời ông viết rất nên thơ, rất đẹp, đôi khi khó hiểu nhưng nhờ nhiều người hỗ trợ, giúp anh hiểu thêm hoàn cảnh từng bài hát để anh chuyển dịch sao cho đúng ngữ nghĩa nhất.

Kyo York say sưa thể hiện những bài hát của Trịnh Công Sơn

Theo Kyo York, âm nhạc của Trịnh Công Sơn cực kỳ vô giá và là di sản của Việt Nam. Nó giờ không chỉ của riêng người Việt Nam mà nó đã trở thành bài hát của nhiều nước trên thế giới khi được thể hiện bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Anh…

Được biết, Kyo York sinh năm 1985 tại Mỹ. Anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào cuối năm 2009, theo dự án sinh viên Mỹ dạy tiếng Anh cho thanh niên ở tỉnh Hậu Giang. Sau khi chương trình kết thúc, Kyo chọn ở lại TP HCM để sinh sống và chọn đi hát như một ca sĩ thực thụ.

Phát biểu tại đêm diễn, TS Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn Lang, cho rằng đưa nhạc Trịnh vào không gian học đường không chỉ dừng ở việc đặt tên cho hội trường hay tổ chức những đêm nhạc. "Chúng tôi đang nỗ lực truyền tải tinh thần nhân văn và các giá trị giáo dục trong di sản Trịnh Công Sơn đến thế hệ sinh viên, góp phần giúp thế hệ trẻ biết cách yêu, cách sống, cách ứng xử với quê hương đất nước, với thiên nhiên, với sự sống và cái chết, để làm giàu đẹp vốn văn hóa của mỗi con người.

Chúng tôi tin rằng di sản Trịnh Công Sơn sẽ còn sống mãi và được nhớ đến trong nhiều lần 20 năm sắp tới nữa" -TS Cao Trí nói.

Được biết, đêm nhạc Trịnh Công Sơn nằm trong chuỗi “Chương trình 20 năm nhớ Trịnh Công Sơn” do bạn bè, những người yêu quý nhạc sĩ tổ chức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm