Khánh thành 2 cao tốc kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với TP.HCM

(PLO)- Việc hoàn thành 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 18-6, Bộ GTVT đã phát thông cáo báo chí về khánh thành 2 Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc đoạn Nha Trang-Cam Lâm và Vĩnh Hảo-Phan Thiết.

Công tác chuẩn bị tại điểm cầu Bình Thuận đã hoàn thành. Ảnh: BTV.

Công tác chuẩn bị tại điểm cầu Bình Thuận đã hoàn thành. Ảnh: BTV.

Theo đó, vào lúc 15 giờ chiều nay 18-6, Lễ khánh thành sẽ trực tuyến tại hai điểm cầu tại Km33+800 dự án Nha Trang - Cam Lâm thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) và điểm cầu tại Km 1604+700 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết (giao với QL1) thuộc xã Vĩnh Hảo (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Theo Bộ GTVT, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam Phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km. Trong đó có tám dự án thành phần dài 477km đầu tư bằng hình thức đầu tư công và ba dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư dài 177 km.

Hiện nay, đã hoàn thành và đưa vào khai thác sáu dự án thành phần dài 425km, trong đó dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết chiều dài 101 km khởi công năm 2020, được đầu tư công và Dự án Nha Trang - Cam Lâm chiều dài 49 km khởi công năm 2021, là một trong ba dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Dự án Nha Trang-Cam Lâm đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: PN.

Dự án Nha Trang-Cam Lâm đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: PN.

Dự án Nha Trang - Cam Lâm được kêu gọi đầu tư trong bối cảnh pháp luật về đầu tư PPP chưa thực sự hoàn thiện, nhiều nhà Nhà đầu tư và tổ chức tín dụng có tâm lý e ngại, lo lắng, có lúc tưởng chừng không thể thực hiện.

Nhưng với sự quyết tâm, kiên định, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư, huy động được sự cung cấp tín dụng của các ngân hàng.

Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là minh chứng về sự thành công chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước trong việc đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển nói chung và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia nói riêng.

Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết là dự án đầu tư công. Ảnh PN.

Dự án Vĩnh Hảo-Phan Thiết là dự án đầu tư công. Ảnh PN.

Trong quá trình triển khai thi công, bên cạnh những thuận lợi, hai Dự án đã rơi vào thời điểm gặp không ít những khó khăn như: Triển khai trong giai đoạn cả nước tập trung phòng chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường.

Dự án trải dài qua nhiều khu vực có địa hình, địa chất phức tạp đòi hỏi phải theo dõi, có những điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, tiết kiệm chi phí công trình.

Giá nhiên liệu, vật liệu có những thời điểm tăng cao đột biến; nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường đối với đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đến đầu năm 2023 vẫn còn thiếu; thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ…

Đường vào hầm chui cao tốc Nha Trang-Cam Lâm. Ảnh PN.

Đường vào hầm chui cao tốc Nha Trang-Cam Lâm. Ảnh PN.

Đứng trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn thách thức để giải quyết những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình.

Đối với ngành GTVT cũng xác định, việc hoàn thành các Dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Việc hoàn thành 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566km đường bộ cao tốc, nâng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng của nước ta là 1.729 km.

Riêng hai dự án này sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.

-Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 3 dự án PPP có chiều dài tuyến 49,1km.

Dự án có điểm đầu (Km5+783 trùng với điểm cuối Dự án thành phần đoạn Vân Phong - Nha Trang) thuộc xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Điểm cuối (Km54+00 trùng với điểm đầu Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) thuộc xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà.

Tổng vốn thực hiện dự án: 5.524,15 tỉ đồng. Dự án được khởi công tháng 9-2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính và Bộ GTVT đã đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 19-5-2023.

-Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8km đi qua tỉnh Bình Thuận. Dự án có điểm đầu tại Km134+00, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận kết nối với Dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Điểm cuối tại Km235+00, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận kết nối với Dự án thành phần đoạn Dầu Giây - Phan Thiết.

Tổng mức đầu tư: 10.853,90 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Ban QLDA 7 - Bộ GTVT. Dự án được khởi công tháng 9-2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính và Bộ GTVT đã đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 19-5-2023.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm