Hai kỳ SEA Games trước thì hai HLV Kiatisak và Surachai đã chinh phục thành công. Đến SEA Games 29 năm nay thì sứ mệnh được giao cho HLV Worawut Srimaka - tiền đạo số 14 cao kều cùng thời với Kiatisak.
Đông Nam Á có nhiều quốc gia có “thế hệ vàng” nhưng chưa ai thành công ngoài các cựu danh thủ Thái Lan. Với Việt Nam thì đang có các HLV Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng… nhưng chỉ có Hữu Thắng nhận lời dẫn dắt các đội tuyển và anh cũng là người cùng thời với Kiatisak, Surachai, Worawut…
Với Singapore thì có thế hệ cầu thủ nội vô địch Tiger Cup 98 như Nasri, Zulkarnael, Rafi Ali… nhưng khi giã từ tuyển thì chỉ về làm công tác đào tạo trẻ và trợ lý mà thôi. Chưa một ai trong số này cầm quân đội tuyển. Tương tự, Indonesia có những tên tuổi như Yulianto, Bima Sakti, Bambang, Miro Baldo Bento… nhưng cũng chẳng thấy ai lên nắm tuyển nhiều như thế hệ vàng của Thái Lan. Duy nhất trong số danh thủ Indonesia chỉ có Sijafri đang dẫn dắt U-19 quốc gia…
Bóng đá Thái Lan luôn được đánh giá cao trong khu vực bởi sự đầu tư tốt vào các tuyến và cách làm bài bản. Ảnh: NG.HUY
Ở kỳ SEA Games 29 này, HLV Hữu Thắng của U-22 Việt Nam ít nhất là có một cuộc chạm trán ở vòng bảng với U-22 Thái Lan do HLV Worawut dẫn dắt… Và nếu có “duyên nợ” có khi họ lại gặp trong trận chung kết. Thời cầu thủ cả hai có lần chạm trán nảy lửa ở bán kết Tiger Cup 98 khi Hữu Thắng đá trung vệ, còn Worawut chơi vị trí tiền đạo cắm đội tuyển Thái Lan mà lần ấy không có Kiatisak lẫn Dusit. Lần ấy đội tuyển Việt Nam thắng đậm Thái Lan 3-0 và tan trận tiền đạo Worawut ngồi bệt xuống sân Hàng Đẫy thất vọng, còn trung vệ Hữu Thắng cùng các đồng đội ôm nhau hạnh phúc khi vừa loại được kỳ phùng địch thủ ở bán kết.
Trước đó, tại các kỳ SEA Games thì Worawut và Hữu Thắng cũng chạm trán nhau rất nhiều nhưng đa phần là đội tuyển Việt Nam thua.
Làm HLV các đội tuyển Thái Lan đá các giải Đông Nam Á thì rõ ràng các HLV Thái Lan dễ có thành tích hơn vì chất lượng của cầu thủ Thái Lan rất cao do mặt bằng trẻ phong phú và chất lượng. Trong khi đó làm HLV các đội Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia thì vừa khó vừa cực nhọc vừa chịu nhiều áp lực lớn do cầu thủ không đẳng cấp bằng lại đòi chỉ tiêu cao.
Chẳng hạn như hiện nay ngoài một U-22 Thái Lan cực mạnh, hơn các đội còn lại một bậc thì các đội như Malaysia, Việt Nam, Indonesia đều ôm mộng vô địch nhưng cứ phải nhìn sang bóng đá Thái Lan. U-22 Malaysia rất yếu nhưng mục tiêu là phải vô địch SEA Games nên đã đẩy HLV Ong Kim Swee vào thế căng thẳng cực kỳ. Tương tự như thế là HLV Nguyễn Hữu Thắng. Xét trên bình diện chung thì U-22 Việt Nam hiện nay chỉ ngang tầm với Myanmar, Indonesia… nhưng áp lực vô địch vẫn buộc HLV Nguyễn Hữu Thắng phải tìm cách đánh bại tất cả.
Ở thời điểm hiện nay, nếu đội U-22 nào của Đông Nam Á đánh bại được U-22 Thái Lan thì đó mới là vấn đề. Các đội còn lại như Việt Nam, Myanmar, Indonesia gặp nhau đánh bại nhau cũng là điều hết sức bình thường.