Tại cuộc họp chiều 25-12, lãnh đạo Cục CSGT cho biết Bộ Công an đang được Chính phủ giao thực hiện đề án phủ đầy camera. Với hàng ngàn, hàng triệu “mắt thần” sắp “thập diện mai phục” như thế, tin rằng sắp tới đây trật tự, an toàn giao thông sẽ được đảm bảo, tai nạn giao thông (TNGT) và con số thương vong sẽ giảm rất nhiều…
Theo Cục CSGT, hiện nay, hệ thống camera trong các thành phố chủ yếu là quan sát các lỗi vi phạm không lớn (dừng, đậu trái phép, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông…) hoặc các vụ tai nạn, phạm tội trên đường phố. Riêng camera đã được lắp đặt trên quốc lộ hoặc đường cao tốc thì có khác hơn là có thể vừa quan sát vừa kiểm soát được tốc độ tự động, từ đó phát hiện vi phạm, xử phạt sai phạm. Chúng cũng đồng thời tìm ra nguyên nhân chính gây ra TNGT để tính cách ngăn chặn, giảm thiểu.
Từ các ưu điểm đó, Cục CSGT sẽ tiến hành lắp đặt camera tại các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc và trước mắt sẽ phủ kín camera trên tuyến quốc lộ 1A.
Khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ, nhiệm vụ chính của CSGT là tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn và giải quyết tai nạn giao thông.
Ảnh: TP
Cũng theo Cục CSGT, khi hệ thống camera giám sát được lắp đặt đầy đủ thì nhiệm vụ chính của lực lượng CSGT là tuần lưu, điều tiết, chỉ huy dẫn đoàn, giải quyết TNGT. CSGT chỉ lập chốt để phát hiện, xử lý các lỗi vi phạm mà camera không thể phát hiện được, ví dụ là vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, vượt quá tải trọng...
Hằng năm có thể lúc tăng, lúc giảm nhưng cần phải thấy ở nước ta số vụ TNGT kéo theo đó là số người bị thương, chết luôn ở mức cao đáng báo động. Ngoài những khiếm khuyết về hạ tầng giao thông thì những hạn chế trong ý thức tuân thủ luật giao thông của khá nhiều người là lý do chính gây ra tình trạng nêu trên.
Phải thấy rằng đang có nhiều người lái xe chỉ chạy đúng luật khi thấy có CSGT. Tức chỉ khi thật sự thấy có thể bị vịn lỗi ngay và xử phạt thì họ mới chịu điều chỉnh hành vi để đối phó, để được chấp nhận lúc đó, còn sau nữa thì có khi đâu lại vào đó.
Ngặt nỗi, không đâu có đủ CSGT để xử lý nóng được hết thảy. Đây là lý do mà mọi người có thể thấy nhan nhãn trên đường rất nhiều hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ hoặc đã gây hại cho nhiều người nhưng không bị xử lý. Thiếu sót đó dẫn đến việc người vi phạm và nhiều người khác đã không biết sợ để tự giác chấp hành luật giao thông.
Hiện thời và tới đây, hệ thống camera ở các quốc lộ, đường cao tốc, trên đường phố sẽ là sự “nhân bản” CSGT để thực hiện hiệu quả hơn gấp nhiều lần so với trước đây trong việc kịp thời phát hiện và xử lý được thật nhiều hành vi vi phạm giao thông. Cách phạt nguội này đã được nhiều nước áp dụng thành công từ lâu và từ chỗ biết là luôn có rất nhiều con mắt quan sát của CSGT mà nhiều người đã không thể, không muốn vi phạm, góp phần tạo ra được ý thức cao trong cộng đồng về việc chấp hành luật giao thông.
Đã có vài ý kiến lo ngại việc phạt nguội có thể gặp khó khi người lái xe không phải là chủ sở hữu xe (xe mượn, thuê, mua bán tay…) nhưng thực ra từ 1-1-2020 thì Nghị định 100/2019 đã giải quyết được việc này.
Theo đó, người chủ hợp pháp của xe (người được CSGT gửi thông báo về vi phạm) có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định người đã điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp chủ xe không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã lái xe phạm lỗi thì chủ xe phải chịu phạt.
Thử hình dung trong một thời gian không xa đa số xe răm rắp dừng chờ đèn đỏ, không lấn tuyến, không phóng nhanh, không vượt ẩu, không chạy vào đường cấm… hệt như những hình ảnh phổ biến ở nước ngoài. Khi đó, CSGT sẽ dồn sức cho những việc cần thiết hơn như đã nói, không còn phải tiếp xúc nhiều với các tài xế trên đường…
Cũng từ chỗ ít tiếp xúc đó sẽ không còn làm phát sinh các xung đột, gây tổn hại đến danh dự, sức khỏe, tính mạng của người vi phạm lẫn CSGT thông qua các cuộc rượt đuổi, đôi co giữa đôi bên như đã từng xảy ra...
Với nhiều nổi trội như vậy, hãy cùng chờ CSGT “thập diện mai phục” nào!