Theo lẽ thường, Sở TN&MT phải xem xét, sang tên “giấy đỏ” cho DN. Nhưng từ đó đến nay, dù đã chạy lên cả UBND tỉnh, chạy lên Văn phòng Chính phủ, DN vẫn chưa được giấy đỏ để triển khai phương án kinh doanh.
Lẽ ra phải tuân thủ theo quy định của pháp luật thì những công chức phụ trách lại đùn đẩy, thậm chí đánh cả văn bản lên Bộ TN&MT, Bộ Tư pháp để xin hướng dẫn.
Trong khi đó, một trong những nguyên tắc của việc áp dụng pháp luật là nếu có những quy định chưa rõ ràng thì phải áp dụng theo hướng có lợi cho người dân và DN. DN dệt may kia có thể hiểu tại sao quy định của pháp luật về sang tên “giấy đỏ” đã rõ ràng như thế mà đối với trường hợp của họ lại khó khăn đến vậy. Nhưng họ kiên quyết không đi đường tắt, không bắt tay với tiêu cực… dù những biên bản đấu giá tài sản, hợp đồng mua tài sản… bỗng chốc có nguy cơ trở thành giấy lộn.
Nhưng điều đó có lẽ chưa phải là đỉnh điểm. Bởi tài sản mà DN dệt may kia đã đấu giá thành công còn là 300 công nhân đang chờ đợi DN dệt may kia đi vào hoạt động để có việc làm. 300 con người ấy nếu có việc làm sẽ giảm tỉ lệ thất nghiệp cho tỉnh, sẽ tăng thêm thu nhập cho 300 gia đình… Nhưng có lẽ các cán bộ, công chức “thụ lý” vụ việc này không nghĩ vậy.
Dù Văn phòng Chính phủ đã yêu cầu báo cáo nhưng đến nay đã quá thời hạn 10 ngày, tuyệt nhiên vẫn chưa thấy có động thái nào từ tỉnh có liên quan.
Dông dài như vậy để thấy rằng: Số tiền hàng chục tỉ đồng mà DN dệt may kia đã bỏ ra và cơ hội việc làm của 300 công nhân ở tỉnh nọ có thể sẽ trở thành “chi phí vô ích” chỉ vì “thái độ” của một vài cán bộ, công chức. Những chi phí ấy có lẽ sẽ lớn hơn rất nhiều lần “chi phí tuân thủ thủ tục hành chính” (APCI) mà Văn phòng Chính phủ công bố ngày 17-8.
Bởi APCI là những chi phí cụ thể, có thể đong đếm được. Hơn 73.000 đồng tuân thủ thủ tục hành chính thuế hay trên 64 triệu đồng tuân thủ thủ tục hành chính xây dựng vẫn chưa thấm vào đâu so với những cơ hội, chi phí có thể bị mất đi khi thủ tục hành chính bị sử dụng làm công cụ “hành là chính”. Ấy là chưa kể những chi phí tuân thủ ấy thực ra chẳng đáng là bao so với những “chi phí ngầm” thường được gọi mỹ miều là “chi phí không chính thức”. Đáng nói, đây lại là những chi phí mà DN biết là sai trái nhưng vẫn phải tuân thủ vì đó là luật ngầm bất thành văn.
Có lẽ cũng vì vậy mà APCI đã coi “yếu tố con người, cụ thể là năng lực và đạo đức công vụ của cán bộ nhà nước là yếu tố quan trọng trong việc giảm gánh nặng chi phí cho DN”. Bởi xét cho đến cùng, tuân thủ thủ tục hành chính thì phải có chi phí nhưng chi phí ấy sẽ là một gánh nặng khi nó được các cán bộ nhà nước biến thành công cụ hành DN cho “đầy túi tham”.