Theo hồ sơ, năm 2015 bà Nguyễn Thị Lan khởi kiện ông Nguyễn Thành Măng yêu cầu trả lại phần đất hơn 350 m2 cho gia đình bà. Tháng 11-2015, TAND thị xã Long Mỹ, Hậu Giang xử sơ thẩm, tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, công nhận phần đất tranh chấp cho ông Măng được tiếp tục sử dụng. Cạnh đó, ông Măng được sử dụng hai cây đu đủ, ba cây dừa và phải trả lại giá trị hoa màu cho bà Lan là 850.000 đồng.
Ba phiên xử, không rõ đất của ai
Vợ chồng bà Lan kháng cáo. Cuối tháng 1-2016, TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm, cho rằng tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện là đúng. Nhưng ông Măng phản tố, yêu cầu công nhận phần đất tranh chấp là của mình nhưng không nộp tiền tạm ứng án phí cho yêu cầu phản tố. Do đó cấp sơ thẩm công nhận phần đất tranh chấp cho ông Măng là không đúng.
Mặt khác, các bên đều sử dụng đất dư so với giấy chứng nhận được cấp nên cũng không có cơ sở xem xét yêu cầu của ông Măng. Từ đó HĐXX phúc thẩm sửa án theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Lan nhưng không công nhận phần đất này cho ai.
Tháng 7-2017, ông Măng khởi kiện ngược lại bà Lan yêu cầu trả lại hơn 400 m2 (gồm cả 350 m2 đất lúc trước bà Lan kiện đòi ông Măng) và tháo dỡ toàn bộ công trình kiến trúc, di dời toàn bộ cây trồng trên đất, trả lại hiện trạng ban đầu.
Tháng 10-2018, TAND thị xã Long Mỹ xử sơ thẩm, nhận định trước đây bà Lan khởi kiện yêu cầu ông Măng trả lại phần đất lấn chiếm. Vụ án đã được xử sơ thẩm, sau đó bị sửa án nhưng phần đất tranh chấp HĐXX phúc thẩm không giao cho ai được quyền sử dụng. Nay ông Măng khởi kiện lại bà Lan đòi trả lại 400 m2 là khác về nguyên đơn, bị đơn và phần diện tích đất tranh chấp. Do đó vụ án không thuộc trường hợp đã giải quyết nên tòa thụ lý là đúng.
HĐXX cho rằng phần đất ông Măng sử dụng còn thiếu so với giấy chứng nhận được cấp, còn phần đất bà Lan sử dụng dư so với giấy chứng nhận. Tuy nhiên, việc cấp giấy cho ông Măng, bà Lan không đo đạc cụ thể nên ông Măng vẫn còn thiếu và bà Lan vẫn sử dụng chứ không phải bà Lan lấn đất của ông Măng. Từ đó HĐXX tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Măng nhưng vẫn không công nhận phần đất tranh chấp này là của ai. Ông Măng kháng cáo.
Vợ chồng ông Nguyễn Thành Măng tại phiên xử phúc thẩm ngày 27-5. Ảnh: YC
Đã giải quyết triệt để
Ngày 27-5 vừa qua, TAND tỉnh Hậu Giang xử phúc thẩm. VKS đề nghị sửa án theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Măng.
HĐXX nhận định về tố tụng, trước đây bà Lan khởi kiện ông Măng yêu cầu trả hơn 350 m2, nay ông Măng khởi kiện yêu cầu bà Lan trả lại phần đất hơn 400 m2. Xét yêu cầu khởi kiện này khác nguyên đơn, bản án năm 2016 chưa công nhận quyền sử dụng đất cho ai, do đó vụ án không thuộc trường hợp đã được giải quyết nên việc tòa thụ lý là đúng.
Theo HĐXX, cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Măng là chưa có căn cứ, trái với bản án năm 2016 và không giải quyết triệt để nội dung vụ án. Do vậy, để giải quyết triệt để, tránh phát sinh thêm tranh chấp thì cần công nhận quyền sử dụng đất cho một bên. Bà Lan đã bị bác yêu cầu năm 2016 thì phần đất này phải được công nhận cho ông Măng, phần còn lại được công nhận cho bà Lan...
Cạnh đó, theo HĐXX, sau khi xét xử năm 2016 thì bà Lan xây dựng hàng rào, các công trình như nhà vệ sinh, phòng ngủ và trồng cây. Xét thấy trong thời gian đang tranh chấp nhưng bà Lan vẫn cố tình xây dựng nên cần buộc phải tự tháo dỡ, di dời, ông Măng không phải bồi thường.
Từ đó HĐXX tuyên sửa án sơ thẩm, công nhận cho ông Măng được quyền sử dụng phần đất tranh chấp hơn 331 m2, buộc bà Lan phải tháo dỡ các công trình, cây trồng trên đất để trả lại phần đất tranh chấp cho ông Măng. Công nhận cho bà Lan được sử dụng phần đất tranh chấp hơn 69 m2, ông Măng được quyền sử dụng bảy cây dừa và trả lại cho bà Lan 12,8 triệu đồng.