Khó xử cơ sở nước đá gây ồn

“Mặc dù xác định cơ sở sản xuất nước đá ở số 38/2D tổ 24, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (TP.HCM) phát sinh tiếng ồn vượt quy định, gây ảnh hưởng dân cư chung quanh nhưng đến nay UBND quận 12 vẫn chưa xử lý dứt điểm. Tình trạng này kéo dài thì cuộc sống của những người gần cơ sở nước đá càng khổ” - bà Trần Thị Sen (38/2C tổ 24, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây) nói.

Tiếng ồn vượt quy chuẩn cho phép

Chủ của căn nhà 38/2D nói trên là ông Nguyễn Thanh Hùng. Ông Hùng cho ông Trần Văn Dậu thuê nhà mở cơ sở sản xuất nước đá. “Cơ sở hoạt động 24/24 giờ nên liên tục phát tiếng ồn ầm ĩ, cả nhà tôi luôn bị mất giấc ngủ. Do không ngủ được nên cha mẹ già và con nhỏ của tôi liên tục bị bệnh. Đâu chỉ vậy, nhà tôi sát cạnh nên độ rung từ thiết bị của cơ sở làm nứt tường khiến nước bẩn từ cơ sở cứ rỉ qua. Tôi nhiều lần trao đổi với ông Dậu tìm cách cải thiện hoạt động sản xuất, tránh gây ảnh hưởng những người chung quanh nhưng không kết quả. Do vậy, tháng 7-2015, tôi gửi đơn lên UBND phường Trung Mỹ Tây nhờ giải quyết” - bà Sen cho biết.

Do vụ việc vượt thẩm quyền, UBND phường Trung Mỹ Tây đã đề xuất Phòng TN&MT quận 12 kiểm tra, đo đạc và đánh giá tác động môi trường của cơ sở. “Tháng 10-2015, Phòng TN&MT kiểm tra và ghi nhận cơ sở sản xuất nước đá có một hệ thống sản xuất đá viên, một kho lạnh bảo quản nước đá. Đoàn cũng lấy mẫu tiếng ồn và mẫu rung phân tích. Kết quả mẫu tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong khoảng thời gian từ 21 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau” - vừa nói bà Sen vừa đưa chúng tôi xem công văn trả lời của Phòng TN&MT quận 12.

Cơ sở nước đá Anh Dũng vẫn đang hoạt động, gây ồn. Ảnh: TRẦN NGỌC

Quận phải cầu cứu

Tìm hiểu thêm, PV được biết tháng 11-2015, UBND quận 12 đã ban hành quyết định xử phạt cơ sở Anh Dũng 12,5 triệu đồng do tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật (theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 179/2013). Đồng thời, quận yêu cầu cơ sở phải thực hiện các biện pháp khắc phục tiếng ồn trong thời gian 30 ngày. Tuy nhiên, cơ sở Anh Dũng chỉ đóng tiền phạt, không thấy có biện pháp khắc phục tiếng ồn.

Tháng 2-2016, UBND quận 12 ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính, với biện pháp ngưng cung cấp điện phục vụ cho hoạt động sản xuất tại cơ sở.

Tuy nhiên, Công ty Điện lực An Phú Đông cho biết không thể cắt điện theo yêu cầu của UBND quận 12 do chưa đủ cơ sở pháp lý, bởi “khoản 2 Điều 86 Nghị định 166/2013 không có quy định ngưng cung cấp điện sản xuất, kinh doanh đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính”.

Tháng 5-2016,quận gửi công văn đến Sở TN&MT, Sở Tư pháp TP.HCM xin ý kiến xử lý. Công văn có nội dung: “Việc thi hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không được quy định cụ thể trong các quy định về xử lý vi phạm hành chính. Do đó, UBND quận 12 đề xuất các biện pháp cưỡng chế cụ thể như sau:

• Ngừng cung cấp điện phục vụ cho hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

• Đình chỉ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường bằng biện pháp niêm phong các trang thiết bị, máy móc hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường.

• UBND quận 12 đề nghị Sở TN&MT, Sở Tư pháp TP.HCM sớm có ý kiến hướng dẫn cụ thể để có cơ sở tổ chức cưỡng chế theo quy định”.

Sở TN&MT cho rằng đề xuất của UBND quận 12 chưa có cơ sở. Sở đề nghị UBND quận 12 ngoài áp dụng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, cần áp dụng các quy định quản lý nhà nước trong các lĩnh vực khác như xây dựng, đất đai, quy hoạch… để xử lý. Sở TN&MT cũng kiến nghị UBND TP.HCM có văn bản đề nghị Bộ TN&MT có ý kiến hướng dẫn, giải quyết vướng mắc nêu trên của UBND quận 12.

Từ ý kiến của Sở TN&MT, cuối tháng 6-2016, Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu chỉ đạo UBND phường Trung Mỹ Tây kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với cơ sở trên.

Sáng 19-7, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Mỹ Tây, cho biết UBND phường vừa làm việc với đại diện cơ sở Anh Dũng. “Hai bên thống nhất như sau: Một là cơ sở Anh Dũng sẽ thuê đơn vị tư vấn thiết kế để có biện pháp khắc phục hiệu quả tiếng ồn, đồng thời thuê đơn vị đủ chức năng để đo đạc, kiểm định kết quả khắc phục. Hai là cơ sở sẽ xem xét biện pháp di dời để không ảnh hưởng khu dân cư” - ông Tâm nói.

Nghị định 179/2013 có thiếu sót

Hiện nay hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn được điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) 2014 và Nghị định 179/2013. Khoản 2 Điều 103 Luật BVMT quy định những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu dân cư gây tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ phải thực hiện biện pháp giảm thiểu, không làm ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Những cơ sở gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn cho phép sẽ bị xử lý theo từng mức độ được quy định cụ thể tại Điều 17 nghị định trên.

Cơ sở Anh Dũng đã bị xử lý theo khoản 2 Điều 17 của Nghị định 179. Tuy nhiên, đối chiếu quy định thì chỉ có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cơ sở thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn cho đến khi đạt quy chuẩn chứ không thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động.

Điều bất hợp lý là Nghị định 179 lại không quy định thêm hình thức xử lý cụ thể nếu cơ sở vẫn tiếp tục vi phạm. Do vậy, khi đối tượng không chấp hành biện pháp xử lý thì những cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm lại gặp khó khăn.

Đây là một thiếu sót làm hạn chế hiệu lực thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Vì thế, cần phải điều chỉnh, bổ sung cụ thể về thẩm quyền và biện pháp cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình không chấp hành quyết định xử phạt. Ví dụ như khi cơ sở vi phạm cố tình không thực hiện đúng yêu cầu thì cơ quan có thẩm quyền phối hợp với cơ quan điện lực, cơ quan cấp nước… tạm ngưng cung cấp điện, nước có thời hạn. Trường hợp không thể khắc phục tại chỗ thì phải cưỡng chế di dời cơ sở vi phạm vào các cụm công nghiệp, khu công nghiệp… tránh xa khu dân cư nhằm đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân.

Luật sư NGUYỄN VĂN HỒNG, Văn phòng luật sư Hồng Tâm Đức, Đoàn Luật sư TP.HCM

N.HIỀN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm