Vùng Đông Nam Bộ được đánh giá là một trong sáu vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Trong đó ĐNB luôn là vùng kinh tế lớn nhất cả nước, là đầu tàu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh thành: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Vị thế trên được khẳng định trong hàng loạt các chỉ số. Đơn cử như tốc độ tăng trưởng GRDP của vùng ĐNB bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 6,87%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đến giai đoạn 2016-2020 giảm còn 5,31 (cả nước 6,27), đến giai đoạn 2021-2022 chỉ còn 2,61% thấp hơn rất nhiều so với bình quân cả nước là 5,29.
Nhóm chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới nhận định động lực tăng trưởng vùng ĐNB đang dần suy giảm. ĐNB vẫn là vùng kinh tế quan trọng nhất, lớn nhất cả nước, nhưng vai trò và vị trí của vùng trong nền kinh tế đang suy giảm ở hầu hết các mặt. Bên cạnh đó, vùng ĐNB không còn động cơ tăng trưởng phù hợp, cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, thiếu tính kết nối đồng bộ, hàng loạt công trình trọng điểm chậm tiến độ.
Theo nhóm chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, có ba nguyên nhân chính làm giảm hiệu quả và vai trò của vùng ĐNB.
Thứ nhất là chưa đổi mới được mô hình tăng trưởng. Hiện vẫn tăng trưởng theo mô hình khai thác tài nguyên hiện có, thâm dụng lao động chi phí thấp, chưa chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên mô hình tăng trưởng nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Thứ hai là cơ sở hạ tầng đang là nút thắt, nhất là hạ tầng giao thông. Hiện mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, nhất là hạ tầng kết nối nội vùng và liên vùng còn yếu, thiếu, chưa đồng bộ.
Thứ ba là cơ chế quản lý và pháp luật còn thiếu hoặc không phù hợp. Trong đó, vấn đề thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích huy động hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kết nối vùng.
Điểm sáng lớn nhất cho Vùng ĐNB chính là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐNB, trong đó đã xác định nhiều giải pháp, cơ chế để nâng cao hoạt động của vùng. Đặc biệt, Nghị quyết đã xác định danh mục các dự án đầu tư liên vùng phải thực hiện đến năm 2030 như vành đai 3, mở rộng cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, vành đai 4, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, các tuyến đường sắt, hình thành các cụm cảng…
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Phó Chủ tịch Thường trực.
Vì vậy, nhóm chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới nhận định vùng ĐNB là đầu tàu kinh tế của cả nước nên cần cơ chế đặc thù cho vùng ĐNB theo tinh thần Nghị quyết 24.
Vùng ĐNB là một điểm nhấn trong phát triển kinh tế, theo đó, vùng cũng cần phương án huy động tài chính để phát triển kinh tế. Tất cả cần song song với việc hoạch định chính sách để phát triển.
TS Đặng Đức Cường, chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới cho rằng vùng ĐNB đang gặp phải năm nút thắt lớn trong việc thu hút đầu tư, bao gồm: thiếu khái niệm pháp lý rõ ràng về dự án đầu tư vùng; thiếu tiêu chí, cơ chế lựa chọn dự án vùng ưu tiên đầu tư; thiếu cơ chế phối hợp vốn đầu tư cho các dự án đầu tư công có tính liên kết vùng; thiếu cơ chế thu hút hiệu quả nguồn vốn tư nhân tham gia thực hiện dự án vùng; rào cản trong tiếp cận tín dụng đầu tư cho các dự án vùng
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định vùng ĐNB có áp lực, nguồn lực, song chưa có động lực. Vì vậy, cần thực sự phải xây dựng động lực để phát triển vùng ĐNB và một trong những nút thắt cần làm là huy động nguồn vốn, sử dụng vốn để tạo nhiều cơ hội cho vùng.
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM Trương Minh Huy Vũ cho biết vùng ĐNB có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đã bàn đến việc phát triển vùng. Tuy nhiên, hiện Nghị quyết 98 chỉ áp dụng ở TP.HCM và giới hạn ở TP.HCM, không áp dụng được ở các tỉnh thành khác. Cần khuyến nghị các cơ chế, chính sách để áp dụng cho vùng ĐNB.
“Chúng ta đã thảo luận rất dài về các dự án giao thông liên vùng, trong các thảo luận về tuyến metro cũng đã tính phương án mở rộng phía Đồng Nai, Bình Dương. Trong đó, NQ98 cho phép thí điểm cơ chế TOD – phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông lớn, tương tự vành đai 3 cũng chỉ thí điểm ở các nút giao trên địa bàn TP.HCM. Vì vậy, chúng ta cần thảo luận để đưa ra cơ chế tài chính, chính sách vùng để phát triển vùng” – Ông Huy Vũ nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 - nhận định vùng ĐNB còn nhiều điểm nghẽn trong việc liên kết vùng. Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐNB đã chỉ ra những “thế khó” này.
Có thể thấy, điểm nghẽn thứ nhất là về thể chế. Hiện chưa có cơ chế phát triển vùng ĐNB, các địa phương đang dựa trên cơ chế tỉnh, mọi chỉ tiêu đều theo tỉnh và tự lo nên không thể phát triển liên vùng.
Điểm nghẽn thứ hai là hạ tầng liên kết vùng – kết nối vùng chậm. Đơn cử như những dự án, công trình đã có trong quy hoạch từ lâu như vành đai 3, vành đai 4, cao tốc, hệ thống logistic nối với cảng biển vẫn chưa thể triển khai. Đó là những điểm nghẽn, vì chưa thể tháo gỡ nên đến nay khó khai thông được cho vùng kinh tế trọng điểm ĐNB.
“Tóm lại, vùng ĐNB có hai điểm nghẽn cơ bản là thể chế và hạ tầng. Chính vì vậy, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã đưa ra những giải pháp lớn để tăng cường kết nối lên vùng. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt chú trọng và trực tiếp chỉ đạo trong việc điều phối vùng để tăng cường kết nối. Kết quả là mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về vùng ĐNB cho thấy Chính phủ vô cùng quan tâm đến vùng này”.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung các công trình hạ tầng trong vùng ĐNB và các địa phương cũng đang rốt ráo triển khai các dự án. Đơn cử như các địa phương đã và đang phối hợp để làm vành đai 3 – việc triển khai đang rất tốt.
TP.HCM cũng đã chủ động tận dụng NQ98 để bố trí ngân sách, triển khai các dự án trọng điểm, những dự án có tính liên kết vùng như TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.
Để giải bài toán kết nối vùng, “tăng lực” cho vùng ĐNB, TS Trần Du Lịch đề xuất áp dụng ngay một số cơ chế đặc thù từ NQ98 cho vùng ĐNB. Từ đó, mới có thể tạo ra sự đồng bộ trong phát triển kinh tế vùng.
Đơn cử, mô hình TOD, BOT trên đường hiện hữu, BT, hay cả các lĩnh vực trong văn hóa, thể thao… cũng cần tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng được có cơ chế đặc thù để phát triển.
Bên cạnh đó, Hội đồng vùng ĐNB cũng cần xây dựng một quỹ đầu tư hạ tầng, đây là một định chế rất quan trọng. Vì vậy, Chính phủ, vùng ĐNB cần nghiên cứu để triển khai kêu gọi được nguồn vốn ngoài ngân sách nhằm phát triển những công trình hạ tầng. Bao gồm: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu big data, hạ tầng cảng biển, logistic, những công trình…
Tuy nhiên, khi thành lập quỹ đầu tư hạ tầng vùng, TS Lịch cho rằng không nên đi theo mô hình quỹ đầu tư địa phương hiện nay. Bởi lẽ, quỹ đầu tư địa phương là một hình ảnh dạng cấp - phát, chưa thực sự đúng với tính chất của một quỹ đầu tư, cũng không huy động được nguồn lực và ngân sách để tái đầu tư.
“Vì vậy, quỹ tài chính cần phải thu hút được nguồn vốn tư nhân trong nước và ngoài nước. Nếu xây dựng được quỹ hạ tầng trong vùng sẽ huy động các nguồn vốn đa dạng để đầu tư, sẽ tạo nên một động lực kết nối các vùng ĐNB” – TS Lịch nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định điểm nghẽn của vùng ĐNB là do không huy động đủ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu phát triển này – đó là yếu tố cốt lõi.
Nói về lý do khó huy động nguồn lực, TS Cung cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là thiếu công cụ phù hợp – đủ mạnh và chuyên nghiệp để có thể góp phần huy động nguồn vốn cho việc phát triển kinh tế vùng.
Thứ hai là điểm nghẽn về hạ tầng giao thông. Hiện nay vùng này thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là kết nối trong vùng ĐNB và nội đô TP.HCM.
Để giải quyết vấn đề này, vùng ĐNB cần có những công cụ phù hợp, phải có quỹ tài chính đầu tư chuyên trách, đủ chuyên nghiệp và cần tập trung khơi thông hạ tầng vùng.
Vùng ĐNB cần phải xây dựng được quỹ tài chính tự chủ động, hoạt động theo nguyên tắc thị trường và bộ máy phải thật mạnh, tách hẳn với quản lý nhà nước.
“Chúng ta không nên xây dựng quỹ tài chính như một cánh tay kéo dài của Sở Tài chính hay là Bộ Tài chính, với cơ chế quản lý như hiện hành sẽ không phù hợp.
Tuy nhiên, muốn làm điều đó thì phải vượt qua rất nhiều rào cản. Một trong những rào cản lớn nhất là tư duy. Trường hợp chưa xây dựng được một quỹ tài chính như kỳ vọng, chúng ta cần xây dựng quỹ liên vùng, hạn chế can thiệp hành chính, vận hành theo cơ chế thị trường. Các dự án được đầu tư từ quỹ tài chính này chỉ được triển khai khi có hiệu quả thực sự.
“Việc thiếu nguồn lực, nguồn vốn cho vùng ĐNB đã có từ lâu. Vì vậy, vùng ĐNB cần giải quyết nguồn vốn – đây là vấn đề trọng tâm của trọng tâm, ưu tiên của ưu tiên để giải quyết mọi vấn đề trong vùng ĐNB – đây cũng là động lực để tăng trưởng, phát triển vùng và là động lực cho nền kinh tế cả nước” - TS Cung nhấn mạnh.
Vì vậy, để thu hút đầu tư vào vùng ĐNB, cho quỹ đầu tư vùng này thì cần có khởi nguồn. Tất nhiên, khởi nguồn đầu tiên là Chính phủ, đơn vị đứng ra để huy động vốn. Sau đó, Chính phủ cần lập thể chế, định chế phù hợp để huy động được nguồn vốn, thu hút các nhà đầu tư tới vùng.
Bên cạnh thay đổi tư duy vốn ăn sâu, TS Cung cho rằng vùng ĐNB cần được áp dụng NQ98 giống như TP.HCM, có thể xin áp dụng mở rộng cho cả vùng ĐNB. Đồng thời, trên cơ sở sơ kết một năm thực hiện NQ98, chúng ta có thể tổng kết những vướng mắc trong quá trình triển khai. Sau đó, vùng ĐNB cần xin một Nghị quyết mới của QH để áp cho vùng ĐNB. Trong đó, cần khắc phục những vấn đề, rào cản trước mắt khi thực hiện NQ98 ở TP.HCM.
Đánh giá về tính kết nối vùng, PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức, cho biết hiện vùng ĐNB đã có mạng lưới đường bộ nhưng so với các vùng khác thì có “bộ khung” khá yếu. Bên cạnh các tuyến vành đai 3, vành đai 4, vùng ĐNB cần các tuyến cao tốc xuyên tâm nối với TP.HCM, đi Bình Dương, Campuchia.
Vùng ĐNB phải là một cơ thể thống nhất để phát triển vươn lên, có tính cạnh tranh ở quốc tế. Muốn vậy, vùng ĐNB cần có mạng lưới cơ sở hạ tầng mạnh, hiệu quả và phải giải quyết ngay nút thắt về hạ tầng liên kết vùng.
“Nếu TP.HCM và vùng ĐNB không có hệ thống cao tốc thì một thời gian nữa vành đai 3 sẽ quá tải và chúng ta cũng đừng để cao tốc thành thấp tốc. Vì vậy, để giải quyết các vấn đề trên, vùng ĐNB cần phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đa phương thức, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường sắt đô thị liên vùng là yếu tố then chốt. Để làm được điều này, vùng ĐNB cần một cơ chế tài chính khác biệt và một nguồn vốn rất lớn”.
Vì vậy, ngay từ bây giờ, vùng ĐNB cần có quy hoạch cụ thể về mạng lưới đường sắt liên kết vùng, kéo dài về các tỉnh thành. Đồng thời, trong lúc phát triển cần chú trọng cải tạo hành lang đường sông để phục vụ vận tải hàng hóa. Có thể, chúng ta sẽ khai thác nguồn thu từ việc chuyển nhượng đất đai, phát triển đô thị xung quanh các nhà ga để trả nợ cho các tổ chức tài chính đã cho vay ban đầu.
Song song, nhà nước cần huy động thêm nguồn lực từ vé, thuế phí và nguồn thu từ chuyển nhượng đất đai để đầu tư cho hàng loạt tuyến đường sắt đô thị, từng bước khơi thông hạ tầng vùng.
Vì vậy, Trung ương và các địa phương cần tạo cơ chế, nguồn vốn cho vùng ĐNB. Chúng ta có thể kiến nghị với Chính phủ để xin cơ chế từ Quốc hội, Trung ương để những gì TP.HCM đang được hưởng từ NQ98 được áp dụng ngay cho vùng ĐNB.