KỶ NIỆM 24 NĂM THÀNH LẬP BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

Không chấp nhận 'sự im lặng đáng sợ'

Nhân kỷ niệm 24 năm ngày thành lập báo Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với vị trí là một chuyên gia cùng đồng hành với Pháp Luật TP.HCM đồng thời là một bạn đọc thân thiết của báo trong suốt bao năm qua.

Ông Hùng nói: “Pháp Luật TP.HCM được bạn đọc cả nước quan tâm bởi những bài báo nóng, dân sinh, đậm chất pháp lý, nhất là những bài, mảng đề tài đi vào thân phận người bị oan sai, những vấn đề tham nhũng. Đồng thời, báo đã tuyên truyền kiến thức, giáo dục ý thức pháp luật cho toàn dân”.

Tiếp tục đấu tranh, chống tiêu cực

. Phóng viên: Thưa ông, cảm ơn ông đã theo dõi, tin tưởng và có nhiều chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM trong suốt thời gian qua. Bước vào tuổi 25, theo ông tờ báo cần phát huy những thế mạnh nào để tạo dấu ấn, niềm tin cho bạn đọc?

+ Ông Vũ Quốc Hùng: Với tôi, báo cần tiếp tục thực hiện những đề tài chống tham nhũng, tiêu cực, oan sai. Tiếp đó, báo phải phản ánh mọi biểu hiện cửa quyền, quan liêu của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo cơ quan nhà nước. Bởi việc đấu tranh, phản ánh những sai phạm trong cán bộ là một cách xây dựng đất nước thiết thực, thúc đẩy sự minh bạch, dân chủ. Báo phải làm sao để tuyên truyền, giáo dục để mọi người thượng tôn pháp luật. Đồng thời, các bạn cũng cần có những tuyến bài phân tích, góp ý để cải cách hành chính, vấn đề pháp luật, tố tụng…

. Dù báo đã cố gắng nâng chất thông tin nhưng thời gian qua không tránh khỏi một số hạn chế nhất định. Với góc độ một bạn đọc, theo ông Pháp Luật TP.HCM cần phải khắc phục những hạn chế của mình như thế nào?

+ Báo cần giải đáp nhiều hơn nữa yếu tố pháp luật cho nhân dân. Tập trung chỉ ra những chính sách, những văn bản pháp luật chưa hoàn thiện.

Đối với những vấn đề tiêu cực báo nêu, cần phải theo đuổi vụ việc đến cùng hơn nữa. Tôi thấy báo có những loạt bài có tính phát hiện, sau đó thúc đẩy cơ quan chức năng vào cuộc như: Nghi vấn bôi trơn 2,8 triệu USD, những vụ án oan sai, tiêu cực quan chức… Nhưng rõ ràng báo phải đeo bám hơn, quyết liệt bằng mọi cách để phải có kết luận cuối cùng những sự việc người dân trông chờ ở báo. Nếu cơ quan chức năng chưa làm rõ, báo cũng cần thông tin là vì sao cơ quan đó chưa xử lý rốt ráo vụ việc, có bí ẩn, khuất tất gì không trong việc giải quyết vụ việc, vụ án đó. Bạn đọc không chấp nhận “sự im lặng đáng sợ” khi mà báo đã thông tin vụ việc này, vấn đề kia nhưng sau đó không đeo bám đến cùng dẫn đến vụ việc không được giải quyết rốt ráo.

Vì một xã hội thượng tôn pháp luật

. Như ông chia sẻ, bạn đọc không chấp nhận sự lửng lơ, nửa vời trong thông tin nhưng rõ ràng thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị, cá nhân có biểu hiện sai phạm bị phản ánh thường né tránh thay vì mạnh dạn đối thoại. Vậy báo phải dựa vào đâu để truy đến cùng vụ việc?

+ Với tư cách là báo chuyên sâu về pháp luật, báo cần đấu tranh dưới góc độ pháp luật. Mọi vấn đề tiêu cực, những biểu hiện sai phạm báo cần soi xét dưới góc độ pháp luật. Báo phải đấu tranh cho một xã hội thượng tôn pháp luật. Việc các cá nhân, đơn vị có sai phạm né tránh, đối phó báo chí là việc vẫn thường xảy ra. Bởi kẻ tiêu cực không bao giờ ưng việc báo chí phơi bày những cái sai của họ. Nhưng nếu báo quyết liệt đeo bám, làm rõ các chứng cứ hết sức thuyết phục, mổ xẻ nhiều góc độ pháp luật thì vụ việc sẽ dần sáng tỏ. Công cụ của báo chính là pháp luật. Nếu báo dựa vào đó để truy xét thì mọi việc sẽ trở nên được soi sáng hơn, không vị tình.

Đối với các cơ quan nhà nước, cần coi báo chí là một kênh thông tin quan trọng. Nếu báo phản ánh những vi phạm, cái chưa tốt thì cần tiếp thu xử lý chứ không thể né tránh báo chí. Tôi nhận thấy  Pháp Luật TP.HCM cũng đã có nhiều vụ việc đeo bám rất sát. Báo cần phát huy hơn thế mạnh pháp luật, tránh sa đà giật gân, câu khách.

. Ông nhiều lần nhắc đến tính “thượng tôn pháp luật”, phải chăng báo cần phải tập trung hơn nữa yếu tố pháp luật, tinh thần pháp luật thì mới phát huy hiệu quả, tính chiến đấu cho báo?

+ Báo chí phản ánh vấn đề gì cũng phải trên tinh thần pháp luật, đúng đắn, chính xác. Tránh việc thông tin không đúng, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng uy tín cá nhân người bị phản ánh. Nhưng đã là báo pháp luật thì cần có trách nhiệm trong thông tin, có hướng dẫn dư luận dưới góc độ pháp luật. Đấu tranh, phơi bày bất kỳ vụ việc tiêu cực nào cũng phải căn cứ vào góc độ pháp luật. Bởi nếu báo tôn trọng đúng tinh thần pháp luật thì việc phản ánh sẽ hiệu quả.

Nói đến việc phổ biến pháp luật, với “đặc sản” là báo chuyên sâu về pháp luật cần phải đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp mọi người dân tuân thủ pháp luật. Đồng thời, báo cần góp phần giám sát pháp luật, phản biện pháp luật khi có những văn bản chưa đúng thực tiễn cần phải lên tiếng để điều chỉnh. Song song đó, cần tiếp tục phản ánh những cán bộ thực thi công vụ nhưng có biểu hiện vi phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm. Phản ánh sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước là cách giáo dục pháp luật cụ thể, sinh động, sát sườn nhất cho cán bộ - những công bộc của dân lấy đó làm gương, không vi phạm. Vì công bộc của dân là đối tượng được giao quyền nên dễ dàng lạm quyền, vi phạm pháp luật.

Trên tinh thần đó, một khi Pháp Luật TP.HCM còn tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện vi phạm pháp luật trong mọi lĩnh vực thì báo sẽ đứng vững trong lòng bạn đọc, nhân dân.

. Xin cảm ơn ông, chúc ông luôn nhiều sức khỏe.

NGUYỄN ĐỨC thực hiện

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ NGUYỄN VĂN NÊN:

Báo hãy gắn kết, đồng hành với sự phát triển của xã hội


 
Trong thời đại mọi người sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật thì Pháp Luật TP.HCM phải là một trong những tờ báo đi đầu trong lĩnh vực này. Báo đã góp phần xây dựng, hoàn thiện pháp luật nói chung thông qua các phản ánh, phản biện. Để báo tiếp tục phát triển, tôi cho rằng bất cứ hành vi, hiện tượng nào báo vào cuộc cũng đều cần nhìn dưới lăng kính pháp luật. Chẳng hạn, vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông thời gian qua xử lý có đồng bộ không, hợp lòng dân không? Báo cứ lấy thước đo từ pháp luật, lòng dân ra để soi xét văn bản mà cơ quan ban ngành ban hành có phù hợp pháp luật không, có đáp ứng đòi hỏi của xã hội không…

Dịp này, theo tôi Ban Biên tập và tập thể báo cần đánh giá lại mấy mươi năm qua đã làm được và chưa được gì để bước vào tuổi mới phát triển mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ trong hoàn cảnh nào thì báo Pháp Luật TP.HCM cũng không bao giờ “thất nghiệp”, không bao giờ không có việc để làm. Nếu báo có định hướng, có sự gắn kết, đồng hành với sự phát triển xã hội thì các bạn sẽ phát triển bền vững hơn.

Chúc Pháp Luật TP.HCM sang tuổi mới phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần nhiều hơn nữa trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, đồng thời tiếp tục giữ thế mạnh pháp luật riêng của mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới