Không được 'giam' tiền hoàn thuế VAT của doanh nghiệp

(PLO)- Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cho biết đang lao đao, dòng tiền kiệt quệ vì bị ách tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để giải quyết tình trạng ách tắc trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính cần vào cuộc quyết liệt và chỉ đạo ngành thuế tháo gỡ ngay các nút thắt cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp (DN). Bởi việc chậm hoàn thuế tạo ra thách thức rất lớn cho DN trong bối cảnh họ đang gặp khó khăn về dòng tiền.

Ông NGHIÊM MINH TIẾN, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam:

Mong cơ quan thuế tháo gỡ thủ tục nhanh

Để được hoàn thuế VAT sau khi xuất khẩu, DN phải chờ đợi cả năm, thậm chí kéo dài hơn nữa vẫn chưa được giải quyết. Điều này khiến các DN vừa làm vừa lo, gây tốn kém chi phí, thậm chí phải vay ngân hàng để tạm nộp thuế VAT…

Tính đến thời điểm này, số thuế tồn của riêng ngành sắn đã lên đến khoảng 1.000 tỉ đồng (chưa tính rất nhiều ngành khác cũng rơi vào tình trạng tương tự - PV), nếu tính cả thời gian tới còn cao hơn nữa.

Hiệp hội cũng chỉ mới nghe nói Tổng cục Thuế có công văn chỉ đạo các cục thuế, chi cục thuế các địa phương triển khai hoàn thuế ngay theo quy định mà không chờ thông tư hướng dẫn. Còn thực tế chúng tôi cũng chưa đọc được công văn này, cũng chưa có DN hội viên nào báo cáo được hoàn thuế.

Vì vậy, hiệp hội mong muốn các cơ quan thuế thực hiện nhanh tháo gỡ, khơi thông dòng tiền cũng như tạo điều kiện cho DN được hoàn thuế VAT.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành cao su gặp khó khăn do chưa được hoàn thuế VAT. Ảnh: QH

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp ngành cao su gặp khó khăn do chưa được
hoàn thuế VAT. Ảnh: QH

Ông TRẦN QUỐC MẠNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hàng thủ công mỹ nghệ
Việt Nam:

Công ty xuất khẩu diện luồng xanh nên được hoàn thuế nhanh

Hiện nay, nhiều DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu đã và đang làm theo yêu cầu của thị trường thế giới, tức phải truy xuất nguồn gốc và phải là gỗ rừng trồng. Cụ thể, nhiều thị trường nhập khẩu đều đặt ra điều kiện sản phẩm phải được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC). Nếu lô hàng đó không đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì sẽ bị trả lại. Điều kiện này gần như trùng với điều kiện của thủ tục hoàn thuế VAT.

Vì vậy, theo tôi, đối với những công ty lâu nay được vào luồng xanh xuất khẩu đồ gỗ đi thị trường các nước thì hoàn thuế nhanh cho họ. Vì lô hàng đó phải có đầy đủ hồ sơ xuất khẩu, làm tốt khâu truy xuất nguồn gốc thì thị trường nước ngoài mới chấp nhận. Còn với những công ty mới xuất khẩu nhưng chậm được hoàn thuế thì cơ quan thuế cần hướng dẫn họ làm đủ hồ sơ thủ tục về truy xuất nguồn gốc gỗ.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Hồ sơ nào đầy đủ nên hoàn thuế trước, hậu kiểm sau

Tôi cho rằng liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT cần xem xét cả hai phía gồm cơ quan thuế và DN. Về phía cơ quan thuế, xuất phát từ thực tế đã có một số vụ gian lận trong hoàn thuế VAT gây thất thoát cho ngân sách nên họ siết chặt quy định hoàn thuế. Bởi nếu làm sai, chính cán bộ thuế sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, thủ tục hoàn thuế VAT hiện đã khá chặt chẽ, bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo vệ DN tuân thủ đúng quy định. Vì vậy, nếu phía cơ quan thuế có các văn bản, công văn cũng phải dựa theo quy định pháp luật của Luật Quản lý thuế, chứ không được “đẻ” thêm quy định làm khó DN.

Đối với phía DN, cần làm đến nơi đến chốn, trung thực, tuân thủ đúng quy định. Trường hợp cần xác minh thì DN cố gắng cung cấp đầy đủ nhất cho cơ quan thuế.

Về phía các bộ, ngành, cần sớm phối hợp với nhau để tháo gỡ cho DN. Trước mắt, DN nào cung cấp đầy đủ hồ sơ hoàn thuế theo quy định thì cơ quan thuế nên xem xét đẩy nhanh thủ tục hoàn thuế, hậu kiểm sau nếu có vấn đề rủi ro. Ngành thuế không nên kéo dài thời gian xác minh và không nên giam tiền thuế của DN làm ăn chân chính.

Đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn về hoàn thuế

Ngày 5-12 vừa qua, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Bộ Tài chính tháo gỡ vướng mắc đối với việc hoàn thuế VAT cho các DN ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 27/2018 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản thì gỗ có nguồn gốc từ cây phân tán, vườn, rừng trồng trong nước đã đảm bảo về nguồn gốc hợp pháp, không phải xác nhận về nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước… Vì vậy, việc xác minh nguồn gốc gỗ khai thác trong nước theo phương pháp kiểm tra, xác minh thông qua UBND cấp xã và các cơ quan liên quan của cơ quan thuế là chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, theo Văn bản 2124 ngày 22-5-2020 của Tổng cục Thuế xác định các DN và ngành nghề có rủi ro trong việc hoàn thuế VAT, trong đó chỉ đánh giá trên cơ sở các công ty sản xuất và kinh doanh ván dán. Tuy nhiên, hiện nay các DN chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn thuế VAT. Vì vậy, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các DN chế biến, xuất khẩu có uy tín.

“Việc các cơ quan thuế tiến hành xác minh nguồn gốc gỗ của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và giải quyết hoàn thuế VAT kéo dài nhiều tháng đã gây khó khăn cho các DN ngành chế biến, xuất khẩu gỗ” - Bộ NN&PTNT nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm