Không há được miệng sau khi bị cọc nhọn đâm vào chân

(PLO)- Người đàn ông bị uốn ván sau khi bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái gây nhiễm trùng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Ngày 28-10, TS.BS Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết BV mới điều trị thành công cho bệnh nhân 66 tuổi (ngụ huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình) bị uốn ván, sắp ngừng thở, ngừng tim.

Trước khi vào viện 5 ngày, bệnh nhân không may bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái, sau đó vết thương bị nhiễm trùng. Khởi đầu, bệnh nhân bị cứng hàm không há được miệng, không thể ăn uống và ho khạc.

Bệnh tiến triển rất nhanh dẫn đến co cứng toàn thân và xuất hiện các cơn co giật trên nền co cứng. Lúc này, bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu.

TS.BS Hoàng Công Tình trực tiếp điều trị cho bệnh nhân bị uốn ván. Ảnh: BSCC

TS.BS Hoàng Công Tình trực tiếp điều trị cho bệnh nhân bị uốn ván. Ảnh: BSCC

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, sắp ngừng thở, người cứng như khúc gỗ, hai hàm răng cắn chặt, không đặt được ống nội khí quản, co giật toàn thân trên nền co cứng.

Bệnh nhân nhanh chóng được mở khí quản cấp cứu, thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, điều trị và chăm sóc tích cực.

Trong tuần đầu nhập viện, người nhà nhiều lần xin cho bệnh nhân về vì lo ngại bệnh nhân tử vong ở BV. May mắn sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục, được xuất viện

Theo BS Tình, để phòng ngừa uốn ván cần sát trùng vết thương bằng dung dịch sát trùng. Để hở vết thương, không đắp bất cứ thứ gì lên vết thương do vi khuẩn uốn ván chỉ phát triển được trong môi trường kỵ khí.

Tiếp đó, nên sớm đến các cơ sở y tế để được tiêm phòng vaccine uốn ván hoặc huyết thanh trung hòa độc tố uốn ván.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm