GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT TỔ CHỨC TAND

Không nên quy định 'thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan'

(PLO)- Thẩm phán cũng là công chức, mọi công chức khi thi hành công vụ nếu có lỗi khi vi phạm pháp luật (cố ý hoặc vô ý) đều bị xử lý kỷ luật.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo mới nhất (dự thảo 4) quy định: “Thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan” (khoản 5 Điều 102).

Quy định chưa thể hiện tính công bằng

Về các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, Điều 77 Luật Cán bộ, công chức quy định gồm: Phải chấp hành quyết định trái pháp luật của cấp trên nhưng đã báo cáo người ra quyết định trước khi chấp hành; do bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

Như vậy, mọi công chức khi thi hành công vụ nếu có lỗi khi vi phạm pháp luật (cố ý hoặc vô ý) đều bị xử lý kỷ luật. Do đó việc quy định một đặc quyền đối với thẩm phán là “thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan” là không công bằng so với công chức nhà nước khác.

z4714282947667_b9724f9cdbde5171d2d9c23f5f6c51bd.jpg
HĐXX một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Về mặt lý luận, khái niệm lỗi chủ quan chưa có trong lý luận về lỗi trong pháp luật hiện hành. Do đó, xác định nội hàm của lỗi chủ quan như thế nào thì chưa rõ. Về mặt thực tiễn, việc xác định một trường hợp vi phạm pháp luật là lỗi chủ quan là như thế nào cũng không rõ ràng, khó xác định, dẫn đến không thể xử lý được trường hợp thẩm phán ra quyết định, bản án trái pháp luật.

Không phù hợp nguyên tắc chung khi xử lý vi phạm

Ngoài ra, việc dự thảo phân hóa xử lý vi phạm theo dấu hiệu lỗi khi thẩm phán ra bản án, quyết định không đúng pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan là không phù hợp với nguyên tắc chung của pháp luật khi xử lý vi phạm là theo tính chất, mức độ vi phạm (tính nguy hiểm của hành vi vi phạm).

Điều này sẽ dẫn đến sự không hợp lý khi xử lý vi phạm. Chẳng hạn như nếu thẩm phán ra bản án, quyết định gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xác định là do lỗi chủ quan thì không bị xử lý vi phạm. Điều này không đúng với quy định hiện hành về xử lý kỷ luật công chức và xử lý hình sự.

Cụ thể, luật hình sự hiện hành quy định đối với trường hợp ra bản án, quyết định trái pháp luật tại Điều 370, Điều 371 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 khi thẩm phán ra bản án, quyết định mà mình biết rõ là trái pháp luật thì sẽ bị xử lý hình sự. Đối với trường hợp có lỗi vô ý thì có thể bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 BLHS).

Như vậy, với việc quy định thẩm phán nếu ra bản án, quyết định trái pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan là không phù hợp với quy định của BLHS. Điều này cũng tương tự khi xử lý kỷ luật thẩm phán nếu ra bản án, quyết định trái pháp luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Dù không phải lỗi cố ý cũng không thể thoái thác trách nhiệm

Nhiều ý kiến ủng hộ quy định này có lẽ là dựa vào khoản 3 Điều 2 Quyết định 120/2017 của Chánh án TAND Tối cao. Theo đó, bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán là những bản án, quyết định bị hủy, sửa nhưng không thuộc các trường hợp như phát sinh các tình tiết mới, do người tham gia tố tụng thay đổi yêu cầu, do người bị kết án khắc phục hậu quả, do chuyển biến tình hình, do thay đổi pháp luật...

Nhiều ý kiến khác đồng tình với đề xuất vì cho rằng thẩm phán có lỗi khách quan là do quan điểm đánh giá chứng cứ của thẩm phán đó chưa chính xác, việc hiểu và áp dụng pháp luật của thẩm phán với vụ án đó là chưa đúng chứ không phải do cố tình làm sai.

Việc thẩm phán có lỗi do quan điểm đánh giá chứng cứ, việc hiểu và vận dụng pháp luật chưa đúng hay vì năng lực yếu kém (như cho rằng không cần thiết phải tiến hành hoạt động tố tụng đó)… dù không phải cố ý nhưng không thể thoái thác trách nhiệm trong những trường hợp này. Có chăng thì mức độ xử lý đối với những lỗi này sẽ được cân nhắc. Ví dụ, như việc xử lý sẽ nhẹ hơn chứ không thể không truy trách nhiệm được.

Mặt khác, hiện nay số lượng án bị hủy, sửa vẫn còn rất cao nên nếu quy định như vậy sẽ tạo tâm lý chủ quan, giảm tính thận trọng của thẩm phán khi thực thi nhiệm vụ cũng như khi ban hành bản án hoặc quyết định.

Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm