Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Thẩm phán chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan

 (PLO)- Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng chỉ khi nào cố tình làm sai, làm sai lệch hồ sơ vụ án, giả mạo hồ sơ… thì phải chịu trách nhiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 18-9, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Ý kiến khác nhau về việc đổi tên tòa án

Dự thảo luật quy định TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh; TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện. “Ví dụ, TAND phúc thẩm Hà Nội, TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm…” - Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Tiến dẫn chứng.

Ông Tiến khẳng định việc thay đổi nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp nhưng sẽ góp phần thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, khẳng định địa vị pháp lý của tòa án trong nhà nước pháp quyền XHCN.

p6_anh_bai_chanh-an-Nguyen-hoa-binh_dd.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay đa số ý kiến trong ủy ban tán thành quy định nêu trên. Bên cạnh lý do như cơ quan soạn thảo nêu, các ý kiến ủng hộ cho rằng việc đổi tên này không tăng thêm đầu mối, biên chế; không làm xáo trộn về tổ chức cán bộ.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng việc đổi tên các tòa án như dự thảo luật nhưng TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm vẫn gắn với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh; thẩm quyền xét xử và tổ chức của các tòa án vẫn không thay đổi. Do vậy chưa thực sự đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử”.

Ngoài ra, việc đổi tên các tòa án dẫn tới không tương thích với tổ chức của các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (cơ quan điều tra, VKS, cơ quan thi hành án dân sự). Chưa kể việc đổi tên TAND phúc thẩm nhưng tòa án này vẫn có thẩm quyền xét xử sơ thẩm một số vụ án.

Việc thay đổi về tên gọi của cả hai cấp tòa án dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp có liên quan, như các luật tố tụng, luật thi hành án dân sự... Từ đó, đề nghị giữ tên gọi của các tòa án như luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết Ủy ban Pháp luật, VKSND Tối cao đề nghị không đổi tên các tòa án, trong khi Chính phủ và Bộ Công an đề nghị “cân nhắc kỹ lưỡng” việc này.

Tham dự phiên họp, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình dành thời gian làm rõ nhiều vấn đề đang còn ý kiến khác nhau của dự thảo. Tuy nhiên, ông không đề cập tới nội dung “đổi tên” tòa án này.

Đổi tên nhưng không đổi chức năng, nhiệm vụ...

Nêu ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây chỉ là vấn đề kỹ thuật. “Đổi tên nhưng không thay đổi chức năng, nhiệm vụ, điều này đúng với tinh thần Nghị quyết 27. Bộ Chính trị cũng kết luận yêu cầu không tổ chức tòa án khu vực mà vẫn phải tổ chức theo địa giới hành chính. Các đồng chí vẫn dùng tên tỉnh/TP, chỉ thêm chữ sơ thẩm/phúc thẩm thôi, tức là vẫn không thể thoát được tên địa phương” - Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đánh giá giữa chi phí và lợi ích, đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật.

“Riêng khắc lại con dấu đã mệt rồi, tên trụ sở cũng phải thay đổi. Những điều đó có thể thực hiện được nhanh nhưng còn hệ thống pháp luật tương ứng nữa, phải sửa bao nhiêu luật? Nên hay không nên, đề nghị các đồng chí tiếp tục nghiên cứu và lập luận thêm cho thuyết phục” - ông Vương Đình Huệ nói.

Chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan

Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo luật quy định: “Thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy, sửa chỉ phải chịu trách nhiệm khi có lỗi chủ quan”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho hay đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật. Lý do là việc sửa, hủy án liên quan đến quy định về quản lý, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hằng năm và xem xét khi bổ nhiệm lại thẩm phán.

Thẩm phán có nhiều án bị hủy, sửa do năng lực, trình độ không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ hoặc có vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của ngành tòa án. Thẩm phán vi phạm pháp luật trong xét xử kết án oan người vô tội sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành dự thảo luật vì phù hợp với công tác xét xử nói riêng và công tác tư pháp nói chung. “Nhiều trường hợp sau khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, các bên giao nộp chứng cứ mới dẫn tới bản án, quyết định của tòa án cấp dưới bị hủy, sửa. Trường hợp này, thẩm phán không có lỗi và không phải chịu trách nhiệm đối với bản án, quyết định bị hủy, sửa” - ý kiến này lập luận.

Lý giải, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói nội dung này, cơ quan chủ trì soạn thảo “học tập các nước”. Mặt khác, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng quy định người làm sai chỉ phải bồi thường khi có lỗi cố ý.

“Sơ thẩm sai cho phép phúc thẩm sửa cơ mà. Việc sai có thể do hạn chế về chứng cứ, do cách hiểu pháp luật khác nhau... Chỉ khi nào anh cố tình làm sai, làm sai lệch hồ sơ vụ án, giả mạo hồ sơ… thì phải chịu trách nhiệm” - ông Bình nói.

Theo người đứng đầu ngành tòa án, nghị quyết của Quốc hội cho phép 1,5% của 600.000 vụ án được phép sai do lỗi chủ quan, tức là khoảng 9.000 vụ án được phép sai do lỗi chủ quan. “Bây giờ cứ sai là bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc” - ông Bình nói.

Đề xuất “quyền miễn trừ” là chưa phù hợp

Dự thảo cũng quy định: Thẩm phán bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức thông báo để Chánh án TAND Tối cao có ý kiến; việc bị bắt, giam, giữ... thẩm phán thì phải có ý kiến của Chánh án TAND Tối cao. Thẩm phán TAND Tối cao bị bắt, giam, khởi tố… phải có ý kiến của Chủ tịch nước.

Bà Lê Thị Nga cho hay đa số ý kiến trong Ủy ban Tư pháp cho rằng Hiến pháp 2013 không quy định Chủ tịch nước có thẩm quyền nêu trên. Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở… của thẩm phán, kể cả thẩm phán TAND Tối cao đều được thực hiện theo quy định của BLTTHS.

“Việc đề xuất quy định một số “quyền miễn trừ” đối với thẩm phán và thẩm phán TAND Tối cao là chưa phù hợp” - đa số thành viên cơ quan thẩm tra đề nghị không quy định nội dung trên tại dự thảo luật.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng xét xử là hoạt động đặc thù của tòa án, nhân danh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chủ tịch nước cần được biết nếu thẩm phán TAND Tối cao vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, bị khởi tố, bắt giam. Tương tự, Chánh án TAND Tối cao cần được biết nếu thẩm phán có vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, bị khởi tố, bắt giam...

“Đây không phải là quyền miễn trừ” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.

Theo ông, ban đầu dự thảo luật dùng từ “cho ý kiến”. Sau khi tiếp thu ý kiến của Ủy ban Tư pháp, cơ quan soạn thảo sửa lại là “báo cáo” và “thông báo”. “Dùng từ “thông báo” cho Chủ tịch nước thì có gì đó không phù hợp lắm nên chúng tôi dùng từ “báo cáo” Chủ tịch nước. Việc thông báo cho chánh án biết hay báo cáo Chủ tịch nước (người bổ nhiệm) mang ý nghĩa là cơ quan quản lý người đó cần phải biết để phối hợp, chứ không phải là ngăn cản không được bắt” - ông Bình nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm