Không thể hở chút là bắt dân nộp tiền!
Theo tôi, trước khi thực hiện việc thu phí lưu hành phương tiện cá nhân, Bộ GTVT phải công khai những khoản thu “đánh” vào xăng trước đây đã được sử dụng vào những việc gì, hiệu quả như thế nào. Nếu có lúc nó không được sử dụng đúng chỗ thì sẽ là một lãng phí lớn, dễ làm dân mất niềm tin.
Hiện nay, vật giá đang gia tăng, đời sống người dân rất khó khăn. Do phương tiện để mọi người đi làm việc, học hành… chủ yếu là xe gắn máy nên nếu “đánh” thêm khoản phí lưu hành xe cá nhân (từ 500.000 đến 1 triệu đồng/năm) thì có nghĩa là chính quyền đẩy thêm khó khăn cho dân. Theo Bộ GTVT, mục tiêu của việc thu phí không chỉ để giảm ùn tắc giao thông mà còn tạo ra nguồn thu để đầu tư hạ tầng giao thông. Tôi lại cho rằng trong việc bảo dưỡng, mở rộng đường sá…, người dân đã đóng góp cho Nhà nước thông qua việc nộp thuế. Không thể hở chút là bắt dân nộp tiền. Thử hỏi dân đóng bao nhiêu cho đủ khi đường tăng một thì xe cộ đã tăng đến 10 ở mức không kiểm soát nổi?
Người dân vẫn còn băn khoăn về ích lợi của việc nộp phí xe gắn máy. Ảnh: HTD
Vậy nên lý do mà Bộ GTVT đòi thu thêm phí là không chính đáng và bản thân tôi không tán thành. Còn nếu nói thu phí để hạn chế người dân sử dụng xe hai bánh và chuyển sang đi xe công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông thì tôi cũng cho là biện pháp không căn bản. Bởi lẽ từ nhiều năm nay, xe hai bánh là phương tiện đi lại rất thuận lợi của người dân. Nếu buộc phải nộp phí thì người dân sẽ bấm bụng nộp để được tiếp tục sử dụng xe máy chứ không thể nào khác hơn.
Riêng đối với việc thu phí xe ô tô thì tôi đồng ý vì loại xe này không dành cho số đông nên ít gây tác động lớn. Song mức thu theo đề xuất 20-50 triệu đồng/năm là quá cao, cần tính toán lại.
Trước đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng có những quyết đoán được dư luận rất ủng hộ. Nhưng trong buổi giao lưu trực tuyến với nhân dân qua mạng của Cổng thông tin điện tử Chính phủ ngày 12-1, tôi nhận thấy ông rất chủ quan trong việc muốn thu phí lưu hành xe cá nhân và không thuyết phục được dân.
LÊ HIẾU ĐẰNG, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Cần có lộ trình
Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông hiện nay, Nhà nước phải thực hiện một loạt giải pháp như giảm lượng xe mới trên thị trường, dời các bệnh viện, trường ĐH ra ngoại ô, điều chỉnh giờ học, giờ làm v.v… Theo đó, việc thu phí lưu hành xe cá nhân chưa hẳn là giải pháp căn cơ, thậm chí còn thiếu cơ sở khoa học, thể hiện sự chủ quan, nóng vội. Trong điều kiện hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện vận tải công cộng chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp thì việc thu phí lưu hành xe cần có lộ trình chứ không nên triển khai ngay.
Ở TP.HCM hiện nay, đúng là hạ tầng giao thông chưa phát triển đồng bộ với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, chúng ta có quá nhiều tuyến đường có lòng đường hẹp, thậm chí còn không có vỉa hè (như đường Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Thế Hiển…). Trong khi đó có quá nhiều xe taxi hoạt động trong nội thành; xe buýt lưu thông hai chiều trên những tuyến đường chỉ vừa cho một xe; nạn buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường vẫn chưa được giải quyết triệt để… Thế nhưng nếu thu phí thì chính quyền có thể khắc phục ngay những tồn tại này hay câu trả lời vẫn là “từ từ mới tính được”?
Tuy rằng Bộ trưởng Đinh La Thăng nói đã tính toán kỹ, không cào bằng… nhưng theo tôi, Bộ nên sớm công khai đề án thu phí để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trước khi đưa ra lộ trình triển khai.
HOÀNG THỊNH (Phường 9, quận 3, TP.HCM)