Luật sư Nguyễn Văn Hồng, Văn phòng luật sư Hồng Tâm Đức
Luật sư Nguyễn Văn Hồng: "Theo Điều 139 Bộ luật Hình sự (BLHS), dấu hiệu cơ bản định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác. Ý định chiếm đoạt xuất hiện trước, từ đó sử dụng các thủ đoạn khác gây lòng tin nơi người bị hại như: cung cấp thông tin giả, hoặc giấy tờ giả… để vay, mượn, cầm cố hoặc nhận tài sản rồi sau đó chiếm đoạt (đây cũng là dấu hiệu để phân biệt giữa hành vi lừa đảo và hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản).
Tội phạm hoàn thành từ lúc người phạm tội chiếm giữ được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình. Giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên, nếu dưới 2 triệu đồng thì phải thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích.
Căn cứ vào các dấu hiệu cấu thành tội phạm tại Điều 139 BLHS và các tình tiết mà báo nêu, tôi cho rằng không thể xử lý chủ đại lý vé số về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi: Khi hai bên gặp nhau để giao dịch thì chủ đại lý vé số chưa biết người trúng số là bà Tuyết nên cũng không thể có ý định chiếm đoạt tờ vé số này từ trước được.
Có thể xem xét khởi tố ông này về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu cơ quan điều tra chứng minh được rằng: Sau khi nhận được tờ vé số trúng thưởng thì ông này đã đánh tráo (một dạng thủ đoạn gian dối) nhằm chiếm đoạt tờ vé số trúng thưởng. Tuy nhiên, trước đó, qua tố cáo của bà Tuyết, công an đã từng khởi tố vụ án rồi phải đình chỉ điều tra do không xác định được hành vi đánh tráo tờ vé số".
Ông Phúc cho rằng tờ vé số bị cắt dán (số 9) nên không chịu trả thưởng. Tuy nhiên, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an khẳng định tờ vé số mà người nhà bà Nguyễn Thị Tuyết đưa cho ông Ngô Xương Phúc và tờ vé số ông Trần Thanh Phương ký tên vào không phải cùng một. Ảnh: Đ.X.
Trúng số năm năm mới được thừa nhận Ngày 4-4, TAND TP Rạch Giá (Kiên Giang) đã chấp nhận yêu cầu của bà Nguyễn Thị Tuyết (54 tuổi, ngụ xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành), tuyên buộc ông Ngô Xương Phúc (45 tuổi, chủ đại lý vé số Triều Phát, TP Rạch Giá) phải trả 1,5 tỉ đồng cho bà, đồng thời phải chịu toàn bộ chi phí giám định và án phí hơn 75 triệu đồng. Vụ tranh chấp đòi bồi thường cho tờ vé số trúng giải đặc biệt giữa bà Tuyết với đại lý vé số kéo dài gần năm năm, gây xôn xao dư luận bởi những tình tiết phức tạp của vụ việc. Ngày 22-7-2011, bà Tuyết cùng người nhà mang tờ vé số có dãy sáu chữ số “938368” trúng giải đặc biệt trị giá 1,5 tỉ đồng (do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh An Giang phát hành) đến đại lý vé số Triều Phát để đổi thưởng. Sau khi ghi thông tin của bà Tuyết vào phía sau tờ vé số và nhờ ông Trần Thanh Phương (cậu bà Tuyết) cùng ký tên thì ông Phúc bỏ vào hộc tủ. Rồi ông Phúc tuyên bố tờ vé số trúng thưởng và thỏa thuận trả cho bà Tuyết 20 lượng vàng 24K cộng tiền mặt. Lúc chuẩn bị chi tiền, ông Phúc gọi người cháu của mình là Ngô Xuân Bình kiểm tra lần nữa. Vừa cầm lên kiểm tra bằng mắt thường, anh Bình cho rằng đây là tờ vé số giả đã được cắt dán. Từ đây, ông Phúc từ chối trả thưởng. Theo tòa, đại lý Triều Phát đã vi phạm nguyên tắc giao dịch dân sự dẫn đến thiệt hại cho bà Tuyết. Đại lý có lỗi làm cho bà Tuyết không được nhận số tiền 1,5 tỉ đồng như đã thỏa thuận. Trước đó, qua tố cáo của bà Tuyết, Công an tỉnh Kiên Giang đã từng khởi tố vụ án để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng sau đó đình chỉ do không xác định được hành vi đánh tráo tờ vé số nói trên. |