Đi không được, ở không xong!
Khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam ở xã Tân Thới Nhì, Hóc Môn có gần 100 hộ dân sinh sống. Trước khi bị quy hoạch, 925 ha nói trên là đất nông nghiệp. Ông Trần Thời về khu đất này ở đã gần 20 năm. Nhưng gần 10 năm qua, cuộc sống của gia đình ông cũng bị “treo” theo dự án khu Đô thị Đại học quốc tế.
Ông kể, cuối năm 2008 những hộ dân dân canh tác, sinh sống tại khu đất này nhận được thông báo phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng, không được xây dựng và đầu tư mở rộng, không được trồng mới các loại cây ngắn ngày vì trong năm 2009 sẽ tiến hành đền bù, thu hồi đất.
Sau đó, huyện Hóc Môn cử đoàn cán bộ đến đo đạc, kiểm tra, lập biên bản hiện trạng, kiểm kê nhà đất, cây trồng… và yêu cầu mọi người ký vào biên bản để chờ đền bù giải tỏa. Rồi cán bộ huyện Hóc Môn và nhân viên Tập đoàn Berjaya cho đóng cột mốc đề tên “Khu đô thị Đ.H. Quốc tế” quanh khu đất. Tuy nhiên, từ đó đến nay không có động thái gì nữa.
10 năm sống trong khu quy hoạch treo thì có đến phân nửa thời gian, ông Thời phải dùng thau hứng nước mỗi lần trời mưa. “Chúng tôi không được xây nhà mới vì chính quyền không cấp phép. Muốn sửa chữa nhà phải chụp hình gửi ra UBND xã Tân Thới Nhì”, ông Thời nói và cho biết, đường sá, cầu cống trong khu này cũng không được đầu tư.
Từ đường Đặng Công Bỉnh vào đây, người dân góp tiền xây cây cầu tạm chỉ đủ để 2 chiếc xe máy chạy qua. Còn đường thì nắng bụi và mưa sẽ trở nên lầy lội. Bà Lê Thị Mơ cũng cho biết thêm, trước đây nhà ở khu này đông đúc lắm. Nhưng kể từ khi vướng quy hoạch treo, nhiều người đóng cửa rồi qua khu khác thuê nhà đi làm công nhân.
Người dân phải sống tạm bợ vì không được xây dựng nhà mới ở khu Đô thị Đại học quốc tế Việt Nam.
“Năm 2008, chính quyền thông báo phải giữ nguyên hiện trạng và không được trồng mới các loại cây ngắn ngày nên ai cũng nghĩ sắp giải tỏa và bỏ đất không. Giờ cỏ mọc um tùm, chỉ có mua bò về thả chứ có trồng cây gì hoa màu được nữa đâu”, bà Mơ nói.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra ở khu Đô thị đại học ở phường Long Phước, quận 9, TP. HCM. Người dân ở đây muốn chuyển chỗ ở, bán nhà để chữa bệnh cũng không được vì chẳng ai dám mua. Có người mua thì giá cũng rất rẻ. Giờ muốn ở cũng không được vì nhà đã hư hỏng nặng mà muốn đi thì bán cũng không được.
“Quy hoạch treo khiến cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Xây dựng mới không được, tách thửa không được, chuyển đổi mục đích sử dụng không được, chia nhà đất cho con cái cũng không được, thế chấp ngân hàng thì bị định giá rất thấp…”, ông Nguyễn Văn Thế nói.
Xem xét rút giấy phép
Đầu tháng 9, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát dự án khu Đô thị đại học quốc tế Việt Nam, thuộc khu đô thị Tây Bắc và tìm cách giải quyết theo 2 phương án: Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư là Tập đoàn Berjaya của Malaysia trong việc triển khai dự án hoặc thu hồi giấy phép.
Còn tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong với quận 9 về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh 8 tháng đầu năm 2016, bà Đặng Thị Hồng Liên, Chủ tịch UBND quận 9 cho rằng, các dự án trong khu Đô thị đại học đều có quy mô lớn. Do đó ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống người dân nếu dự án kéo dài không thực hiện.
“Quận 9 kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các sở, ngành rà soát nhu cầu đầu tư và quy mô đầu tư để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án và đảm bảo cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nêu trên”, bà Liên nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ nghe lại các sở, ngành báo cáo và sớm có chỉ đạo về vấn đề này. Nếu dự án được giao lâu rồi vẫn chưa thực hiện thì phải thu hồi theo quy định. Theo ông Phong, tổng diện tích gần 200 ha là không ít, nếu cứ để “treo” lâu thì đời sống người dân càng khó khăn hơn và dễ dẫn đến bức xúc.