Ngày 13-6, TAND TP Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây thất thoát hơn 1.800 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Tây Đô – Cần Thơ (VCB Tây Đô) đối với 11 bị cáo.
Một tình huống đáng chú ý là tại tòa bị cáo Võ Vũ Bình yêu cầu thay đổi một trong ba kiểm sát viên (KSV) là ông Đặng Quốc Việt với lý do ông Việt có giọng nói và âm giọng rất khó nghe.
Sau khi hội ý, toà cho rằng KSV nói tiếng Việt, giọng địa phương nhưng không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử. Bị cáo Bình không nêu ra được căn cứ KSV không vô tư khách quan trong khi thực hiện nhiệm vụ nên không chấp nhận yêu cầu của Bình.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, ThS Trần Thanh Thảo (giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 29 BLTTHS năm 2015, trong quá trình tiến hành tố tụng tại phiên tòa, tiếng nói được người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng sử dụng phải là tiếng Việt.
Riêng đối với KSV, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, phiên họp của tòa án thì lời nói của KSV phải rõ ràng, dứt khoát, lịch sự, đúng mực, tiếng nói vừa đủ nghe, không quá nhanh, không quá chậm. Đồng thời, ngôn ngữ mà KSV sử dụng phải thật chuẩn xác, không nói ngọng, không nói lắp.
Bị cáo Bình - người có yêu cầu thay đổi KSV vì cho rằng vị này nói giọng khó nghe. Ảnh: Nhẫn Nam
Tuy nhiên, nếu KSV sử dụng tiếng Việt và không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 52 BLTTHS năm 2015 (về việc thay đổi KSV, kiểm tra viên) thì không có căn cứ để yêu cầu thay đổi KSV tại phiên tòa hình sự. Việc KSV nói giọng địa phương nhưng ngôn ngữ vẫn chuẩn xác, không thuộc trường hợp nói ngọng, nói lắp được xem là không ảnh hưởng đến việc xét hỏi, luận tội và tranh luận trong quá trình xét xử vụ án.
Đồng tình, luật sư (LS) Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) phân tích thêm căn cứ vào Điều 61, Điều 50 BLTTHS 2015 thì bị cáo có quyền yêu cầu thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trong trường hợp cụ thể này thì bị cáo Bình yêu cầu thay đổi KSV Việt.
Tuy nhiên với lý do mà bị cáo đưa ra, đối chiếu với quy định tại Điều 52 BLTTHS thì không thuộc trường hợp nào, nên không thể chấp nhận yêu cầu của bị cáo về việc đề nghị thay đổi đối với KSV.
Còn theo ThS Lưu Minh Sang (giảng viên trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) nếu KSV có giọng nói khó nghe có thể sẽ ảnh hưởng nhất định đến quyền của bị cáo. Tại phiên tòa, bị cáo có quyền được giải thích rõ quyền và nghĩa vụ, được tranh luận với KSV, quyền được được tự bào chữa,…
Những quyền này khó thực hiện trọn vẹn nếu như bị cáo không nghe rõ được KSV nói gì, đặc biệt với những KSV có giọng nói mang âm hưởng địa phương quá nặng hoặc dùng quá nhiều từ ngữ địa phương.
“Không nhất thiết phải bổ sung vấn đề nêu trên vào quy định của BLTTHS vì nó rất dễ bị lạm dụng cũng như mang tính chất nhạy cảm vùng miền nhưng để khắc phục vấn đề, tôi cho rằng cần phải điều chỉnh bổ sung những tiêu chuẩn đối với KSV. KSV cần phải có kỹ năng tranh biện, hùng biện, phải có giọng nói rõ ràng, không nói lắp, nói ngọng hay dùng từ địa phương,...để đảm bảo các quyền của bị cáo cũng như thể hiện sự uy nghiêm của pháp luật”- ThS Sang, đề xuất.