Đặc biệt, tiêu chuẩn đầu vào của các mặt hàng thực phẩm tươi sống khi muốn được đưa vào kinh doanh tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung về yếu tố sản phẩm.
Chẳng hạn, về ngoại quan, bên ngoài sản phẩm phải đạt độ tươi phù hợp, phải chuyển đến siêu thị trong vòng 8-36 giờ kể từ thời điểm thu hái, đánh bắt và phải được bảo quản trong điều kiện tối ưu. Sản phẩm không được cấn dập, hư hỏng, không côn trùng, không nhiễm tạp chất, kích cỡ đạt chuẩn…
Đáng chú ý, trong bộ tiêu chuẩn mới của Saigon Co.op lần này là tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm. Ví dụ, các loại trái cây, rau, củ quả như bưởi, dưa hấu, xoài, quýt, cà chua, dưa leo, khổ qua... bắt buộc phải đạt độ trưởng thành, độ chín phù hợp mới được đưa vào kinh doanh trong siêu thị.
Người dân tìm mua hàng tại siêu thị chuẩn bị cho những ngày tết. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Tiêu chí này vừa đảm bảo chất lượng và độ ngon của sản phẩm, vừa hạn chế tối đa việc sản phẩm bị thu hoạch non hay dùng thuốc tăng trưởng. Bên cạnh đó, Saigon Co.op đã bắt đầu tăng tần suất, kiểm soát chất lượng hàng hóa lên 2-4 lần so với trung bình sáu tháng đầu năm. Vào cao điểm hai tháng cận tết dự kiến sẽ tăng tần suất lấy mẫu lên gấp 8-10 lần so với quy chuẩn hiện nay” - ông Kiên cho hay.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tiển, Phó Giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, khẳng định công ty đã thành lập tổ kiểm tra ATTP tại cơ sở và thường xuyên kết hợp với Ban ATTP TP.HCM kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập chợ rất chặt chẽ.
Chẳng hạn, quy trình nhập thịt heo mảnh được thực hiện như sau: Heo mảnh được vận chuyển bằng xe chuyên dụng, có vòng niêm phong của cơ quan thú y đối với heo liên tỉnh. Mỗi mảnh heo đều được đeo vòng nhận diện, thực hiện nghiêm đề án quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP. Do đó, 100% thịt heo nhập chợ đều truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo quy chuẩn của ngành thú y, ATTP trước khi nhập chợ.
“Riêng đối với rau, củ quả, trái cây trong nước thì phải có biên lai mua hàng và khi nhập vào chợ phải ghi vào sổ mua hàng. Đối với hàng nhập khẩu phải có tem phụ bằng tiếng Việt, phải có bộ chứng từ kèm theo…” - ông Tiển cho biết thêm.
Còn theo ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vissan, ngay từ khâu thu mua - sản xuất - dự trữ đã được tăng cường giám sát, ngăn chặn và hạn chế tối đa các sự cố có thể phát sinh về ATTP dịp tết. Bên cạnh đó, công ty chuẩn bị đội xe chuyên dụng vận chuyển hàng thịt tươi sống và sản phẩm chế biến đến các điểm phân phối được trang bị phù hợp với từng nhóm chủng loại sản phẩm và đảm bảo các điều kiện vệ sinh.
“Đặc biệt, có hai đơn vị quản lý nhà nước độc lập đóng tại công ty là Chi cục Thú y TP và Ban ATTP kiểm tra nguồn hàng nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra nên người dân yên tâm chất lượng nguồn hàng” - ông Dũng khẳng định.
Tăng cường công tác quản lý giá cả, đảm bảo an toàn thực phẩm Sở Công Thương TP.HCM cũng cho hay đảm bảo ổn định giá cả trước, trong và sau tết đối với các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP, sở sẽ phối hợp với UBND 24 quận, huyện, các lực lượng chuyên ngành… quán triệt tiểu thương, người kinh doanh cam kết 100% không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc. Đồng thời, đề nghị BQL các chợ truyền thống tăng cường công tác quản lý giá cả, chất lượng hàng hóa; vận động tiểu thương tham gia bán hàng bình ổn, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, không để hiện tượng nâng giá các mặt hàng thiết yếu trong những ngày cận tết. “Chúng tôi cũng triển khai các biện pháp như kiểm tra hoạt động phân phối, thu mua hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài, các hành vi đầu cơ, găm hàng. Qua đó nhằm tránh gây xáo trộn thị trường trong nước, đảm bảo ATTP” - đại diện Sở Công Thương nhấn mạnh. |