Tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 5-6, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết đầu năm NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 18%. Qua theo dõi, NHNN nhận thấy tín dụng có sự tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, tính đến ngày 25-5, tăng trưởng tín dụng ở mức 6,53%, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 5% và năm 2015 là 4,5%. Đây cũng là mức tăng cao nhất tám năm qua.
Phó Thống đốc cho biết tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời tín dụng bất động sản đã chậm lại so với năm 2016, trúng mục tiêu điều hành. Cơ cấu tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Tín dụng có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Trong ảnh: Khách hàng đang làm thủ tục vay vốn. Ảnh: HTD
“Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN cũng đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng quản lý rủi ro tín dụng. NHNN đã chỉ thị các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tỉ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, cho vay lĩnh vực bất động sản, các khoản tín dụng cho vay dự án BT và BOT” - bà Hồng cho biết.
Cũng theo Phó Thống đốc, NHNN không đưa ra lệnh cấm hay ngưỡng đối với cho vay các dự án BT, BOT. Song cần cân đối sử dụng vốn hợp lý để vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn hệ thống.
Về nợ xấu, bà Hồng cho hay NHNN đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về việc xử lý nợ xấu và sửa đổi, bổ sung về Luật Các tổ chức tín dụng. Điều này nhằm tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy việc xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả hơn. Mục tiêu chính của nghị quyết là xử lý triệt để được nợ xấu.
“Đồng thời tiếp đến xây dựng thị trường mua bán nợ theo kinh nghiệm trên thị trường thế giới. Theo đó cho phép Công ty Mua bán nợ các tổ chức tín dụng (VAMC) bán các nợ xấu và tài sản bảo đảm theo giá thị trường và theo quy định của pháp luật, kể cả bán dưới giá trị sổ sách; cho phép VAMC mua các khoản nợ xấu cả nội và ngoại bảng; được phép chuyển đổi từ các khoản nợ xấu đã được mua bằng trái phiếu VAMC chuyển đổi sang nợ được mua bán trong thị trường. Đặc biệt VAMC được bán nợ cho mọi tổ chức, cá nhân liên quan. Trong đó, bên mua có quyền nhận thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với các khoản nợ vay có tài sản bảo đảm. Đây là điểm gây ách tắc trong việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua” - bà Hồng nhấn mạnh.
Trước đó, nhiều chuyên gia ủng hộ quan điểm cần có nghị định xử lý nợ song không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu và phải quy trách nhiệm nghiêm khắc với người, tổ chức đã gây ra nợ xấu.
Báo cáo do Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng trình bày trước kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV cho thấy tính đến 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỉ lệ này sẽ là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc bán nợ xấu phải theo nguyên tắc thị trường nhưng phải đấu giá công khai, minh bạch. “Không thể tài sản người ta trị giá 1 tỉ đồng mà chỉ định giá có 600, 700 triệu đồng. Khi chấp nhận nguyên tắc thị trường trong việc bán nợ xấu thì giá có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá trị ghi sổ. Đây là vấn đề giải quyết nút thắt xử lý nợ xấu” - bà Ngân nhấn mạnh. |