Vụ kiện dân sự “yêu cầu mắc đường dây tải điện qua bất động sản liền kề” này xảy ra ở xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, Bến Tre, giữa nguyên đơn là ba chị em và bị đơn là người anh con bác ruột, cũng là hàng xóm của ba người này.
Tòa buộc bị đơn phải cho nguyên đơn kéo điện
Theo đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Lực Sĩ, bà Nguyễn Thị Lệ Hồng và Nguyễn Lệ Thanh thì nhiều năm qua họ chịu cảnh khổ vì không có điện sử dụng. Các hộ này đã xin kéo dây điện ngang qua phần đất của bị đơn Nguyễn Sơn Hà (là anh con bác ruột của họ, nhà ở kế bên) để vào nhà mình nhưng bị đơn không cho. Vì vậy, các hộ này đã yêu cầu TAND huyện Chợ Lách tuyên buộc ông Hà phải cho mắc đường dây tải điện qua phần đất vườn trồng chôm chôm của ông Hà để họ có điện sinh hoạt.
Tuy nhiên, ông Hà không đồng ý cho các hộ này mắc đường dây điện qua đất của ông vì trước đây giữa hai gia đình có nhiều mâu thuẫn nghiêm trọng. Mặt khác, ngoài đường điện kéo qua phần đất của ông, các nguyên đơn còn có thể mắc đường dây điện qua ba hướng khác mà không đi qua phần đất của ông Hà.
Ngày 30-6, TAND huyện Chợ Lách đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này. Tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn, buộc ông Hà phải cho các nguyên đơn mắc đường dây tải điện dài 10,9 m qua phần đất của bị đơn để kéo điện sang các hộ của nguyên đơn. Vì theo tòa, dù có nhiều hướng kéo điện sang nhà của các nguyên đơn nhưng việc kéo đường điện theo hướng qua phần đất của ông Hà là hợp lý nhất.
Ông Nguyễn Sơn Hà không muốn cho ba người em con chú ruột kéo dây điện qua mảnh vườn của mình. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Phải thi hành vì án đã có hiệu lực
Theo ông Hà, sở dĩ ông không cho các nguyên đơn kéo đường điện ngang qua phần đất mình vì trước đây giữa hai gia đình có mâu thuẫn rất lớn. Ông Hà kể hơn 20 năm trước, cũng vì tranh chấp đất đai mà một người ở phía nguyên đơn đã đánh ông chấn thương sọ não. Người này đã bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích nhưng đến nay vẫn chưa bồi thường dân sự cho ông.
Ông Hà cho biết ông không đồng ý với phán quyết của tòa sơ thẩm. “Do tôi bị bệnh, thiếu hiểu biết pháp luật, gia đình đơn chiếc, phải nhờ người cháu nhận bản án và nộp đơn kháng cáo thay nhưng đến ngày nộp đơn kháng cáo thì đã quá hạn. TAND tỉnh đã không chấp nhận trường hợp kháng cáo quá hạn của tôi” - ông Hà nói.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Phú Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Chợ Lách, cho biết đúng là phần bồi thường dân sự 7,5 triệu đồng trong bản án hình sự trước đây mà ông Hà trình bày vẫn chưa được thi hành. Lý do là người phải THA khó khăn, chưa có điều kiện thi hành. Mới đây, cha của ba nguyên đơn nói trên đã đến cơ quan THA cam kết sẽ nộp số tiền này thay cho con ông.
“Đối với bản án sơ thẩm của TAND huyện Chợ Lách vừa tuyên xử buộc ông Hà phải cho các nguyên đơn mắc đường dây tải điện qua phần đất của ông Hà, các nguyên đơn đã gửi đơn yêu cầu THA. Theo quy định pháp luật, Chi cục THADS huyện sẽ thụ lý và ra quyết định đối với việc THA này” - ông Nguyễn Phú Đức cho biết.
Tòa tuyên án phù hợp với BLDS Vụ án này, về nội dung tranh chấp thì mới, vì trước giờ tôi chưa gặp cũng chưa nghe có khiếu kiện tương tự nhưng về quy định pháp luật điều chỉnh quan hệ này thì lại không mới. Quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản liền kề được ghi nhận từ BLDS 2005 (Điều 276), đến BLDS 2015 quy định này tiếp tục được giữ lại tại Điều 255. Theo đó, chủ sở hữu bất động sản có quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác một cách hợp lý nhưng phải đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong vụ án này, Tòa án huyện Chợ Lách, Bến Tre nhận định “dù có nhiều hướng kéo điện sang nhà của các nguyên đơn nhưng việc kéo đường điện theo hướng qua phần đất của bị đơn là hợp lý nhất”, từ đó tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Đây là nhận định có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Do đặc thù của các vùng nông thôn, việc người này kéo dây điện qua nhà đất của người khác rất phổ biến. Thông thường, người dân dễ dàng hỗ trợ nhau chứ không khắt khe, gây khó dễ làm gì. Tuy nhiên, trong vụ án này, ông Hà không cho kéo dây điện qua là cũng có cái lý riêng của ông ấy. Nay án tòa đã có hiệu lực thì ông Hà buộc phải chấp hành. Một thẩm phán tại TP.HCM |