Kiến nghị chưa phạt xe không chính chủ

Thông tư 12 của Bộ Công an đã tạo ra cơ chế thông thoáng để người dân thực hiện việc sang tên cho những xe mua bán qua nhiều đời chủ (Pháp Luật TP.HCM ngày 8-3). Nhưng trước đó, Thông tư 11 cũng của bộ này lại “siết” bằng quy định: Xử phạt lỗi không chuyển quyền sở hữu từ ngày 15-4.

Vừa mở

Theo Thông tư 12, từ ngày 15-4-2013 đến 31-12-2014, những xe mua bán qua nhiều đời chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng sẽ được cấp đăng ký lại theo thủ tục đơn giản. Hồ sơ chỉ cần: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) có cam kết của người đang sử dụng, có xác nhận của công an cấp xã nơi người đang sử dụng thường trú. Kèm theo đó là chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe của cơ quan thuế và giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe. Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do.

Các trường hợp đăng ký sang tên, di chuyển xe từ tỉnh này sang tỉnh khác thì phải chuẩn bị hai bộ hồ sơ. Đầu tiên, người đang sử dụng xe đến cơ quan đăng ký ghi trong giấy chứng nhận đăng ký xe để nộp hồ sơ. Sau khi rút được hồ sơ gốc thì đến cơ quan đăng ký xe nơi mình thường trú để nộp hồ sơ đăng ký xe.

Kiến nghị chưa phạt xe không chính chủ ảnh 1

Tới đây, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn khi đăng ký các xe đã mua bán lòng vòng qua nhiều đời chủ. Trong ảnh: Làm thủ tục đăng ký xe tại TP.HCM. Ảnh: HTD

“Thông tư 12 ra đời tạo điều kiện thuận lợi để người dân đăng ký cho các xe vốn đã mua bán lòng vòng qua nhiều đời chủ” - Đại tá Trần Thế Quân, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Công an), nói.

Đã gặp rào cản

Thông tư 12 tạo điều kiện thuận lợi cho việc sang tên, đổi chủ nhưng Thông tư 11 lại tạo ra rào cản khi quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Cụ thể, từ ngày 15-4, thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; qua điều tra, giải quyết TNGT; qua việc tạm giữ phương tiện vi phạm…, nếu CSGT phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên thì sẽ xử phạt. Theo Nghị định 71/2012, mức phạt cho hành vi trên là 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng đối với xe máy và 6-10 triệu đồng/ô tô.

Một lãnh đạo Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng với quy định trên thì sau 15-4, các xe mua bán qua nhiều đời chủ hay xe mua bán đã quá 30 ngày khi đi làm thủ tục sang tên, đổi chủ vẫn sẽ bị phạt.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho rằng: Quy định như trên rất dễ dẫn đến tình trạng người đang sử dụng xe không chính chủ sẽ không vội đưa xe đi làm thủ tục sang tên ngay sau khi Thông tư 12 có hiệu lực (15-4). Trái lại, họ sẽ đợi cho đến khi nghị định xử phạt vi phạm giao thông mới ra đời (dự kiến là tháng 7) rồi mới đi sang tên đổi chủ, bởi mức phạt khi đó sẽ thấp hơn rất nhiều (hiện dự thảo đề xuất là 100.000-200.000 đồng/xe máy và 2-4 triệu đồng/ô tô).

“Theo tôi, Bộ Công an nên tiếp tục có hướng dẫn dừng xử phạt lỗi không chính chủ để tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc sang tên đổi chủ theo Thông tư 12. Đến sau ngày 31-12-2014, nếu người dân vẫn chưa đi thực hiện việc sang tên thì mới bị phạt” - ông Hùng kiến nghị.

Được biết hiện một số thành viên Ban soạn thảo và các bộ, ngành có ý kiến đề xuất dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm giao thông mới nên lùi thời gian xử phạt lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện cho đến khi người dân hoàn thành việc sang tên đổi chủ theo Thông tư 12. Sau thời điểm đó, nếu cá nhân và tổ chức nào vi phạm thì mới bị xử phạt.

Kiến nghị chưa phạt xe không chính chủ ảnh 2

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm