Theo Thông tư 160/2013 của Bộ Tài chính, kể từ 1-1-2014, mọi loại rượu mua bán, lưu hành trên thị trường Việt Nam (kể cả rượu đế - PV) đều phải dán tem. Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM trong ngày 31-12 cho thấy người nấu rượu cũng như cơ quan quản lý đều lúng túng với những quy định này.
Chỉ nghe phong phanh
Bà Nguyễn Thị Biệu (Hóc Môn, TP.HCM) cho biết bà nấu rượu đến nay tròm trèm 40 năm. “Tôi có nghe phong phanh thông tin rượu thủ công phải dán tem, nếu không sẽ bị phạt. Nhưng dán tem phải dán nguyên chai trong khi lối xóm có người chỉ mua lẻ vài ngàn đồng. Lại còn phải đăng ký lượng tem sử dụng, báo cáo số tem đã dùng... Tôi cũng muốn làm theo quy định nhưng khó quá” - bà Biệu than.
Tương tự, anh Phùng Văn Điền (TP Cần Thơ) nói: “Nhà nước quy định như vậy để hạn chế rượu giả gây nguy hiểm cho người sử dụng nhưng tôi thấy chỉ phù hợp hãng lớn, quy mô chứ gia đình nấu bán nhỏ lẻ lấy đâu ra tem mà dán?”.
Những hộ dân nấu rượu thủ công muốn mua tem rượu cũng khó vì vướng quy định về giấy phép. Ảnh: TRẦN NGỌC
Đồng ý với quy định rượu phải dán tem để dễ quản lý nhưng ông Nguyễn Hữu Tuấn (Bình Tân, TP.HCM) nấu rượu đã hơn 30 năm trần tình: “Những lò nấu rượu thủ công đa phần nhà cửa cố định, lại bán cho bà con thân quen nên không dám làm ẩu. Nếu dán tem thì giá rượu sẽ đội lên, thiệt cho người mua vốn là bà con nghèo”. Ông Tuấn cũng biết người nấu rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh phải xin giấy phép sản xuất rượu (khoản 2 Điều 6 Thông tư 39/2012/TT-BCT - PV) nhưng “hồ sơ rườm rà, lại còn thuế má nên tôi ngần ngại”.
Quy định tréo ngoe nên vướng
Ông Phan Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn (TP.HCM), cho biết không dễ để những hộ sản xuất rượu thủ công xin được giấy phép nên việc dán tem rượu chưa thể thực hiện vào thời điểm này.
Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, cho biết: Thông tư 160 quy định tem rượu chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu, giấy phép kinh doanh phân phối sản phẩm rượu. Mặt khác, Thông tư 39/2012 của Bộ Công Thương quy định muốn được cấp giấy phép sản xuất rượu phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong khi theo Quyết định 200/2004 của UBND TP, cơ sở sản xuất rượu thủ công tại TP.HCM không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không thể được cấp giấy phép sản xuất rượu. “Do vậy, cơ sở sản xuất rượu thủ công muốn thực hiện nghiêm túc việc dám tem rượu cũng khó vì vướng các quy định nói trên” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cơ quan chức năng sẽ thực hiện việc kiểm tra dán tem rượu theo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quản lý thị trường sẽ ghi nhận những vướng mắc để kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.
Kiến nghị lùi thời hạn thêm ba tháng
Qua khảo sát thực tế, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu gặp nhiều khó khăn do thời gian gấp gáp, lượng hàng hóa trong kho nhiều nên khâu kiểm kê gặp vướng mắc. Một số cửa hàng, đại lý yêu cầu trả lại hàng hóa cho đơn vị sản xuất để dán tem nên doanh nghiệp càng gặp khó khăn hơn và không đáp ứng được thời hạn quy định. Ông Trần Anh Thuy, Giám đốc Công ty CP Rượu Phú Lễ (Bến Tre), cho biết hệ thống Co.opmart thông báo nếu công ty không bổ sung dán tem cho các sản phẩm rượu đang có ở siêu thị sẽ bị trả lại. Dù tem đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng công ty cần có thời gian và sự phối hợp, hỗ trợ từ phía siêu thị để đảm bảo sản phẩm có tem đúng quy định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 31-12, ông Bùi Trường Thắng, Vụ phó Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết Bộ Công Thương đã đề xuất phương án xin gia hạn thời gian dán tem rượu đến 1-4-2014. Quyết định cuối cùng sẽ chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.
Tuy nhiên, theo một nguồn thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào cho phép lùi, hoãn thời gian thực hiện quy định Thông tư 160.
Hiện Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Thuế chịu trách nhiệm cấp tem rượu cho Cục Thuế các tỉnh, TP. Các đơn vị này có trách nhiệm tổ chức bán tem rượu sản xuất trong nước cho các tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu. Bên cạnh đó, từ 1-1-2014, tem rượu nhập khẩu sẽ chuyển từ hình thức ấn chỉ cấp phát không thu tiền sang ấn chỉ thu tiền với giá 520 đồng/con tem.
Không dán tem sẽ xử lý như hàng giả Điều 8 Thông tư 160/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước thuộc loại phải dán tem nhưng không dán tem hoặc dán tem không đúng quy định, dán tem giả đều bị coi là hàng hóa vi phạm và bị xử lý theo quy định về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái”. |
TRẦN NGỌC - TRÀ PHƯƠNG