Kiện Nhà nước đòi bồi thường vì có giấy chứng nhận mà không có đất

(PLO)- Thiệt hại của nguyên đơn không phải từ quyết định cá biệt cấp giấy chứng nhận trái pháp luật nên không có quyền kiện đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

TAND TP Cần Thơ vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ kiện tranh chấp đòi bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giữa nguyên đơn là vợ chồng ông P, bị đơn là UBND TP Cần Thơ, UBND quận Ninh Kiều, Sở TN&MT.

HĐXX đã chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ), đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện về việc yêu cầu UBND TP Cần Thơ đại diện bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Chuyển nhượng đất trên giấy

Năm 2001, vợ chồng ông P nhận chuyển nhượng một lô đất có diện tích 84 m2 tại khu Trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) của vợ chồng ông N. Đất này ông N được UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quyết định ngày 26-6-2001, cấp GCN QSDĐ vào tháng 9-2001.

kiện ủy ban đòi bồi thường
Nguyên đơn nhận chuyển nhượng nền đất trong khu Trung tâm thương mại Cái Khế đúng pháp luật nhưng thực tế không có đất. Ảnh minh họa: NHẪN NAM

Các bên đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thuế và được Sở Địa chính tỉnh Cần Thơ (cũ) xác nhận, chỉnh lý sang tên vào tháng 1-2002. Sau đó, vợ chồng ông P chuyển nhượng lại cho một người khác. Do không trả đủ tiền nên người này chuyển nhượng lại cho ông bà; Sở TN&MT đã xác nhận, chỉnh lý lại tên ông bà vào năm 2005.

Ngoài ra, ông bà còn thế chấp phần đất này bảo lãnh cho một khoản vay. Vì người vay không trả được nợ nên ngân hàng khởi kiện. Tòa đã ra quyết định công nhận thỏa thuận trả nợ. Khi ông P cắm biển bán đất để trả nợ thì mới phát hiện… không có đất.

Đến năm 2015, UBND TP Cần Thơ có công văn kết luận chưa có việc giao đất (do chưa giải tỏa được) nên chưa đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định pháp luật. Việc chỉnh lý sang tên từ ông N sang ông P, từ ông P sang người khác và từ người này lại chỉnh về tên ông P là trái pháp luật…

Vợ chồng ông P đã khởi kiện yêu cầu hủy GCN cấp cho ông N năm 2001, chỉnh lý sang tên ông P năm 2005; yêu cầu UBND TP Cần Thơ bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước một nền đất khác có giá trị tương đương (khoảng 7,5 tỉ đồng).

Phía bị đơn là UBND TP Cần Thơ, Sở TN&MT và UBND quận Ninh Kiều đều trình bày không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.

Ông N được Nhà nước công nhận và xác lập quyền qua việc cấp giấy chứng nhận nhưng thực chất không có đất nên mới có quyền yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Ông N mới có quyền đòi bồi thường

HĐXX nhận định: Qua rà soát toàn bộ trình tự cấp GCN QSDĐ đã xác định được việc cấp giấy là trái quy định pháp luật. Do ông N đã chuyển nhượng đất cho ông P nên UBND TP Cần Thơ không ban hành quyết định thu hồi GCN đã được cấp trái pháp luật trong trường hợp này là đúng quy định, yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc hủy giấy là có căn cứ chấp nhận.

Về yêu cầu bồi thường, tòa cho rằng tháng 9-2001, ông N được Nhà nước cấp GCN QSDĐ. Tuy nhiên, tháng 11-2001, Ban quản lý chợ Cần Thơ đã có thông báo về việc chưa giải quyết giao nền cho ông N. Như vậy, thực tế ông N biết mình chưa có nền đất nhưng vẫn chuyển nhượng cho vợ chồng ông P vào tháng 12-2001 là vi phạm khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai năm 1993; vi phạm các quy định theo BLDS năm 1995 tại khoản 2 Điều 131 về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, Điều 137 về giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, một số quy định về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ…

Do đó, giao dịch này vô hiệu theo Điều 131, không làm phát sinh nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập giao dịch theo Điều 146 BLDS năm 1995. Vợ chồng ông P có quyền khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông N bồi thường thiệt hại về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ bị vô hiệu.

Ông N được Nhà nước công nhận và xác lập quyền qua việc cấp GCN nhưng thực chất không có đất. Do ông N là người bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp nên mới có quyền yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Thiệt hại không xuất phát từ quyết định của Nhà nước

Vợ chồng ông P nhận chuyển nhượng đất từ ông N trong khi ông N chưa được giao đất, tức là hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu ngay từ khi xác lập do đối tượng không thể thực hiện được. Quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông P bị xâm phạm, bị thiệt hại xuất phát từ việc ký kết hợp đồng vô hiệu, không phải từ quyết định cá biệt cấp GCN trái pháp luật nên không có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Việc tòa thụ lý yêu cầu bồi thường Nhà nước là chưa phù hợp điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015. Vì vậy, căn cứ điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 cần đình chỉ yêu cầu khởi kiện này. Nguyên đơn có quyền kiện ông N tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng phần đất nêu trên để đòi bồi thường thiệt hại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm