Kinh hãi nghề dọn rác ở Ấn Độ

Công nhân vệ sinh lẽ ra là một nghề đáng để tự hào vì làm sạch đẹp cho phố phường, nhưng đấy lại là nghề bị chán ghét và không ai muốn làm.

“Giờ thì tôi quen rồi”

Người ta gọi họ là công nhân vệ sinh, những người dọn rác và “chất thải” ở những nơi không có hệ thống nhà vệ sinh.

Mặc dù Quốc hội Ấn Độ đã thông qua Đạo luật tuyển dụng công nhân vệ sinh và xây dựng nhà vệ sinh từ năm 1993 và củng cố lệnh cấm năm 2003, hội đồng thành phố vẫn tiếp tục thuê những công nhân vệ sinh làm việc theo chế độ hợp đồng.

Ganesh Shinde, 42 tuổi đã làm nghề dọn rác từ năm 2007. Shinde nói “dĩ nhiên tôi chẳng ưa gì công việc này, nhưng tôi phải nuôi sống gia đình mình”.

Những công nhân vệ sinh làm việc với thiết bị sơ sài và không có đồ bảo hộ. Nguồn: CNN.

Một ngày của Shinde bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 sáng, suốt 7 ngày một tuần. Cũng như nhiều người khác, Shinde là một công nhân làm hợp đồng thời vụ cho thành phố Mumbai, kiếm được 5USD mỗi ngày. Thường thì Shinde đi bộ đến chỗ làm, mang theo một cây chổi, còn đồng nghiệp của anh thì mang theo một miếng thiếc mỏng. Shinde quét, còn bạn của anh thì hốt rác.

Theo nhiều nghiên cứu, gần 50% dân số Ấn Độ không có nhà vệ sinh để dùng, buộc họ phải “giải quyết nhu cầu” ngay ngoài đường. Tưởng như trường hợp này chỉ thường có ở các vùng quê, nhưng chính trong thành phố, cảnh này cũng chẳng hiếm hoi gì.

Theo chân Shinde trong một ngày làm việc, dễ dàng bắt gặp cảnh từng đám trẻ con cầm theo một gáo nước chạy ra đường. Chúng kéo quần xuống rồi ngồi ngay trên vệ đường giải quyết nhu cầu cấp bách của cơ thể rồi bỏ đi, để “hậu quả” cho Shinde và bạn đồng nghiệp thu dọn.

Shinde thừa nhận khi mới bắt đầu công việc, anh thấy nó quá khó với mình, nhưng “giờ thì tôi quen rồi”.

Nghề nguy hiểm

Một công nhân vệ sinh khác, Sunil Chavan, làm việc ở một khu khác trong thành phố Mumbai, cho biết những ngày đầu mới làm công việc này, ngày nào anh cũng muốn nôn. Chavan bảo “nếu tôi đưa bạn tới chỗ tôi làm, đảm bảo bạn cũng sẽ nôn thốc nôn tháo”.

Thật sự nghề dọn rác ở Ấn Độ là một nghề vô cùng nguy hiểm. Hầu hết những công nhân vệ sinh đều không được trang bị phù hợp. Shinde không có bao tay, không có ủng, đi làm với độc một chiếc áo khoác mỏng và đeo một khẩu trang mỏng do chính anh tự may, một đôi sandal cũ sờn khiến chân anh lúc nào cũng ngập trong bùn.

Kinh hãi nghề dọn rác ở Ấn Độ ảnh 2

Trẻ em ngồi ngay ngoài đường "giải quyết nhu cầu" vì không có nhà vệ sinh. Nguồn: CNN.

Kinh hãi nghề dọn rác ở Ấn Độ ảnh 3

 Nhiều công nhân vệ sinh ở trần chui xuống cống rãnh đầy nước thải để dọn rác ùn ứ. Nguồn: Thehindu.com

Những người làm nghề dọn ống cống thường dùng một que tre để đẩy đống rác có khi ngập ngang ngực họ. Trong một số trường hợp, họ phải bò qua cống rãnh ngập nước thải. Không có dụng cụ bảo hộ, thỉnh thoảng họ còn ở trần chui xuống cống.

Thường thì những công nhân vệ sinh sẽ hớp một ngụm rượu trước khi xuống cống dọn rác. Shinde cho biết đó là cách họ làm tê liệt các giác quan của mình, vì chẳng mấy ai chịu đựng được cái mùi hôi thối trong cống rãnh. Đứng cạnh Shinde trong lúc làm việc đã thấy quá khó khăn vì mùi bốc lên thật kinh khủng.

Tuổi thọ của những người làm nghề dọn rác thường khá thấp. Bệnh hen suyễn, viêm da, lao phổi luôn rình rập họ. Mỗi năm, có hàng trăm công nhân vệ sinh qua đời. Theo Viện Khoa học Xã hội Tata (TISS), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mumbai, 80% công nhân vệ sinh chết trước tuổi 60 vì các vấn đề sức khỏe. TISS thống kê, chỉ riêng tại Mumbai, trung bình có 20 công nhân dọn cống rãnh chết vì tai nạn, nghẹt thở hay tiếp xúc với khí độc mỗi tháng.

Hệ thống phân cấp vẫn tồn tại

Hầu hết người làm nghề dọn rác thuộc nhóm Dalits, tầng lớp thấp nhất trong hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ. Một thời họ được coi là những người “không nên đụng đến” và buộc phải sống ngoài địa giới của thôn làng. Mặc dù Hiến pháp Ấn Độ hiện đã cấm phân biệt đẳng cấp và chính phủ đang nỗ lực xóa bỏ sự phân biệt, Dalits vẫn bị xem thường. Milind Ranade, một nhà hoạt động ủng hộ người lao động đang đấu tranh đòi lại quyền cho công nhân vệ sinh, cho biết “Dalits là nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội Ấn Độ”.

Người ta không xa lánh tầng lớp Dalits như trong quá khứ, nhưng lại phân biệt đối xử với họ vì chính công việc họ làm. Shinde cho hay chuyện uống một tách trà với anh là chuyện khó khăn. Các nhà hàng thường quay lưng với những người như anh, chỉ một vài quán trà cóc ven đường chịu bán cho anh một tách trà với điều kiện anh phải đứng ngoài đường chứ không bước vào trong quán. Nếu Shinde leo lên xe buýt, mọi người đều sẽ quay lưng về phía anh, “đi bộ về nhà có lẽ dễ chịu hơn”, Shinde cho biết.

Shinde có một cô con gái còn đang đi học. Khi được hỏi anh hy vọng gì cho con cái mình, vợ Shinde đã nhanh miệng trả lời trong nước mắt “chắc chắn không phải là công việc mà anh ấy đang làm, không đời nào. Con bé sẽ hoàn thành việc học rồi tự lập trên chính đôi chân mình”. Shinde lặng lẽ gật đầu “tôi không có cơ hội, có lẽ đó là số phận của tôi”.

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, hy vọng có thể thay đổi tương lai không chỉ cho con gái của Shinde mà còn cho hàng triệu người Ấn Độ đang phải sống trong điều kiện thiếu vệ sinh mỗi ngày. 

Ngày 2-10 vừa qua, Modi đã tung ra chương trình mang tên “Làm sạch Ấn Độ”, một chương trình quy mô quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề về vệ sinh của Ấn Độ trong 5 năm tới. Ông là thủ tướng đầu tiên đem vấn đề vệ sinh ra làm ưu tiên quốc gia. Hy vọng Modi có thể làm được những gì ông hứa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm