Chúng ta đang dùng số sai để hoạch định!

Tổng cục Thống kê Trung Quốc (TQ) cho rằng năm 2014 Việt Nam (VN) đã nhập khẩu 63,8 tỉ USD từ TQ chứ không phải 43,9 tỉ USD như con số của VN công bố. Đây không phải lần đầu tiên mà gần 10 năm nay số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước VN và TQ luôn luôn vênh như vậy. Con số VN đưa ra đều thấp hơn rất nhiều so với thống kê của TQ. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay con số chênh lệch chỉ 1-4 tỉ USD là cùng. Đến năm 2014 con số này lên tận 20 tỉ USD là quá lớn. Nhiều câu hỏi đặt ra con số 20 tỉ USD là có thật hay không? Và thực chất 20 tỉ USD nhập siêu biến mất thế nào? Và đâu mới là con số thực?

Trách nhiệm cải chính

Còn nhớ trước những năm 1975, khi có bất cứ thông tin nào xuất hiện không đúng sự thật hoặc thông tin ấy có ảnh hưởng đến số đông thì thông thường sau 48 tiếng cơ quan chức năng phải có trách nhiệm cải chính hoặc có tiếng nói chính thức về việc này. Họ có thể khẳng định con số của mình là chính xác, hoặc sai hoặc thiếu sót… nhưng chắc chắn cơ quan chức năng phải có tiếng nói chính thức.

Lãnh đạo cũng có giải thích rằng số liệu chênh lệch giữa thống kê của VN và TQ là do ngành hải quan quản lý chưa tốt về ngăn chặn gian lận thương mại. Hay do cách tính, do công thức, quy cách tính trong quá trình xuất nhập khẩu mỗi nước đều có cách tính riêng nên sai là bình thường…

Tuy nhiên, 20 tỉ USD là con số quá ghê gớm mà trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đây là phải giải trình con số nào là con số đúng. Việc chúng ta không khẳng định đúng hay sai… trong nhiều năm đều được đưa lên hải quan quốc tế và việc này ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, ảnh hưởng đến niềm tin của doanh nghiệp (DN). Và điều quan trọng nếu con số không chính xác thì ảnh hưởng đến việc hoạch định các chính sách về kinh tế. Bởi mọi chính sách đều phải dựa trên các con số và chúng ta đang dựa vào con số sai để hoạch định. Chưa kể nếu 20 tỉ USD là có thật thì chúng ta đã để thất thu nguồn thuế như thế nào, ngoại tệ bị ảnh hưởng ra sao.

DN Trung Quốc khai khống?

Trong trường hợp này, tôi lạc quan cho rằng trong 20 tỉ USD ấy các DN phía TQ đã xuất khống để được hoàn thuế và khai thành tích. Chẳng hạn họ xuất sang VN chỉ có 1 triệu USD nhưng kê thành 2 triệu USD… Và cứ như vậy tổng cộng số hàng này thực tế hoàn toàn không tồn tại nhưng con số lên tới 10 tỉ USD.

Và 10 tỉ USD còn lại nằm ở phía VN. Trong đó có số lượng DN tìm cách trốn thuế và số này chiếm khoảng 5 tỉ USD. Và 5 tỉ USD còn lại nằm ở đội quân cửu vạn mà có lần ước tính đến 10.000 người, mỗi người gánh qua biên giới 700 USD/ngày nhân với 365 ngày là 2,5 tỉ USD/năm.

Số đi trên biển cũng là con số không nhỏ, tạm coi tương đương với đường bộ, tức là được 2,5 tỉ USD nữa. Chẳng phải cách đây mấy năm có câu chuyện về một DN ở Quảng Ninh nhìn thấy tiềm năng trong việc thu mua chế biến thủy hải sản nên mở nhà máy. Nhưng xây nhà máy xong chẳng mua được con cá, con mực nào. Cuối cùng hỏi ra ngư dân đi đánh bắt mà cá chẳng thấy đâu chỉ thấy khuân về toàn gốm sứ, gạch men…

BÙI VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm