Góp vốn mua nhà có ngân hàng lợi đôi đường

Nhiều người góp vốn mua căn hộ đã bị lừa chiếm dụng vốn. Làm sao bảo vệ quyền lợi cho họ? Làm sao giám sát tiền góp vốn được sử dụng đúng mục đích? Nhiều chuyên gia bất động sản và kinh tế đã đưa ra giải pháp: Góp vốn mua căn hộ nên thông qua ngân hàng.

Khi góp vốn mua căn hộ thông qua ngân hàng, ngân hàng sẽ là khâu trung gian giám sát nguồn tiền này và chặn đứng khả năng vi phạm của chủ đầu tư.

Góp vốn tù mù

“Hiện người dân không hiểu rõ về hợp đồng góp vốn kèm theo quyền mua căn hộ nên cứ làm tù mù thế nào cũng ký, không theo một mẫu nào cả. Bất lợi cho người mua được thể hiện rõ ngay từ các điều khoản hợp đồng. Giờ cần phải phá bỏ cách làm này để việc góp vốn mua căn hộ được công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi cho người góp vốn”.

GS-TSKH Đặng Hùng Võ, Chủ nhiệm bộ môn địa chính đất đai Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đã nêu thực trạng trong việc góp vốn mua nhà hiện nay.

Ông Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng chung nhận định: “Việc huy động vốn từ người mua nhà như hiện nay không đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng nhiều người góp vốn để mua nhà một cách bất chấp, chỉ muốn nhanh mà không xem kỹ đến quyền lợi và nghĩa vụ của doanh nghiệp như thế nào, có đáng tin tưởng không. Đó cũng là lỗi của người mua. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho vốn góp của mình thì chính người mua cũng phải có trách nhiệm”.

Ông cho rằng pháp luật của ta hiện chưa quy định chặt chẽ về việc góp vốn mua căn hộ. Như vậy, pháp luật vẫn còn lỗ hổng.

Người mua và người bán đều được bảo vệ

Theo ông Trần Du Lịch, để khắc phục tình trạng người góp vốn mua nhà nắm phần bất lợi như hiện nay, nên có quy định nguồn vốn huy động từ khách hàng phải được chuyển qua một ngân hàng cụ thể.

“Ví dụ, khách hàng góp vốn với doanh nghiệp để xây một dự án nhà chung cư thì ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm giám sát để số tiền đó chỉ được giải ngân cho dự án đã công bố. Nếu ngân hàng thông đồng với chủ đầu tư để dùng tiền ấy cho việc khác thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm” - ông nói.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP.HCM, cho biết việc góp vốn mua căn hộ qua ngân hàng là biện pháp an toàn vì cả người mua và người bán đều được bảo vệ. Ở nước ngoài, chuyển nhượng nhà, đất đều được thực hiện qua ngân hàng nhưng ở ta người dân chưa quen với việc này.

Ông phân tích, để hợp đồng góp vốn mua căn hộ có ngân hàng đứng giữa, bên bán và bên mua phải ủy thác cho ngân hàng. Người góp vốn sẽ phải trả phí cho ngân hàng. Ngân hàng với vai trò trung gian có trách nhiệm với cả hai bên, nhận tiền gửi từ người góp vốn và giám sát việc sử dụng nguồn tiền này của chủ đầu tư. Ngân hàng sẽ căn cứ vào dự án nhà ở, hợp đồng giữa bên góp vốn và chủ đầu tư để giải ngân. Nếu việc sử dụng vốn của chủ đầu tư sai mục đích thì ngân hàng sẽ không giải ngân. Nếu chủ đầu tư làm không đúng tiến độ mà không có lý do chính đáng thì bị phạt tiền. “Ngược lại, ngân hàng phải chịu trách nhiệm giải ngân đúng mục đích. Nếu ngân hàng giải ngân sai thì cũng phải chịu trách nhiệm” - ông nói.

Để làm được điều đó, theo ông Trần Du Lịch, trong hợp đồng góp vốn cần thể hiện rõ nếu doanh nghiệp vi phạm hợp đồng như chậm thực hiện dự án, sử dụng vốn sai mục đích thì sẽ bị phạt như thế nào.

Tiền vô túi chủ đầu tư, đòi lại không dễ

Theo nhiều báo phản ánh, khoảng tháng 4-2008, cả trăm khách hàng mua căn hộ của dự án The Adonis 2 tại khu Nam Sài Gòn do Công ty Vạn Thịnh Hưng nhận là chủ đầu tư đã kéo đến công ty khiếu nại vì cho rằng mình bị lừa. Theo đó, từ đầu năm 2008, khách hàng đã mua được 250 căn của dự án này, công ty đã huy động vốn từ các khách hàng trên 75 tỷ đồng trong khi đến lúc bị khiếu nại, dự án vẫn chưa khởi công.

Vạn Thịnh Hưng còn bán khống số căn hộ ở ba tầng không có trong quy hoạch được duyệt của dự án. Công ty cũng không hề là chủ đầu tư chính thức mà liên kết với chủ đầu tư, kèm theo giấy ủy quyền rồi rao bán căn hộ và ký hợp đồng mua bán với khách hàng. Tất cả hợp đồng mua bán với khách hàng đều được ký dưới hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư.

Một năm sau, Vạn Thịnh Hưng (đổi tên thành Phục Hưng) thông báo sẽ trả lại tiền cho những khách hàng không muốn mua căn hộ nữa. Công ty cho biết chỉ trả lại 68%, bên mua phải chịu lỗ cùng với công ty, còn 15% thì cùng đầu tư tiếp một dự án khác làm nhiều khách hàng bất bình.

Theo cơ quan điều tra, đây là giao dịch dân sự, hai bên hoàn toàn tự nguyện. Việc huy động vốn trước thời hạn là vi phạm về dân sự, do tòa án giải quyết. Cơ quan điều tra cho rằng không có dấu hiệu vi phạm hình sự nên không thể khởi tố.

TL

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm