Khẩn cấp giải phóng hơn 10 triệu tấn lúa, cá… tồn đọng

Lúa đầy đồng, gạo đầy kho, khách hàng quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo và nông sản Việt Nam (VN). Thế nhưng các nhà xuất khẩu của nước ta lại không dám ký hợp đồng với đối tác nhập khẩu của các nước và không giao hàng được.

Lúa đầy đồng, khách hàng nước ngoài vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo nhưng các doanh nghiệp Việt Nam không giao hàng được. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Hàng triệu tấn trái cây như nhãn, thanh long… ùn ứ vì chuỗi cung ứng đứt gãy do khó khăn trong lưu thông. Ảnh: HẢI DƯƠNG 

Đây là nghịch lý được nhiều đại biểu nêu ra tại cuộc họp trực tuyến do Bộ NN&PTNT tổ chức vào cuối tuần qua nhằm khẩn cấp tháo gỡ đầu ra cho lúa gạo, nông sản đang ứ đọng ở Nam bộ và Tây Nguyên.

Gạo đầy kho nhưng không dám ký hợp đồng

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, chia sẻ: “Trong tháng 7 và 8, chúng tôi phải giao đơn hàng 100.000 tấn, chia ra mỗi tháng 50.000 tấn. Nhưng trong tháng 7 chúng tôi mới giao được 30.000 tấn, còn lại không giao được do vấn đề tàu hàng. Chúng tôi đang lo lắng không biết tháng 8 này có đi được 50% đơn hàng không, nếu hợp đồng cứ tiếp tục thế này thì uy tín của các doanh nghiệp (DN) sẽ mất, thị trường cũng bị ảnh hưởng”.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cũng cho biết giữa tháng 8 này, công ty ông phải xếp một đơn hàng 11.000 tấn gạo lên tàu đi giao cho đối tác nước ngoài. Thế nhưng đến ngày 16-8, Cần Thơ mới hết giãn cách xã hội nên chưa chắc đã thực hiện được hợp đồng trên.

Thông tin từ Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT cho hay hiện các tỉnh ĐBSCL vẫn tiếp tục thu hoạch vụ lúa hè thu và chuẩn bị thu hoạch vụ thu đông sớm. Tuy nhiên, giá lúa thường tại ruộng giảm, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Việc giảm giá lúa gạo và các hàng nông sản khác không phải do cung cầu mà do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng từ ngoài đồng đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.

Đáng lo ngại là do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều công ty đã ngưng mua lúa. Sản lượng thu mua vụ hè thu sụt giảm 20%-30%. Người dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng…

“Việc đi lại, vận chuyển khó khăn cộng với chi phí tăng cao nên không có thương lái thu mua thì người nông dân không biết bán cho ai... Lúa chất đầy đồng, giá rớt” - Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT thông tin.

Để giải phóng lượng lúa còn tồn đọng trong dân, các công ty ngành lúa gạo đồng loạt kiến nghị địa phương, bộ, ngành tạo điều kiện cho đội ngũ đi thu mua lúa, tạo luồng xanh cho xe vận chuyển lúa; các địa phương dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản; các ngân hàng có chính sách ưu đãi lãi suất để các công ty tích cực thu mua lúa tạm trữ cho nông dân.

Vẫn còn ngăn sông cấm chợ khiến hàng tắc nghẽn

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết các DN phản ánh có hiện tượng nông dân trồng lúa hoang mang, băn khoăn không biết có nên tiếp tục đầu tư vụ mùa tiếp theo.

“Dù chưa có thang đo tâm lý nhưng trước tình trạng vật tư đầu vào tăng cao, giá cả thấp, tiêu thụ khó khăn… thì người nông dân có suy nghĩ nên sản xuất nữa hay không. Để người trồng lúa còn lo lắng câu chuyện này thì rất nguy hiểm tới an ninh lương thực của địa phương, đất nước” - Bộ trưởng Hoan đánh giá.

Theo ông Hoan, các tỉnh ĐBSCL cần cùng ngồi lại với nhau để tìm nút thắt và gỡ rối. “Thủ tướng nói không được ngăn sông cấm chợ nhưng rõ ràng hai tháng nay vẫn còn tình trạng này. Trong các cuộc họp với Bộ NN&PTNT và Chính phủ, lãnh đạo các địa phương đều nói tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ nông sản nhưng vấn đề rắc rối có khi lại đang nằm ở cấp xã, huyện. Lãnh đạo cấp trên nói thế nhưng ở các chốt kiểm soát có khi lại không làm thế, mà họ chỉ làm theo nguyên tắc của họ thôi” - Bộ trưởng Hoan cho biết.

Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng chia sẻ ý kiến từ các hiệp hội, ngành hàng, DN cho thấy điều quan trọng nhất không phải là Chính phủ hỗ trợ giảm thuế, hỗ trợ tín dụng... như thế nào, mà làm sao để giữ thị trường thông suốt. Thị trường không thông suốt thì hoạt động sản xuất, kinh doanh tắc nghẽn.

cần mua lúa tạm trữ ở thời điểm này?

Để tháo gỡ tình trạng lúa đầy đồng nhưng vắng thương lái, nhiều ý kiến đề xuất cần có chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước để giải quyết ùn ứ. Song Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã nhận được ý kiến của một số DN, địa phương cho rằng chưa cần thiết. Cụ thể là trước mắt chỉ cần Ngân hàng Nhà nước mở rộng gói tín dụng để DN tạm trữ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng vấn đề tạm trữ quốc gia hay để DN tạm trữ trước, cả hai phương án đều phải nghĩ tới. “Tuy nhiên, trước mắt ưu tiên cho DN. Nếu sau đó tình hình vẫn khó khăn thì phải nghĩ tới tạm trữ quốc gia” - ông Hải nói.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN, khẳng định nếu các tỉnh muốn có thêm nguồn vốn tín dụng để DN thu mua tạm trữ lúa thì cơ quan này sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở thêm hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, các DN vẫn phải đảm bảo nguyên tắc trong công tác tín dụng.

Cạnh đó, cơ quan này sẽ có cơ chế mạnh mẽ hơn trong cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi của DN, trong đó có ngành nông nghiệp. “Việc mở rộng nguồn vốn tín dụng chỉ giải quyết được khó khăn trước mắt. Vấn đề căn cơ lâu dài là giải quyết tồn kho của DN, đảm bảo lợi ích hài hòa cho DN và người dân” - ông Tú nhấn mạnh.

Hàng triệu tấn nông sản Nam bộ, Tây Nguyên ùn ứ

Bộ Công Thương cho biết hiện có khoảng 5 triệu tấn lúa, gần 4 triệu tấn rau củ, 400 triệu quả trứng, 600.000 tấn thịt gà, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn thịt heo hơi... của 26 tỉnh Nam bộ, Tây Nguyên đang cần đầu ra. Đặc biệt, nhiều tỉnh, TP đang vào mùa thu hoạch thanh long, nhãn, bơ, sầu riêng... nên số lượng cần tiêu thụ lên tới 4 triệu tấn.

Việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn do các địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát đi lại, vận tải hàng hóa; nhiều chợ truyền thống, đầu mối đóng cửa... Cạnh đó, thương lái khó đi lại thu mua, nông sản thiếu lực lượng thu hoạch; các công ty chế biến nông sản, thủy sản, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm... phải tạm ngừng hoạt động do xuất hiện ca nhiễm hoặc không đủ điều kiện sản xuất theo yêu cầu "ba tại chỗ"...

Khó khăn càng chồng chất khi chi phí logistics, cước vận tải mỗi ngày một tăng khiến DN có đơn hàng cũng khó mà giao cho đối tác. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T, đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây sang Mỹ, châu Âu, cho biết giá vận tải biển đang tăng rất cao.

“Lo ngại nhất khi cách đây không lâu, tôi có nhận được thông tin các hãng tàu không nhận vận chuyển hàng trái cây, rau củ bằng kho lạnh. Lý do là giá loại hàng này bằng với hàng khô mà rủi ro cao hơn nên không được ưu tiên” - ông Tùng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của cả nước, đặc biệt ở những tỉnh, TP thực hiện giãn cách xã hội càng trở nên cấp bách. Bộ trưởng đề nghị các địa phương rà soát, nắm chắc số lượng chủng loại sản phẩm cần tiêu thụ, có giải pháp để tự cân đối nhu cầu tại chỗ. Số còn lại khẩn trương kết nối với bộ, ngành, các hiệp hội... để được tư vấn hỗ trợ tiêu thụ khẩn cấp.

“Nhiều nước sản xuất nông sản, lúa gạo bị đứt gãy vì dịch, trong khi ta vẫn giữ được thì đó là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc này có thể tuột khỏi tay nếu không có hành động khẩn cấp, kịp thời” - bộ trưởng phát biểu.

811 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm

Thông tin từ Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT cho hay đến ngày 6-8, có tổng cộng 811 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác.

Theo đó, rau củ 214 đầu mối, trái cây 199 đầu mối, thủy hải sản 324 đầu mối, lương thực 40 đầu mối, các mặt hàng khác 34 đầu mối.

Các DN, đơn vị kinh doanh, sản xuất, phân phối cần nguồn hàng, đăng ký Tổ công tác sẽ kết nối. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm