Cựu bộ trưởng y tế Trần Thị Trung Chiến, Chủ nhiệm CLB truyền thống dân y miền Nam, cho hay: “Tôi rất xúc động khi Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam vào ngày 19-12 vừa qua”.
Sức sống mãnh liệt dưới khói lửa bom đạn
“Nó là một thời của tuổi thanh xuân, không xúc động sao được” - bà nói.
Sản xuất vaccine ngừa tả (TAB) năm 1971 tại cứ Chí Phèn. Ảnh: TƯ LIỆU
Bà kể: Giai đoạn 1961-1965, cách mạng miền Nam bị đàn áp khốc liệt. Trước tình hình trên, Bộ Chính trị quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam để trực tiếp chỉ đạo cách mạng, lúc đó bà phụ trách về y tế trong Ban Cơ yếu của Trung ương Cục.
Tiếp đến, Trung ương Cục lần lượt cho thành lập 24 đơn vị đảm nhiệm từng nhiệm vụ khác nhau, trong đó có Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam với tên gọi đầu tiên là Ban Y tế Chính Nam, có nghĩa là tổ chức quân dân y kết hợp, cùng xây dựng lực lượng y tế. Nhiệm vụ chính của Ban Dân y là chăm lo sức khỏe, phối hợp với quân y tổ chức cấp cứu thương binh và đồng bào vùng tạm chiến theo mô hình tại chỗ, cơ động; đào tạo cán bộ y tế nhiều trình độ khác nhau, sản xuất thuốc, vaccine, trang thiết bị đơn giản… nhằm bảo đảm cung cấp đủ và kịp thời cho việc cứu chữa thương bệnh binh.
Thời điểm này, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch nhận định tình hình chiến tranh dù xảy ra ác liệt nhưng cục diện chung có lợi cho cách mạng miền Nam, vì nhu cầu cán bộ y tế rất cấp thiết nên phải tổ chức đào tạo cán bộ y tế cho chiến trường miền Nam càng nhanh càng tốt. “Ông đã chọn trong những người anh em có trình độ chuyên môn về ngành y, phẩm chất đạo đức tốt để đào tạo cấp tốc một lực lượng cán bộ y tế để chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đó, lực lượng cán bộ y tế được đào tạo với mục tiêu là phải thích nghi được với mọi hoàn cảnh của chiến trường miền Nam ác liệt lúc bấy giờ” - cựu bộ trưởng y tế Trần Thị Trung Chiến nhớ lại.
Bà kể rằng đội ngũ y, bác sĩ đầu tiên ông Phạm Ngọc Thạch đưa vào chiến trường miền Nam mất sáu tháng vượt dãy Trường Sơn mới vào được đến nơi. Tiễn các anh em của mình đi xa, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch khi đó đã có lời dặn dò: “Các em hãy đi vào phục vụ cho chiến trường miền Nam, một ngày nào đó anh sẽ vào gặp lại các em. Mong các em hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Đưa thân mình cho muỗi cắn để chế thuốc
Chiến tranh ác liệt nhưng đội ngũ y, bác sĩ đã không ngừng cố gắng, sáng tạo để chế ra những loại thuốc phục vụ cho chiến trường. Nhiều loại thuốc đã được sản xuất thành công như: các loại thuốc cảm cúm, thuốc Subtilis trị đường ruột, vaccine tả để cung cấp cho các bệnh viện, quân đội và cơ quan vùng căn cứ, tổ chức bắt muỗi ban đêm để nghiên cứu phòng, chống sốt rét…, quản lý kho thuốc an toàn dù phải di chuyển, bom đạn…
“Máy móc, trang thiết bị không có, phải đào giếng để lấy nước sạch rồi đem cất lên để sản xuất thuốc men. Còn muốn tìm loại chủng sốt rét thì anh em phải ra suối cho muỗi nó cắn rồi lấy máu đi xét nghiệm, nghiên cứu xem chủng loại muỗi để sản xuất thuốc…” - bà nhớ lại.
Bà cũng kể thêm rằng hàng trăm chiến sĩ bị thương nên đồ dùng y tế sơ cứu ngay tại chiến trường rất khan hiếm. Bông băng không đủ, băng gạc cũng thiếu nên các y, bác sĩ tận dụng bằng cách đem ra suối giặt rồi lấy than hơ hoặc ủi khô để dùng tiếp. Có ca mổ nào là phải kiếm chiếc xe đạp có gắn bình điện, ra sức đạp để có ánh sáng mà mổ. Dung dịch không đủ thì phải tận dụng nước dừa để truyền cho người bệnh.
“Khi khan hiếm nước để truyền quá rồi thì phải dùng đến trái dừa. Mà mình dặn đồng bào mình bên ngoài hái dừa phải lựa cây đứng ở chỗ sạch; khi hái thì đừng có thả xuống đất quá mạnh tay vì như thế sẽ làm thay đổi thành phần hóa học của nước dừa, không dùng để truyền dịch được. Trái dừa sau đó được đưa về trạm xá, sát trùng kỹ lưỡng rồi truyền cho người bệnh…” - bà kể lại.
PGS-TS-BS Trần Thị Trung Chiến xúc động nhớ lại nhiều kỷ niệm ở thời điểm còn làm việc ở Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: THANH TUYỀN
Ký ức không bao giờ quên
Suốt những năm tháng sống dưới làn khói bom đạn, tận tay chữa trị cho hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ, cựu bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến xem họ như là anh em ruột rà, máu mủ của mình. Có người sau khi được cứu chữa đã lành lặn, quay lại chiến trường. Nhưng có người thì mãi ra đi khi tuổi còn xuân xanh.
Cho đến tận hôm nay, bà bảo rằng vẫn không thể nào quên được hình ảnh của Huệ, một cô gái đã mãi ra đi khi chỉ 18 tuổi.
Đó là lần quân địch thực hiện một trận càn Đông Dương từ biên giới Campuchia về Việt Nam. Huệ tham gia đánh trận, bị thương nặng, được đưa vào bệnh xá nơi bà phụ trách. Qua chẩn đoán lâm sàng, Huệ bị lị trực trùng, phải chuyển lên bệnh viện lớn mới đủ thiết bị y tế để chữa. Bệnh xá lúc đó lại chỉ toàn đàn bà, trẻ con, các anh chiến sĩ thì bị thương nặng nằm la liệt vì hứng chịu bom đạn của địch. Bà tìm được bốn thanh niên để cõng Huệ trên cáng, vượt đêm đen đưa Huệ lên bệnh viện lớn. Hai tiếng đồng hồ vừa đi vừa dùng dao phay chặt bớt cây để mở đường. Khi đến được bệnh viện, Huệ bị trụy tim nặng vì mất nước trên đường đi. Mọi người đưa Huệ xuống giao thông hào để cấp cứu tạm thì địch lại nã pháo liên hồi khiến đường truyền máu cứ văng tung tóe, phải truyền đi truyền lại nhiều lần. Huệ tử vong sau ba tiếng cầm cự.
“Tôi cứ ngậm ngùi mãi, thấy mình bất lực quá, bệnh nhân của mình mà không thể làm gì được. Nếu có điều kiện đầy đủ thì em sẽ không mất, khi ấy em chỉ vừa 18 tuổi! Chúng tôi khiêng em đi trên đường mà người nào cũng chảy nước mắt vì sợ em không đủ sức nhưng còn nước còn tát, cứ băng rừng suốt đêm mà đi. Cuối cùng cũng không thể giữ em lại được” - bà nghẹn ngào.
Bà bảo rằng cuộc sống ở chiến trường quá khốc liệt, mọi người phải đùm bọc lẫn nhau mà sống, không chỉ thầy thuốc mà tất cả lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, binh vận đều nương tựa, giúp đỡ nhau.
“Hồi đó mỗi người chúng tôi có một điểm chung duy nhất: Đó là niềm tin tuyệt đối rằng cách mạng miền Nam sẽ thành công, tiến tới giải phóng dân tộc nên sống rất lạc quan, yêu đời. Đồng đội, đồng chí thương yêu, đùm bọc lẫn nhau trong từng việc nhỏ nhất... Những năm tháng đó đẹp lắm. Có nhiều khi ngoảnh đầu nhìn lại, tôi nghĩ mình thật may mắn vì đã có mặt trong Ban Dân y, phục vụ anh em chiến sĩ, góp sức mình vào cuộc chiến giành độc lập của dân tộc” - bà xúc động..
Hãy luôn giữ cho mình cái tâm Kể từ năm 1961 đến năm 1963, Bộ Y tế đã bổ sung cho chiến trường miền Nam 83 bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế. Đến năm 1964, Trung ương Cục miền Nam đã cho phép thành lập Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam do BS Nguyễn Văn Thủ làm trưởng ban. Các y, bác sĩ đã tự tay đào hầm, chặt cây rừng, tre rồi các loại lá để lợp mái, làm phòng mổ; dựng trạm xá, xây bệnh viện. Không chỉ lo cơ sở, chăm sóc cho bệnh binh mà các y, bác sĩ còn nấu cơm cho thương binh ăn lấy sức. “Mà nấu cũng đâu có đường đường chính chính mà nấu, phải đào hầm rồi chui xuống dưới đó nấu vì sợ nấu trên mặt đất, khói bốc lên thì địch đi tuần sẽ phát hiện ra ngay” - bà Trần Thị Trung Chiến kể. Nhắc đến những người đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh, bà nghẹn ngào nói rằng những người từng trải qua cuộc chiến thì hãy nhớ những câu chuyện đó để hun đúc tinh thần trách nhiệm của mình. “Tôi mong rằng thế hệ trẻ đang theo chuyên ngành y, bác sĩ hãy học tập những người đi trước để luôn sáng tạo, năng động trong công việc. Trên hết là hãy luôn giữ cho mình cái tâm,tinh thần trách nhiệm với người bệnh, đừng bao giờ quên, bỏ rơi họ” - bà tâm sự. Sáng 19-12, Chủ tịch nước đã trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam. Trước đó, Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như: huân chương Giải phóng hạng Hai/Ba cho đơn vị sản xuất thuốc Đông y; huân chương Quyết thắng hạng Nhất/Nhì/Ba cho 239 bác sĩ, dược sĩ, cán bộ y tế, nhân viên; tám danh hiệu chiến sĩ diệt Mỹ… |