Mới đây, chánh án TAND TP.HCM ra quyết định giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng trong một vụ tranh chấp thừa kế của ba đương sự. Theo đó, chánh án không chấp nhận đơn của ba ông Th., N. và T. về việc yêu cầu “thay đổi người tiến hành tố tụng là Thẩm phán T. và chuyển hồ sơ cho Tòa Dân sự giải quyết” vì không có căn cứ. Chánh án quyết định vẫn để Thẩm phán T. tiếp tục giải quyết vụ án này theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, ba đương sự đề nghị thay đổi thẩm phán vì cho là Thẩm phán T. là thẩm phán Tòa Hành chính, như vậy khi giải quyết án sơ thẩm dân sự sẽ “không chuyên”. Từ đó, cả ba yêu cầu đổi thẩm phán này và chuyển hồ sơ sang Tòa Dân sự để “vụ án được giải quyết dứt điểm một cách công minh và tránh xảy ra rủi ro”.
Các thẩm phán ở TAND TP.HCM đều có thể được phân công xử tất cả loại án. Ảnh: HTD
Điều 47 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định thẩm phán, Hội thẩm nhân dân phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong trường hợp họ cùng trong một HĐXX và là người thân thích với nhau. Hoặc họ đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ án đó, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh thì vẫn được tham gia xét xử nhiều lần cùng một vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Hoặc họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là kiểm sát viên, thư ký tòa án... Điều 46 bộ luật này cũng quy định rõ người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự. Hoặc họ đã tham gia với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ án đó. Hoặc có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Đối chiếu các quy định trên, rõ ràng yêu cầu đã nêu của ba đương sự không có cơ sở. Cạnh đó, một thẩm phán TAND TP.HCM cũng phân tích thêm: theo luật là thẩm phán trung cấp không phân biệt là thẩm phán án hành chính, thẩm phán án dân sự, thẩm phán án kinh tế, thẩm phán án hình sự hay thẩm phán án lao động. Theo sự sắp xếp thì các thẩm phán trung cấp được bố trí công tác tại các tòa chuyên trách của TAND TP. Các thẩm phán trung cấp có thể xét xử tất cả loại án theo phân công của lãnh đạo tòa. Vì vậy, không có việc thẩm phán Tòa Hành chính không thể xử án dân sự bởi lẽ tất cả thẩm phán đều có kỹ năng cần thiết giải quyết các loại án.
HOÀNG YẾN