Cần phải làm
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề của toàn cầu. Nguyên nhân của việc này là do thiếu hụt mảng xanh. Tại TP.HCM, mật độ cây xanh là chưa đến 1m2/người và ở Hà Nội là 3,02m2/người. Trong khi đó, tỷ lệ cây xanh tại các nước trên thế giới là rất cao: Singapore 30,3m2/người, Hàn Quốc 41m2/người, Đức 50m2/người, Pháp 25m2/người…
“Môi trường xanh, giải pháp kiến trúc xanh hay công trình xanh đã dần được biết đến như sự lựa chọn tất yếu để ứng phó với hiện trạng bê tông hoá đô thị ngày nay. Công trình xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường sống của cư dân tại khu vực”, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation nói.
Dự án Diamond Lotus Riverside đạt tiêu chuẩn LEED ở quận 8.
Bà Mẫu cho biết thêm, công trình xanh được thiết kế, xây dựng và vận hành theo hướng sử dụng tài nguyên hiệu quả, đảm bảo tiện nghi cho người sử dụng, giảm tác động đến môi trường, đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.
Tuy nhiên, ở Việt Nam số lượng công trình xanh rất hiếm hoi. Theo GreenViet, năm 2010 – 2011, Việt Nam chỉ có 2 công trình xanh. Năm 2012 – 2013 đạt được 15 công trình. Đến năm 2016 – 2017 dự kiến sẽ có hơn 40 dự án được cấp giấy chứng nhận công trình xanh.
Khác với thế giới, các công trình xanh tại Việt Nam lại rất hiếm khu dân cư và căn hộ. Trong hơn 40 dự án được nhận giấy chứng nhận công trình xanh đến năm 2016 – 2017 thì có tới 15 nhà máy, 10 dự án văn phòng và 6 dự án khu dân cư, căn hộ….
Ở nước ta, có 3 hệ thống đánh giá công trình xanh đã được đưa vào sử dụng là LEED của Mỹ, Lotus của Việt Nam và BCA Green Mark của Singapore. Trong đó, hệ thống LEED đươc xem là tiêu chuẩn có những yêu cầu khắt khe nhất. Cụ thể, công trình đạt từ 40 – 49 điểm sẽ đạt được chứng nhận LEED Xanh, 50 – 59 điểm sẽ đạt chứng nhận LEED Bạc, 60 – 79 điểm đạt chứng nhận LEED Vàng và trên 80 điểm là chứng nhận LEED Bạch Kim.
Bà Melissa Merry Weather, Chủ tịch Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam cho biết, chứng chỉ LEED của Mỹ được công nhận trên toàn cầu, được thẩm định cho những dự án từ khâu thiết kế, xây dựng và vận hành. LEED hướng đến việc cải thiện hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, hiệu quả thoát nước, giảm lượng khí thải CO2.
Ngoài LEED, Việt Nam còn có riêng hệ thống đánh giá Lotus do Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam xây dựng. Lotus cũng có 4 cấp độ: Lotus Xanh (40%), Lotus Bạc (55%), Lotus Vàng (65%) và Lotus Bạch Kim (75%). Lotus đánh giá dựa trên các tiêu chí như sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, nguyên vật liệu bền vững, giảm chất thải và ô nhiễm, tăng cường sức khỏe và tiện nghi, phát triển cộng đồng.
Dự án Diamond Lotus Riverside nhận được nhiều sự quan tâm nhưng việc triển khai xây dựng gặp nhiều thử thách.
“Công trình xanh là một xu thế trên thế giới nhưng với Việt Nam vẫn còn rất mới. Tuy nhiên, nó đang dần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của xã hội về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên. Các chủ đầu tư, ngành xây dựng của Việt Nam đang rất tích cực trong sự phát triển công trình xanh”, bà Melissa Merry Weather nói.
Rất khó làm
Ở nước ta, Phúc Khang là công ty tiên phong trong việc xây dựng công trình xanh. Hơn 1 năm trước, Phúc Khang đã công bố dự án Diamond Lotus Riverside đạt tiêu chuẩn LEED và Diamond Lotus Lake View đạt tiêu chuẩn Lotus. Đến nay, việc triển khai xây dựng vẫn gặp rất nhiều thử thách.
Ông Trương Anh Tú, Giám đốc Phát triển kinh doanh của Phúc Khang Corporation cho biết, để đạt chứng nhận LEED phải đạt điểm các hạng mục như sử dụng vật liệu xây dựng phải thân thiện môi trường, vật liệu xây dựng có nguồn gốc sản xuất tại địa phương. Chất lượng không khí trong nhà phải có gió tự nhiên và đạt sự thoải mái về nhiệt, ánh sáng ban ngày, tầm nhìn rộng. Thiết kế đổi mới mang tính ứng dụng cao và giảm tiêu thụ điện năng…
Dự án Diamond Lotus Lake View đạt tiêu chuẩn Lotus ở Tân Phú.
“Việc phát triển công trình xanh đã làm tăng chi phí đầu tư như phải thuê thêm đơn vị tư vấn thiết kế và xây dựng theo chuẩn xanh, thay đổi vật liệu xây dựng và thiết kế theo đúng chuẩn xanh… Thời gian đầu tư và các thủ tục, pháp lý phức tạp hơn các dự án thông thường. Thị trường và đầu ra chưa có đủ thông tin về sản phẩm mới mẻ này”, ông Tú nói.
Giám đốc Phát triển kinh doanh của Phúc Khang Corporation cho biết thêm, hơn một năm qua công ty phải nghiên cứu khả thi rồi phân tích đầu tư theo tiêu chuẩn LEED. “Có những việc tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện và tốn nhiều chi phí”, ông Tú cho biết.
Chẳng hạn, việc ngăn ngừa ô nhiễm từ hoạt động xây dựng, sử dụng nước cho cảnh quan hiệu quả, lên kế hoạch quản lý chất lượng không khí xây dựng, kiểm soát khói thuốc lá với môi trường, giảm ô nhiễm ảnh sáng… đã làm tăng chi phí của Phúc Khang Corporation lên 3 – 7%. Trong khi đó, giá bán căn hộ không thể tăng cao tương ứng vì tính cạnh tranh trên thị trường.
“Tất cả những điều đó sẽ giúp tăng 3 – 5% năng suất lao động của người sử dụng căn hộ và làm giảm nguy cơ bệnh tật. Đồng thời, giảm 30 – 50% tài nguyên nước và năng lượng nhân tạo. Giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng khoảng 15%. Bên cạnh đó, việc tiếp cận tối đa nguồn năng lượng tự nhiên như nắng, gió… sẽ giúp căn hộ của cư dân giảm nấm mốc trong môi trường sống và nâng cao sức khỏe người dân”, ông Tú nói.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty CotecCons cho biết, dự án Diamond Lotus Riverside đã trải qua rất nhiều khó khăn ban đầu trong lần đầu tiên tiếp cận với kỹ thuật xây dựng cao. Tất cả quy trình thiết kế, thi công và vận hành dự án đều phải được giám sát đầy khắt khe bởi tiêu chuẩn LEED đầy sự khác biệt và không giống bất kỳ một dự án nào khác mà CotecCons đã thực hiện.
Công trình xanh có nhiều tiện ích nhưng việc xây dựng phải tuân theo những tiêu chuẩn khắt khe khiến chủ đầu tư chùn bước.
“Gói thầu này, CotecCons đã được chuẩn bị kỹ lưỡng tất cả mọi thứ. Diamond Lotus Riverside không chỉ là một công trình dấu ấn của quận 8 mà còn là biểu tượng của TP.HCM trong tương lai”, ông Dương nói.
Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Vụ phó vụ Khoa học công nghệ Bộ Xây dựng, công trình xanh ở Việt Nam còn nhiều rào cản do năng lực chuyên môn của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật trong lĩnh vực này còn hạn chế.
“Chúng ta chưa có cơ chế ưu đãi cụ thể với các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và có chứng nhận xanh. Sự tham gia của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ từ các quỹ tiết kiệm năng lượng còn hạn chế. Đồng thời, chưa có cơ chế khuyến khích hoặc bắt buộc chứng nhận dán nhãn chứng nhận công trình xanh với các công trình xây dựng”, ông Thịnh nói.
Còn tiếp...