Đứa con cầu tự
Gia đình bà Khánh khá giả. Mãi lo giúp chồng kinh doanh, bà sinh con hơi muộn. Đứa bé “con cầu con khẩn” để cha mẹ chờ đợi cả 3 năm trời. Sinh khó, nuôi khó, bà không dám mong sẽ có thêm đứa nào hết. May mà, nó là con trai, đứa cháu trai duy nhất của dòng họ bên chồng. Cậu bé ngoan, hiền lành, học hành không xuất sắc lắm nhưng chăm chỉ, tỉ mỉ. Thôi kệ, bà không kỳ vọng gì nhiều. Nó chỉ cần học vừa đủ để quản lý cơ nghiệp của gia đình là được.
Thằng bé học đến lớp 7 bắt đầu sa sút không thích học, ép uổng gắng gỏi đến lớp 9, khăng khăng đòi đi học nghề. Bà Khánh không nhượng bộ nhưng cũng lắng nghe tính ý con. Bà hơi choáng khi con đòi đi học làm tóc. Rồi cơ nghiệp ba má để lại, con không học làm sao quản lý. Cha đe dọa, mẹ năn nỉ hết lời, nó vẫn lầm lì không nói. Tóc tai khi vàng, khi đỏ, khi dài khi ngắn, có lúc môt bên tóc láng o trụi lũi, một bên tóc xõa dài. Trường học liên tục mời phụ huynh. Hết nước, bà đành chấp nhận cho con học nghề.
“Việc nếu như chỉ dừng ở đó thì quá tốt”, bà Khánh đau khổ. “Một hôm về nhà, tôi bắt gặp nó và thằng thầy dạy cắt tóc đang âu yếm ngay trong phòng khách. Khách có vẻ lúng túng, nhưng thắng bé thì khá bình thản. Chỉ có tôi là chết lặng không biết nói lời nào, nói gì bây giờ, con mình nuôi gần 20 năm nay sao mình không hay biết”. Thằng bé ra tối hậu thư: Nó sẽ dọn nhà đi nếu tôi không chấp nhận nó. Tới bây giờ tôi vẫn không dám nói với ba nó. Tôi sẽ mất một trong hai thôi. Ổng mà biết chắc ổng cấm cửa nó. Tôi mà dung nó thì ổng sẽ dọn đi thôi, tôi biết.
Cuộc tình 12 năm bền chặt nhưng cũng đầy sóng gió của cặp đôi đồng tính nữ Tăng Ái Linh (phải) và Phạm Thị Thanh Phương (trái) là câu chuyện đẹp về tình yêu của người đồng giới.
Chỉ có nó mới biết
Bà Nhung lại rơi vào tình huống khác. Bà có hai đứa con. Con gái thì chạy nhảy, leo trèo, hùng hổ, chỉ thích mặc đồ con trai. Đứa con trai ngược lại nhẹ nhàng, trắng trẻo. Từ nhỏ, nó chưa bao giờ tham gia các cuộc chơi mạnh bạo, hung hãn như các anh em họ của nó. Nó có xu hướng thích kịch nghệ, thích những chiếc áo choàng, đóng vai công chúa, hoàng hậu, thích búp bê…
Sớm thấy cá tính hơi kỳ quặc của con, bà đã bí mật đi gặp các nhà tham vấn tâm lý. Họ bảo, phải đến dậy thì mới biết. Không thể kết luận con đồng tính từ những sở thích nho nhỏ đó được. Không yên tâm, bà mang con đến khoa nội tiết đề nghị bác sĩ làm xét nghiệm. Khi nêu ra lo ngại của mình, bà bị bác sĩ quạt cho một trận đuổi về: Đồng tính là xu hướng tình dục của nó, sau này mới biết, giờ mới có tí tuổi bà lo lắng gì?
Nghe theo lơi khuyên của các nhà tư vấn, bà mua thêm súng, xe hơi máy bay, robot, trà trộn vào đồ chơi của con, hy vọng nó sẽ mạnh mẽ hơn. Bà cũng dạy cho nó con trai thì phải mạnh mẽ… Lớn lên môt chút, nó thôi không chơi các trò con gái. Ở trường học nó liên tục làm lớp trưởng, ở những nơi đông người nó tỏ ra là một chàng trai tháo vát. Đôi khi bắt gặp nhưng cử chỉ dịu dàng của con, bà Nhung vẫn thấy bất an, dù bà vẫn tự trấn an mình, sao mình cứ áp đặt những tiêu chí hùng hục, thô ráp của bọn đàn ông nói chung để đo đức tính nhẹ nhàng của con. Giữa bức tranh có nhiều kẻ vũ phu, có được một người nhẹ nhàng như vậy mình nên mừng mới phải.
Khỏi phải nói sư nhẹ nhõm của bà khi thấy con trai mang về giới thiệu một cô gái xinh đẹp, cá tính. “Gần đến ngày đám hỏi. Con bé tìm đến tôi khóc ngất... Chỉ có nó mới biết…” bà Nhung ứa nước mắt, tôi nghi lắm, đã lường trước sự việc mà vẫn không hết đau lòng. Không ai có lỗi trong chuyện này cả…
Mẹ đồng ý cho các con cưới nhau với một điều kiện…
Đám cưới của hai chàng trai Tuấn-Tú lặng lẽ nhưng cực kỳ đầm ấm vì được cha mẹ hai bên hỗ trợ. Tuấn-Tú biết mình khá rõ và sớm. Tuấn may mắn được cha mẹ thông thoáng: sao cũng được miễn là các con hạnh phúc. Tú thì không. Gia đình ngăn cấm, bắt nhốt, thậm chí ép cưới vợ … Hai chàng trai bền lòng qua lại, thăm hỏi cả chục năm ngay khi mẹ Tú… không thèm ngó mặt. Một lần, mẹ Tú bệnh, nằm viện cả tháng trời. Tuấn một tay trực bệnh viện, lo vòng trong vòng ngoài, chăm sóc, tự tay bón cháo, đổ bô, đúng nghĩa dâu hiền rể thảo nào. Ra viện, người mẹ gọi hai con lại khóc: “Ai cũng muốn có con cháu. Số má không có cháu nội đành chịu. Con không khác gì con của má. Má cho phép hai con lấy nhau với một điều kiện: má đã nuôi nấng, quen thuộc với hình hài con từ nhỏ. Hãy để má nhìn các con như vậy, đừng đi phẫu thuật rồi phải chích kích thích tố suốt đời hại lắm nghe con”
Không phải ai cũng được một kết thúc có hậu như vậy. Nhiều người không dám nói thật với gia đình phải sống trong dằn vặt. Có người thú nhận bị ruồng bỏ. Có người uất ức cả đời khi bị gia đình chuốc thuốc mê rồi đem cô giao cho người đàn ông từng đeo đuổi cô với câu “muốn làm gì thì làm”, dù biết rõ con gái mình thương yêu một cô gái khác. Nhiều gia đình cảm thấy xấu hổ, nhục nhã khi có con là người đồng tính. Nhiều người nhân danh tình yêu để ép buôc con chối bỏ đời sống thực của mình…
Không ai lựa chọn đồng tính hay dị tính. Đồng tính không phải là tội. Nếu cả cha mẹ, anh em ruột thịt mà không sẵn sàng đón nhận, thì những người xa lạ sao có thể mở lòng. Những đứa con trong gia đình từ lạc giới sẽ lạc lối mất thôi nếu không có nơi để quay về…